Ngô Hồng Quang và những thử nghiệm âm nhạc táo bạo

Đêm thứ Bảy cuối cùng của tháng Sáu, có một đêm diễn bùa mê của Ngô Hồng Quang và 'đồng bọn' mang tên Nam nhi.

Một khán giả cảm thán: Nghe nhạc Quang mà cứ như có lực kéo vô hình nhấc mình ra khỏi ghế bay lên ấy...

Vị khán giả đó đã nói hộ được cảm xúc của cả khán phòng Trung tâm Văn hóa Pháp tại 24 Tràng Tiền, Hà Nội hôm ấy.

Ngô Hồng Quang (bên trái) và nhạc sĩ lừng danh người Pháp gốc Việt Nguyên Lê.

Ngô Hồng Quang là ai

Ngô Hồng Quang hẳn nhiên không nổi tiếng theo kiểu ngôi sao showbiz. Những đêm diễn của anh ở Việt Nam chắc chưa ở mức cháy vé thế nhưng cảm xúc đem lại cho khán giả luôn chạm nóc. Tôi ngồi giữa đám đông, cảm nhận rất rõ những người đa phần là còn rất trẻ đó thật sự đắm mình trong âm nhạc. Họ hiểu và yêu nhạc Quang, yêu cái cách giản dị, tự nhiên mà anh đem âm nhạc đến với cộng đồng. Khán phòng chợt lặng phắc khi Quang xuất hiện trên sân khấu - một không gian biểu diễn được thiết kế đơn giản với 3 bức mành tre buông từ trên cao chạm đất, chắc là mô phỏng hình ảnh chiếu rải sân đình, như ngầm giới thiệu về một đêm nhạc đậm đặc folklore. Từ trường mạnh mẽ từ nghệ sĩ khiến khán giả nhiều lúc sởn gai ốc. Có những trường đoạn âm thanh kỳ lạ đến mức người nghe bị ép muốn nín thở. Cảm xúc chạm đỉnh bung ra thành những tiếng vỗ tay không dứt, có cả tiếng huýt sáo phấn khích. Không có cảnh vừa nghe vừa tranh thủ lướt Facebook vốn rất thường thấy ở những chương trình biểu diễn nghệ thuật.

Lý lịch âm nhạc của Ngô Hồng Quang chỉ đơn giản thế này: Tốt nghiệp Khoa Nhạc cụ truyền thống, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam… Biết chơi 7 loại nhạc cụ là đàn môi, đàn nhị, đàn bầu, chiêng dây, kơ nia, đàn tính, trống đế. Giọng hát của anh giờ đây cũng được tính là nhạc cụ thứ tám, có khả năng cất lên những quãng rung mãnh liệt hoặc hạ xuống kể lể, kiểu như cù vào cảm xúc của người nghe. Tháng 6 năm 2016, Quang hoàn thành bằng thạc sĩ tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Hà Lan, chuyên ngành sáng tác âm nhạc đương đại. Anh đã ra các album Quang, Song hành, Hà Nội Duo, Nam nhi. Sắp tới sẽ là Nhìn lại và một số dự án âm nhạc khác.

Tìm một con đường, tìm một lối đi

Suốt mười mấy năm miệt mài làm trò ngoan ở Học viện, ra trường được giữ ở lại trường đúng như ao ước ngày còn đi học. Thế nhưng Ngô Hồng Quang vẫn luôn cảm thấy có một điều gì đó thôi thúc, bức bách anh.

Tôi không muốn dừng lại ở những gì đã học. Muốn đi xa hơn để học về tư duy âm nhạc đương đại. Đưa âm nhạc dân tộc Việt Nam ra thế giới và kết nối với âm nhạc đương đại, đó là con đường của tôi. Quang nói vậy tại một cuộc gặp gỡ với các nhà báo.

Quang là trường hợp cực kỳ hiếm hoi với giới chơi nhạc cụ dân tộc khi dám bước ra không gian của âm nhạc ngũ cung để đến với thế giới của những thanh âm mới. Có vẻ như công thức này luôn đúng: Định hướng chuẩn + Cơ hội tốt + Sự luyện rèn = Thành công.

Tôi chọn cho mình hướng đi từ nhỏ, biết mình muốn gì. Cảm nhận của khán giả luôn là hai chiều, có thể thích hoặc không, tán thành hoặc không. Đó là chuyện bình thường. Còn tôi sẽ không bao giờ thay đổi. Quang tự tin khẳng định thế. Nghe anh nói thì đơn giản vậy nhưng không phải người trẻ nào cũng may mắn biết mình muốn gì ở ngay những bước đi đầu đời. Quang gây cảm giác vừa hồn nhiên lại vừa ương bướng, vừa ngoan ngoan lại vừa tinh quái trong đối thoại. Chắc điều này giúp anh kiên định đi theo con đường đã chọn.

