Ngộ độc, tử vong vì tùy tiện sử dụng túi hút chân không

Thời gian gần đây, liên tiếp xảy ra các ca ngộ độc do độc tố Botulium có trong đồ đóng hộp, đóng túi hút chân không. Thậm chí, đã có ca tử vong.

Hút chân không, bảo quản thực phẩm không đúng cách dẫn đến nhiều nguy hại

Mới đây là vụ ngộ độc khí Botulinum sau khi ăn bún riêu chay tại Bình Dương khiến một người tử vong và 6 người nhập viện.

Cơ quan chức năng đã lấy 16 mẫu chả (loại đóng gói hút chân không) và patê chay để kiểm nghiệm tìm nguyên nhân. Trong khi đó, tại địa phương có rất nhiều loại patê và chả được các hộ kinh doanh cá thể đóng túi hút chân không.

Cũng khoảng thời gian này, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum liên tiếp đón 4 bệnh nhân, trú tại thôn Kon Du, xã Măng Cành, với chẩn đoán suy hô hấp, theo dõi ngộ độc độc tố clostridium Botulinum.

Ngoài ra, 9 bệnh nhân khác cũng được đưa vào Trung tâm Y tế huyện Kon PLông, tỉnh Kon Tum. Những người này trước đó ăn cá tự muối được bảo quản bằng túi hút chân không.

Trước đó, cuối tháng 2, đầu tháng 3/2021, tại làng Kon Kum, xã Măng Cành xuất hiện chùm ca bệnh làm hai người chết, 22 người nhập viện với cùng một triệu chứng. Kết quả xét nghiệm cho thấy, chùm ca bệnh bị ngộ độc thực phẩm bởi tác nhân vi khuẩn clostridium botulinum sinh độc tố type E.

BS. Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, độc tố botulinum là chất độc thần kinh cực mạnh. Sau khi ăn, độc tố này được hấp thu vào cơ thể, gắn chặt vào các dây thần kinh, gây liệt toàn bộ các cơ.

Biểu hiện của ngộ độc là sau khi ăn khoảng 12 - 36 giờ (có thể tới 1 tuần sau ăn), bệnh nhân liệt từ vùng đầu, mặt, cổ (khó nuốt, đau họng, khó nói, khàn giọng, mắt không mở được) rồi lan xuống hai tay (yếu tay), sau đó tới hai chân (yếu chân), liệt các cơ hô hấp (khò khè, ứ đọng đờm rãi ở họng, khó thở). Trường hợp liệt nặng có thể gây suy hô hấp, là nguyên nhân tử vong.

Theo bà Trần Việt Nga, Phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, xu hướng ngộ độc thực phẩm đang tăng lên do trào lưu sử dụng túi hút khí chứa thực phẩm, bảo quản thực phẩm không đúng cách, sử dụng đồ hộp không đảm bảo chất lượng...

Các sản phẩm từ rau, củ, quả, thịt, hải sản lên men, đóng hộp không đảm bảo đều có nguy cơ bị nhiễm vi khuẩn và sinh độc tố Botulinum.

“Muốn đóng gói đồ hộp hay hút chân không thực phẩm, người dân cần áp dụng các quy trình chuẩn về khử trùng đồ hộp ở nhiệt độ cao, không đóng gói, hút chân không thực phẩm khi công nghệ không bảo đảm. Hoặc sau hút chân không phải để ở nhiệt độ đông đá, như vậy mới làm vi khuẩn ngừng phát triển và không sinh độc tố”, bà Nga khuyến cáo.

Cũng theo bà Nga, người dân cần chọn các sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có tiêu chuẩn chất lượng và an toàn được công nhận; Thận trọng với các thực phẩm đóng kín nhưng có mùi hoặc màu sắc thay đổi, hoặc có vị thay đổi khác thường (ví dụ sữa chua nhưng không còn vị chua bình thường).

Đồng thời, ưu tiên ăn các thực phẩm mới chế biến, mới nấu chín. Lưu ý nấu chín sẽ phá hủy độc tố botulinum (nếu không may có trong thực phẩm). Với các thực phẩm lên men, đóng gói hoặc che đậy kín theo cách truyền thống (như dưa muối, măng, cà muối...) cần đảm bảo phải chua, mặn. Khi thực phẩm hết chua thì không nên ăn.

Vũ Vũ

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/ngo-doc-tu-vong-vi-tuy-tien-su-dung-tui-hut-chan-khong-d500986.html