Ngỡ ngàng với công nghệ thu hoạch tôm siêu tốc của Tập đoàn Thủy sản Minh Phú

Chỉ mất chưa đầy 5 giờ đồng hồ, con tôm từ vuông nuôi đã yên vị trong dây chuyền chế biến, đây là 'công nghệ' mang tính đột phá của Tập đoàn Thủy sản Minh Phú.

Những ngày này, vựa tôm xã Hiệp Thạnh (huyện Duyên Hải, Trà Vinh) như có hội. Tôm đang vào vụ thu hoạch nên tấp nập người lại qua. Vụ này, sản lượng tôm cao, giá lại ổn định nên ai nấy đều vui mừng, phấn khởi.

Vuông tôm của gia đình ông Tô Hùng Vỹ lố nhố người. Ông Vỹ dự tính vụ này sẽ thu 6 tấn tôm từ vuông nuôi theo công nghệ mới rộng chưa đầy 1600m2.

Sáng nay, để thu hoạch lượng tôm trên, ông Vỹ đã huy động đến gần 20 người làm công, họ là những thợ chuyên thu tôm trong vùng. Theo ông Vỹ, sở dĩ phải huy động ngần đó lao động là bởi cần phải đánh bắt nhanh cho kịp thời gian theo yêu cầu từ đại lý thu mua.

"Từ khi hạ lưới thu bắt đến khi tôm vào nhà máy chỉ có 5 giờ đồng hồ thôi, nhanh được khâu nào tốt khâu đó mà. Làm thế chất lượng tôm mới đảm bảo", ông Vỹ cho biết.

Đại lý thu mua tôm của ông Vỹ là đối tác lâu năm của Tập đoàn Thủy sản Minh Phú. Theo đó, từ nhiều năm nay, khác với các điểm thu mua khác, ngoài những yêu cầu về kích cỡ, đảm bảo về độ dư kháng sinh, để tôm thành phẩm vào những thị trường khó tính như Mỹ Nhật, cùng nhiều nước Châu Âu thì Tập đoàn Thủy sản Minh Phú khuyến khích đại lý chuyển tôm về nhà máy nhanh nhất có thể và chậm nhất là 5 giờ đồng hồ đối với những hộ nuôi thuộc địa bàn thu mua của Nhà máy Minh Phú- Hậu Giang.

Sáng nay, trên vuông tôm của ông Vỹ, cán bộ kỹ thuật của Tập đoàn Minh Phú cũng có mặt. Cán bộ này giám sát toàn bộ quá trình đánh bắt, bảo quản khi con tôm được đưa từ ao nuôi lên bờ.

Theo cán bộ này thì khi nào người dân buông lưới là anh sẽ bấm giờ và tới khi tôm nhà máy thì cũng sẽ có người chốt thời gian. Nếu tôm về đúng tiến độ thì cả đại lý và người nuôi đều được tập đoàn "trao thưởng" bằng những chính sách ưu đãi cụ thể.

Khi lưới được giăng xuống ao tôm, khi những con tôm nhảy tanh tách như giàn nhạc thì cũng là lúc cán bộ kỹ thuật của Tập đoàn Thủy sản Minh Phú bấm đồng hồ.

Trên bờ, cán bộ của Tập đoàn Minh Phú kiểm tra lại lần cuối thùng nước lạnh để ủ tôm. Ủ đúng nhiệt độ, tôm sẽ tươi lâu hơn, từ đó chất lượng thịt đảm bảo hơn.

Tôm lên tới đâu đều được "tắm" qua nước lạnh ngay tới đó và được ướp bằng đá sạch.

Vuông tôm nhà ông Vỹ nằm ở gần giữa đồng nên phải dùng đến đội ngũ xe thồ để đưa tôm ra xe đông lạnh đang chờ cách đó vài trăm mét.

Trao đổi với PV, bà Nguyễn Thị Vân, chủ đại lý Hồng Vân cho biết, bình quân mỗi ngày bà thu mua 25 tấn tôm thẻ chân trắng. Theo quy trình, đại lý cấp 2 sẽ thu mua trực tiếp từ nông dân sau đó chuyển qua đại lý cấp 1 để chuyển thẳng về nhà máy.

Hoạt động từ năm 2010, hiện nay có trên 2000 hộ dân tại Trà Vinh cung cấp tôm cho đại lý Hồng Vân. “Mỗi hộ nuôi có diện tích khoảng 4h, bình quân mỗi năm số lượng tôm mà tôi thu mua là 10.000 tấn”, bà Vân cho biết.

Bà Lê Thị Thúy- Phó Giám đốc nguyên liệu của Tập đoàn Thủy sản Minh Phú cho biết, hiện tại có khoảng hơn 80% tôm của người nông dân toàn vùng Trà Vinh, Bến Tre, Sóc Trăng… cung cấp tôm cho Tập đoàn Minh Phú.

“Chúng tôi có 02 nhà máy với công suất 300 tấn/ngày. Nhà máy Minh Phú - Hậu Giang đón đầu được vùng tôm Trà Vinh, bến Tre, Sóc Trăng. Nhà máy tôm Minh Phú- Cà Mau đón đầu được vùng tôm Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang…". Theo bà Thúy, bởi phân bổ như trên nên tôm về nhà máy luôn đạt chuẩn về thời gian, đảm bảo chất lượng cho hàng thương phẩm.

Theo bà Thúy, để cung cấp tôm nguyên liệu cho 2 nhà máy trên, hiện tại Tập đoàn Minh Phú hiện có khoảng 40 đại lý cấp I và 600 đại lý cấp II.

PV - Theo Đời sống Plus/GĐVN

Nguồn Đời Sống Plus: http://doisongplus.vn/ngo-ngang-voi-cong-nghe-thu-hoach-tom-sieu-toc-cua-tap-doan-thuy-san-minh-phu-70062-6.html