Ngỡ ngàng làng gốm đất Sơn Đông

Nhắc đến 'làng', trong tâm trí mỗi người chúng ta lại xôn xao ùa về những cây đa, bến nước, sân chùa, những đường cái quan, ngõ xóm, tiệc làng, hội quê... Tìm hiểu những nét đẹp của làng quê là trân trọng quá khứ; khám phá những di tích lịch sử là giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trước sự mài mòn của thời gian.

Tôi đến với làng Gốm xã Sơn Đông huyện Lập Thạch như một cơ duyên mà cầu nối bắt nguồn từ những người con của đất Gốm. Đến đất Gốm ban đầu là sự trầm trồ, ngỡ ngàng vì những giá trị văn hóa lịch sử đẹp đẽ đã trầm tích ở ngôi làng cổ kính. Để rồi khi đã nhiều lần một lòng đi về với đất Gốm, tôi mới nhận ra rằng chính những con người nơi đây mới là chiếu ảnh kì diệu của ngôi làng cổ bên dòng sông Lô thơ mộng, hùng vĩ.

Làng Gốm cổ nay là xã Sơn Đông, nằm ở cực Nam huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc. Phía tây và tây bắc của làng giáp các xã Cao Phong, Triệu Đề, các mặt còn lại của làng được sông Phó Đáy và sông Lô ôm trọn một vòng yêu thương: phía tây và tây nam là dòng Lô giang anh dũng, đẹp vô cùng với “Nắng chói sông Lô hò ô tiếng hát”; phía đông và nam là sông Phó Đáy như dải lụa mượt mà.

Không chỉ là làng giàu có nổi tiếng, làng Gốm còn là một trong những nơi sản sinh nhiều nhân tài. Có một thời ở làng Gốm, hễ ra ngõ là gặp con quan nên triều đình ban đạo sắc phong ghi nhận làng Gốm là làng Quan Tử (tức là làng con quan). Tương truyền dưới thời phong kiến làng Gốm cổ có tới 23 vị tiến sĩ và được công nhận là một trong hai mươi làng tiến sĩ của cả nước Việt Nam.

Không chỉ cổng làng, cổng đình, cổng chùa thâm nghiêm mà mỗi cổng nhà trong làng Gốm cổ cũng là một tiểu công trình kiến trúc khá công phu. Dù cho kinh tế thời mở cửa có thể làm thay đổi kiến trúc nhà cửa, nhưng người làng Gốm vẫn cố giữ lại những cổng nhà của một thời vàng son, in dấu gần một thế kỉ. Kể cả khi đổ nát rồi thì lúc xây mới người làng vẫn cố khôi phục lại nguyên trạng.

Tôi đã đến với những cổng nhà có từ những năm đầu thế kỉ hai mươi, đã sờ tay vào từng cánh gỗ cũ kỹ, tróc sơn hay bờ tường lở xanh rêu phủ. Tôi lại đứng bên cánh cổng tre mộc mạc khép hờ mà thấm thía tấm tình của người dân Sơn Đông sâu nặng với quá vãng.

Cổng vào những ngôi nhà cổ

Biểu tượng của hồn quê ở làng Gốm cổ không chỉ có những cánh cổng xa xưa mà còn là giếng làng trong mát với nhiều sự tích li kì. Làng Gốm - Sơn Đông có tất cả 6 giếng cổ được xây cất bằng đá ong xen gạch bìa từ đáy lên tận thành giếng. Tính từ cuối làng và dọc theo trục đường cái quan, thứ tự các giếng lần lượt là: Giếng Lũng, Giếng Trám, Giếng Lũy, Giếng Bà Vần, Giếng Đông, Giếng Chùa.

Giếng làng thân thương tắm mát bao khu vườn, ngọt lành bao cuộc đời, đậm đà bao câu chuyện quê tình nghĩa. Tôi tự hỏi bao cô gái đã chọn giếng làng soi mình làm duyên, bao tình yêu lứa đôi đã bắt đầu từ gánh nước quê trong veo sóng sánh? Người quê, thuở nhỏ chỉ biết đến giếng làng, dần lớn lên mới biết đến sông, đến biển, đến những chân trời xa rộng...

Người Gốm uống nước giếng làng nên âm sắc giọng nói giống nhau, để rồi trên khắp các nẻo đường đời bôn ba, không cần ngó mặt, chỉ nghe giọng nói thôi mà rưng rưng nhận ra “Người kẻ Gốm quê ta đấy chốc!”.

Di tích giếng Đông được trùng tu năm 1941

Làng Gốm cổ có rất nhiều chùa, đền, miếu và nhà thờ họ nguy nga, đồ sộ. Đó là những công trình kiến trúc đậm bản sắc văn hóa của người Gốm. Đi suốt làng từ xóm này sang xóm khác, đặc biệt dọc theo hai trục đường xuyên tâm Bắc – Nam và Đông – Tây, cứ cách khoảng 500 mét là có thể bắt gặp một công trình tâm linh bề thế.

Điều lý thú là tất cả các công trình tâm linh của làng Gốm cổ đều được nhà nước xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa. Đó là các di tích: Chùa Am, đình Bác Cổ, Đền Thượng, miếu Quan Tử, Vũ Tướng Công Tự; nhà thờ của các dòng họ khoa bảng, đó là họ Trần, họ Lê, họ Đặng, họ Nguyễn. Mỗi công trình đều có cả một chiều dài lịch sử, chiều sâu văn hóa và sự kì diệu của những giai thoại, thần tích.

Cây lộc vừng là báu vật của thiên nhiên ưu ái dành tặng riêng người làng Gốm. Cây đã ở đó chứng kiến những thăng trầm của lịch sử làng Gốm từ triều Trần, triều Lê. Cho đến nay, cây thuộc hàng “Độc nhất vô nhị”, đứng đầu về giá trị thẩm mỹ trong số những Cây di sản trên cả nước. Dưới tán xanh mát ấy, tôi nghe tiếng cười ríu rít của trẻ nhỏ, tiếng rầm rì của người già ngồi hóng mát kể chuyện đạo, chuyện đời…

Chia tay đất Gốm, tôi nhận ra hàng cây gạo bên đường đã căng nụ chuẩn bị bung hoa đỏ gọi tháng ba rực rỡ. Làng xóm bình yên sau những rặng hoa xoan tím nhạt lắc rắc mưa xuân. Dòng sông Phó Đáy mềm mại uốn lượn chảy trôi qua cửa xe như lời chào lưu luyến. Bài hát từ chiếc radio bỗng ngân lên thật da diết: Gửi vào đây, vui buồn người Việt. Gửi vào đây, vào đây tâm hồn người Việt… Còn thật nhiều câu chuyện về đất Gốm mà tôi còn muốn kể để trả thương trả nhớ cho một làng quê giầu đẹp, nghĩa tình.

Theo Tiếng nói giáo viên

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/van-hoa/ngo-ngang-lang-gom-dat-son-dong-3942060-c.html