Dĩ nhiên trên con đường đó, không phải không có những lúc Quang bị dao động, nghi ngờ. “Khi vào học chuyên ngành sáng tác nhạc đương đại ở Hà Lan, tôi biết mình đã chọn đúng hướng. Tôi đã từng lo môi trường này sẽ làm mất đi chất nhạc truyền thống Việt Nam, nhưng ngược lại, họ đã khuyến khích tôi phát triển tố chất, tự tìm ra con đường sáng tạo riêng”, Quang nói.

Âm nhạc của Ngô Hồng Quang có sự kết nối mãnh liệt với âm nhạc truyền thống Việt Nam. Anh đã kết hợp với kĩ thuật phương Tây để tự sáng tác thứ âm nhạc mà anh gọi là Nhạc của tôi.

Anh không dùng nhạc 5 âm, 7 âm hay 12 âm mà nhảy ra khỏi mọi quy chuẩn. Có thể hình dung như là “chơi phủi” vậy. Chẳng hạn như anh đã sáng tạo những hòa âm mới bằng cách kết hợp những luyến láy hoa mỹ của quan họ với những kỹ thuật của bộ dây phương Tây, cho phép có thể vuốt rung luyến láy. Quan họ Bắc Ninh rất hay nhưng người nước ngoài thoạt nghe cũng hơi khó thẩm thấu được luôn. Nhưng khi nghe những hòa âm mới này, họ cảm được ngay dù phần hòa âm của Quang cũng khá trừu tượng. Quang cho biết, anh nghe từ nhỏ, đủ cả xẩm - chèo - quan họ… nhưng quan họ với anh là dễ nghe hơn cả, như thể một thứ nhạc pop truyền thống. Đưa chất đương đại vào những bài quan họ, để mở rộng lên chiều kích nghe khác - đó là một bước dò cảm xúc khán giả khôn ngoan của Quang. Nếu anh làm như thế với một làn điệu chèo chả hạn, sẽ khó hơn cho người nghe. Mặt khác, Quang cũng thận trọng trong cách tân, không thử thách khán giả kiểu gây sốc, không phá vỡ không gian đẹp vốn có của quan họ.

Bạn có thể tìm trong những cửa hàng băng đĩa, album mới nhất của Ngô Hồng Quang mang tên Nam nhi. Trong đó có những khúc quan họ cổ trình diễn cùng ngũ tấu đàn dây. Là Ngồi tựa mạn thuyền, Lên tiên cung, Đêm qua nhớ bạn, Mười nhớ… Vẫn giữ lối luyến láy đặc trưng của quan họ nhưng hát trên nền hòa âm phối khí hoàn toàn mới, bởi thế mà dễ dàng tiếp cận với khán giả hiện đại hơn. Những lời ca tha thiết yêu đương, khát khao hạnh phúc muôn đời vẫn thế, chạm đến những ngóc ngách tâm hồn sâu kín của con người. Quang đã thành công khi làm mới quan họ cổ, nhắc nhớ cho chúng ta rằng âm nhạc dân tộc đẹp đẽ, tinh tế đến nhường nào. Hiện đại không bao giờ có thể thay thế truyền thống, nhưng hiện đại có thể mang đến cho truyền thống một hơi thở và một đời sống mới.

Con đường âm nhạc của Quang là con đường của một nghệ sĩ bẩm sinh nhưng luôn biết học từ mỗi ngày, mỗi thứ xung quanh mình. Có rất nhiều phương tiện, truyền thông, báo đài, đi dã ngoại, qua sách vở cũng nhiều. Tôi thường lấy cảm hứng sáng tác qua ý niệm cuộc sống, nhân sinh quan của từng nhóm người khác nhau, đặc biệt là các dân tộc thiểu số. Tôi cũng thích đọc về Phật học và triết học nói chung, đó là những thứ mình nên biết.

Những sáng tác của Ngô Hồng Quang cũng thực là độc đáo. Tình đàn, Đi tìm, Mục hạ vô nhân, Về đồi non… cho thấy anh đang ở trong thời kỳ rực rỡ của năng lực sáng tạo. Tài năng đa dạng cho phép Quang có thể hoạt động độc lập thoải mái trong môi trường âm nhạc quốc tế. Anh chính xác được định danh là một nghệ sĩ âm nhạc toàn cầu.

