Ngỡ ngàng tuyến phố ngập rác trở thành con đường nghệ thuật giữa Thủ đô

Trước kia, con đường ven sông Hồng thuộc phường Phúc Tân (Hoàn Kiếm, Hà Nội) là nơi 'tập kết' bất đắc dĩ nhiều đống rác thải lớn, nhỏ. Tuy nhiên, dưới bàn tay nghệ thuật của nhiều nghệ sĩ, con đường ấy trở thành tác phẩm nghệ thuật khiến người qua đường thích thú, 'check-in' khoe ảnh.

16 tác phẩm nghệ thuật độc đáo đã làm “hồi sinh” con đường từng ngập ngụa rác. Ảnh: Lê Bảo

16 tác phẩm nghệ thuật độc đáo đã làm “hồi sinh” con đường từng ngập ngụa rác. Ảnh: Lê Bảo

Từ con đường "đau khổ"

Con đường ven sông Hồng (đoạn từ chân cầu Long Biên - chân cầu Chương Dương) từng được biết đến là khu vực ô nhiễm bởi rác thải sinh hoạt, rác từ kinh doanh buôn bán. Không ít người dân nghiễm nhiên xem đây là nơi xả rác khiến môi trường sống ít nhiều bị ảnh hưởng. Ông Lê Văn Biên, sống gần khu vực cầu Long Biên cho biết: "Trước đây khu vực này luôn trong tình trạng rác thải ngập ngụa. Mỗi khi nước dâng lên, mùi hôi thối nồng nặc vô cùng khó chịu. Bên cạnh đó, do ý thức của một bộ phận người dân không vứt rác đúng quy định, không có ý thức bảo vệ môi trường nên đã ô nhiễm lại càng ô nhiễm hơn".

Thế nhưng mới đây, bức tường chạy dọc dài khoảng 500m trên con đường này bất ngờ trở thành địa điểm lý tưởng để nhiều người "check-in", tham quan, thưởng thức những tác phẩm nghệ thuật độc đáo. Đây là dự án nâng cấp cảnh quan khu vực ven sông Hồng, hoàn thành vào quý I/2020 đem lại sức sống mới cho khu vực. Tất cả có 16 tác phẩm nghệ thuật sắp đặt đương đại được lắp đặt, xây dựng nơi đây.

Điều khiến bất cứ ai đặt chân đến "con đường nghệ thuật" này cũng không khỏi ngạc nhiên là tất cả các tác phẩm đều làm từ rác thải nhựa, thùng tôn, vành xe máy, sắt vụn hay đơn thuần chỉ là những thanh tôn vô tri. Họa sĩ Nguyễn Thế Sơn cho biết, Dự án lần này lấy cảm hứng từ chính địa thế hết sức đặc trưng, là nơi giao thoa của nhiều yếu tố văn hóa lịch sử của mảnh đất Thăng Long Kẻ Chợ, từng là nơi tấp nập trên bến, dưới thuyền cửa ngõ giao thương một thời của chốn Kinh kỳ, từng là nơi chứng kiến những cơn lũ mỗi mùa nước lên gắn liền với ký ức của biết bao thế hệ người dân nơi đây.

Tất cả tác phẩm tại đây đều làm từ rác thải mang ý nghĩa lớn lao để người dân bảo vệ môi trường.

Họa sĩ Nguyễn Thế Sơn nói: "Dù có vị trí ven sông Hồng lịch sử nhưng bãi Phúc Tân nói riêng cũng như những khu vực chạy dọc ven sông lại chưa được ứng xử như mặt tiền thành phố các nước văn minh trên thế giới. Khu vực ven sông từ cách tiếp cận của lịch sử vẫn bị coi như mặt sau của thành phố, nơi người ta thoải mái xả rác hoặc loại những thứ phế thải ra đó. Chính từ bối cảnh văn hóa đó, nhóm nghệ sỹ chúng tôi có ý tưởng thực hiện một dự án nghệ thuật công cộng ngay trên bức tường vốn có tác dụng ngăn sự lấn chiếm của người dân địa phương nơi đây. Dự án phần lớn sử dụng những đồ rác tái chế từ vỏ chai nhựa, thùng phi, vành lốp bánh xe máy, ống bô xả... cũng như các đồ rác thải từ chính nơi đây và những khu xử lý đồ tái chế khác trong thành phố để tái tạo ra các tác phẩm sắp đặt tương tác với ngữ cảnh của dòng sông Hồng cũng như với lịch sử văn hóa phong phú của Thăng Long Kẻ Chợ".

