Ngỡ ngàng trước những kiệt tác bằng đất sét hơn 200 tuổi về đạo Phật

Ít người biết ở đằng sau tòa chính điện của Chùa Kiến Sơ (xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội) có một kiệt tác đặc biệt trong nghệ thuật tạo tượng - tòa động liên hoàn bằng đất sét dài 8m, cao 3m, dày 2m với hàng trăm bức tượng về các huyền tích trong đạo Phật.

Áp sát vào phía bên ngoài tường hậu chính điện Chùa Kiến Sơ là tác phẩm động Cửu Long gồm 5 tòa động liên hoàn được tạo tác bằng đất sét từ cách đây trên 200 năm

Áp sát vào phía bên ngoài tường hậu chính điện Chùa Kiến Sơ là tác phẩm động Cửu Long gồm 5 tòa động liên hoàn được tạo tác bằng đất sét từ cách đây trên 200 năm

Tác phẩm có chiều dài 8m, cao 3m, dày 2m, được đánh giá là tác phẩm động liên hoàn bằng đất sét có kích thước lớn nhất Việt Nam

Chỉ bằng đất sét kết hợp với sơn ta, các nghệ nhân dân gian đã tạo tác thành hàng trăm bức tượng độc đáo về các huyền tích trong đạo Phật

Tòa động thứ nhất là khung cảnh địa ngục với vô vàn hình ảnh Dược Xoa, La Sát, Ngưu Đầu, Ngục Tốt, Diêm Vương… nhằm tái hiện tích truyện Mục Kiền Liên Bồ tát hiếu thảo cứu mẹ thoát khỏi cõi địa ngục đầy đau khổ

Mẹ của Bồ tát Mục Kiền Liên tên là Thanh Đề, bà Thanh Đề có thói quen sống bất cẩn xa hoa, mỗi bữa ăn bà thường nấu đồ ăn nhiều, luôn vương vãi nhiều đồ ăn trên mặt đất… nên khi chết bà bị đày đọa xuống địa ngục, chịu cảnh đói rét. Sau rồi, Bồ tát Mục Kiền Liên nhờ oai thần Phật, mười phương tăng cứu mẫu thân khỏi cảnh khổ đau nơi địa ngục, nêu cao chữ hiếu trong dân gian. Và đó cũng là sự tích của ngày Lễ Vu lan (15/7 âm lịch hàng năm), ngày tri ân, báo hiếu cha mẹ

Tòa động thứ hai là hình ảnh Tam thiên thế giới (Dục giới, Sắc giới, Vô sắc giới) – người ở cõi Dục giới còn nặng lòng tham, người ở cõi Sắc giới dù đã từ bỏ được lòng tham nhưng vẫn còn nóng giận (sân), còn người ở cõi Vô sắc giới tuy đã diệt được tham sân nhưng trong lòng vẫn còn si – khiến họ đánh mất đi sự sáng suốt trong cuộc sống, sống một cách mơ màng, dễ sa vào tội lỗi

Trung tâm tòa động là Đạt Ma Sư Tổ tay cầm một chiếc hài đang giáo hóa và truyền đạo cho dân chúng. Chiếc hài được xem như là một phương tiện đưa chúng sinh tới bờ giác ngộ của ngài

Tòa động thứ 3 mô tả ngày Phật đản sinh – theo phong tục thời đó, sắp đến ngày lâm bồn, hoàng hậu Mahamaya về vương quốc cha mẹ đẻ để sinh con. Khi bà nghỉ chân ở vườn Lâm Tỳ Ni thì cơn đau chuyển dạ xuất hiện, bà vịn tay cành hoa và hạ sinh Đức Phật Thích Ca từ sườn phải

Từ trên trời, 9 con rồng bay xuống phun 2 dòng nước lạnh và nóng để tắm cho ngài

Theo kinh điển Bắc Tông, trước đó, hoàng hậu Mahamaya mơ thấy voi trắng 6 ngà biến thành luồng sáng soi vào bụng mình và sau đó mang thai Đức Phật

Chư thiên hội tụ, tất cả đều vui mừng hoan hỷ đón chào Phật ra đời, đón mừng Đạo pháp xuất thế

Cũng trong tòa động này có một hình ảnh khá đặc biệt - hình ảnh chim cộng mệnh (hai đầu người, mình chim)

Tòa động thứ tư là những hình ảnh của những con người bình thường đan xen những tích chuyện thần thánh

Nổi bật là bức tượng Quan Âm Bồ Tát đứng, tay rủ xuống kết thủ ấn với nguyện vọng cứu giúp chúng sinh thoát khỏi khổ nạn trong cõi Sa Bà

Tòa động thứ 5 là cảnh giới cuối cùng nói về hành trình của thầy trò Đường Tăng phụng mệnh vua Đường sang Tây Trúc thỉnh kinh, vượt biết bao sóng gió kiếp nạn để mang được báu vật của nhà Phật – Chân kinh về cứu độ chúng sinh, hoằng dương Phật pháp

Trường Hùng

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/ngo-ngang-truoc-nhung-kiet-tac-bang-dat-set-tren-200-tuoi-ve-dao-phat-20210103131436183.htm