Quang ẩn một nụ cười tinh nghịch ngầm khi kể: Khán giả ở Pháp có lần hỏi vì sao tôi có thể biểu diễn liên tục không mệt mỏi như thế. Tôi trả lời: À, do tôi tập Yoga.

Nghệ sĩ beatbox Trung Bảo.

Đủ sắc sảo để luôn tìm được người đồng hành tốt

Vài năm trước, Ngô Hồng Quang đã có sự kết hợp với nhạc sĩ lừng danh người Pháp gốc Việt Nguyên Lê. Album Hà Nội Duo do Nguyên Lê và Ngô Hồng Quang hợp tác gây được tiếng vang lớn. Hà Nội Duo thông qua những điệu dân ca, bài xẩm dân dã, những bài hát tưởng như đã rất quen thuộc… để kể những câu chuyện về xứ sở quê hương Việt Nam, về miền đồi núi, những cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ và những dải màu văn hóa sống động. Đây là album thứ 18 trong sự nghiệp của Nguyên Lê, trong đó những bản nhạc độc đáo do Nguyên Lê sáng tác được thể hiện trên nền nhạc cụ truyền thống và những sáng tác mang âm hưởng dân ca Tày của Ngô Hồng Quang. Những đêm diễn của cặp đôi này tại Việt Nam đã được đánh giá như một sự kiện âm nhạc độc đáo.

Nhạc sĩ Nguyên Lê đã dành cho Quang những lời thật đẹp: Cậu ấy thực sự là một nhạc sĩ chất lượng cao, học hành bài bản, học sáng tác đương đại và hiểu biết mọi thể loại nhạc truyền thống. Quang vừa là một pho từ điển âm nhạc lại vừa là ca sĩ, đúng là mẫu người tôi vẫn kiếm tìm bao lâu nay. Một người có hành trang văn hóa và truyền thống đầy đặn, lại trẻ trung cởi mở nên tôi có thể thỏa sức thử nghiệm cùng cậu ấy. Thật là tuyệt khi có cảm giác không có giới hạn nào hết ngoài trí tưởng tượng của chính mình.

Nhân vật mới tinh mà Ngô Hồng Quang lăng xê trên sân khấu âm nhạc Thủ đô chính là nghệ sĩ beatbox Trung Bảo sinh năm 1997. Anh chàng sinh viên Khoa Thiết kế đồ họa tại Mỹ này là đại diện Việt Nam duy nhất đồng thời là quán quân giải đấu solo World Beatbox Camp 2017 và Top 4 giải đấu Beatbox thế giới Grand Beatbox Battle 2017.

Khán giả đã có một trải nghiệm hiếm có qua phần kết hợp độc đáo giữa âm nhạc dân tộc, nhạc cụ phương Tây và beatbox. Những nghi ngại beatbox khó đi với dân gian đã được giải tỏa.

Quan họ không có tính nhịp điệu nhiều, bộ gõ ít. Khi kết hợp với beatbox sẽ mở ra cho khán giả một không gian thưởng thức âm nhạc mới, dứt khoát là trẻ trung hơn. Người trẻ có thể thưởng thức âm nhạc truyền thống mà không có cảm giác âm lịch. Xem và nghe Trung Bảo biểu diễn trên sân khấu chính khán giả còn mệt hơn nghệ sĩ, có cảm giác đứt cả hơi, vượt ngưỡng. Beatbox không cho cảm giác gá vào quan họ hay xẩm hay dân ca Mông mà như một thành tố khớp khít khiến người xem lướt qua đủ các cung bậc cảm xúc.

Đến nay, Quang đã biểu diễn ở 35 quốc gia khắp mọi châu lục, một đại sứ văn hóa Việt Nam thông qua âm nhạc. Quang mang theo niềm tự hào lớn nhất là người Việt và chơi nhạc Việt Nam. Những nghệ sĩ như Quang dĩ nhiên chỉ như một cánh cửa hẹp, hé mở cuộc sống âm nhạc đương đại và phong cách sống của một người nghệ sĩ âm nhạc dân tộc thời nay của Việt Nam. Nhưng nhiều cánh cửa như thế được mở ra chắc chắn sẽ giúp khán giả nước ngoài thấy được tư duy và sự phát triển của một nền văn hóa âm nhạc mà tới nay còn chưa được biết đến nhiều trên thế giới.

Võ Hồng Thu

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/ngo-hong-quang-va-nhung-thu-nghiem-am-nhac-tao-bao-n146023.html