Đến con đường nghệ thuật độc đáo

Dự án được thực hiện bởi nhóm nghệ sĩ đã thực hiện nhiều tác phẩm ở Hà Nội. Theo họa sĩ Nguyễn Thế Sơn, tiếp theo sự thành công bước đầu của dự án nghệ thuật công cộng trên phố Phùng Hưng, nhằm mang lại không gian văn hóa giải trí mới cho cộng đồng, dự án nghệ thuật công cộng trên khu vực phường Phúc Tân ven sông Hồng có thể coi là một nỗ lực tiếp theo chính quyền địa bàn và nhóm nghệ sĩ tình nguyện.

16 nghệ sĩ với 16 tác phẩm sắp đặt nghệ thuật trải dài trên những bức tường còn sót lại kéo dài hơn 200m. Dự án này với thiết kế có thể mang tới hiệu quả cả ban ngày cũng như hiệu ứng ánh sáng ban đêm. Để thực hiện dự án, nhóm họa sĩ đã tìm hiểu đời sống văn hóa, tinh thần, lắng nghe ý kiến của người dân để có các tác phẩm gần gũi với cộng đồng.

Con đường cũng trở thành nơi vui chơi giải trí đối với trẻ nhỏ, giới trẻ.

Con đường nghệ thuật cộng đồng Phúc Tân kể câu chuyện về văn hóa, lịch sử của vùng đất Phúc Tân, về sông Hồng và rộng hơn nữa là về Thăng Long - Hà Nội. Đáng nói, nhiều tác phẩm được thiết kế từ những vật dụng tái chế như vỏ chai, lốp xe, thùng phuy, bu gà… vừa thân thiện môi trường, vừa tạo sự khác biệt và độc đáo. Trong đó, nghệ sỹ Phạm Khắc Quang đã hàn những thanh sắt cũ dựng lên thành hình ảnh toa tàu, trên đó có hình ảnh của cố NSƯT hát xẩm Hà Thị Cầu.

Từ sắt phế thải và inox gương, họa sĩ Nguyễn Thế Sơn mang đến tác phẩm sắp đặt hình ảnh của những gánh hàng rong, những người lao động ở bến sông Hồng, cùng với 2 bức phù điêu phục dựng lại bức Ngư nghiệp và Nông nghiệp nổi tiếng của Trường Mỹ thuật Đông Dương (nay là Đại học Mỹ thuật Việt Nam). Còn nghệ sỹ Lê Đăng Ninh sử dụng 20 chiếc thùng phuy để sắp đặt tác phẩm nhà nổi tái hiện lại cuộc sống của những người dân ngụ cư nơi bãi giữa sông Hồng. Nghệ sỹ Vũ Xuân Đông đã dùng hơn 10.000 chai nhựa là chai nước, hộp dầu xe máy đã qua sử dụng... tạo thành 4 chiếc thuyền buồm tái hiện hình ảnh trên bến dưới thuyền tấp nập ở bãi sông Hồng cách đây hàng trăm năm.

Hi vọng với những công hiến này, nơi đây sẽ là một điểm nhấn tiếp theo của thành phố, có khả năng thu hút cộng đồng cũng như mang lại lợi ích về văn hóa, môi trường và tham quan du lịch cho chính người dân địa phương.

Lê Bảo

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/ngo-ngang-tuyen-pho-ngap-rac-tro-thanh-con-duong-nghe-thuat-giua-thu-do-20200306173958869.htm