Ngộ độc thuốc ở trẻ em - cách sơ cứu ban đầu

Một số loại thuốc thường gây ngộ độc cho trẻ là thuốc kháng Histamine (thuốc chống dị ứng), thuốc á phiện, thuốc ngủ, thuốc nhỏ mũi (Naptazoline), thuốc hạ sốt, thuốc giảm đau nhức các loại…

Người nhà tự ý mua thuốc về nhà điều trị cho trẻ mà chưa có chỉ định của bác sĩ, vì không rõ liều dùng an toàn nên cho trẻ uống quá liều có thể làm cho trẻ bị ngộ độc. Một số phụ huynh vì tâm lý “nóng vội” muốn trẻ mau chóng hết bệnh nên tự ý tăng liều thuốc cho trẻ cũng dễ dẫn đến ngộ độc.
Trẻ nhỏ bị ngộ độc thuốc do người lớn bất cẩn để thuốc điều trị thường dùng trong các hộp đựng bánh làm trẻ nhỏ lầm tưởng là thức ăn hay “kẹo” nên bỏ vô miệng ăn dẫn đến bị ngộ độc.

 Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Một số phụ huynh thấy con biếng ăn thường xuyên, người gầy nên đã mua những “thần dược” không rõ nguồn gốc giúp trẻ “ham ăn chóng lớn” dẫn đến việc trẻ ngộ độc loại thuốc này.
Đã có nhiều trường hợp ngộ độc thuốc do trẻ em tự tử được cấp cứu tại bệnh viện là do buồn chuyện gia đình, do bị điểm kém hay bị cha mẹ, thầy cô la mắng.
Dấu hiệu giá trị nhất trong việc xác định trẻ có nguy cơ bị ngộ độc thuốc là cha mẹ phát hiện xung quanh trẻ có những vỉ thuốc dở dang, những bao đựng thuốc bột bị xé hoặc những chai đựng thuốc của người lớn bị văng tung tóe… Trẻ thực sự bị ngộ độc thuốc khi có những biểu hiện sau đây:
Biểu hiện ở đường tiêu hóa: Thường xuất hiện sớm nhất, vì thuốc gây ngộ độc sau khi trẻ uống sẽ tác động trực tiếp tại đây khiến trẻ kêu đau bụng nhiều, trẻ buồn nôn, nôn ói nhiều, một số trẻ bị tiêu chảy.
Biểu hiện ở đường hô hấp: Trẻ đột ngột ho sặc sụa nhất là trẻ nhỏ vì tâm lý hoảng sợ, nặng hơn trẻ có biểu hiện thở nhanh, tím môi, thậm chí khó thở.
Biểu hiện ở hệ thần kinh: Với nhiều mức độ nặng nhẹ khác nhau, như trẻ bị hôn mê hoặc co giật toàn thân, run tay chân, run giật cơ (ở mặt, ngực, đùi, cánh tay), yếu cơ sau đó là liệt cơ. Nặng hơn có thể gây liệt hô hấp, rối loạn nhịp tim.
Biểu hiện tăng tiết: Trẻ bị tăng tiết đàm nhớt ở cổ họng hay đường hô hấp, dịch tiêu hóa tăng bất thường, tay chân lạnh vì vã mồ hôi, chảy nước miếng nhiều.
Để sơ cứu đúng cách, cha mẹ cần xác định xem trẻ đã uống nhầm loại thuốc gì? Với liều lượng bao nhiêu? Cần mang theo mẫu thuốc hoặc chai/lọ đựng thuốc mà trẻ đã uống báo cho bác sĩ biết, sẽ giúp trẻ được điều trị tích cực bằng những biện pháp giải độc thích hợp nhất, giúp trẻ vượt qua cơn nguy hiểm nhanh chóng.
Khi biết trẻ bị ngộ độc thuốc, phụ huynh hãy giữ trẻ ở tư thế ngồi hoặc đứng, tuyệt đối không đặt trẻ ở tư thế nằm để các chất trong dạ dày khi trẻ đang bị nôn ói nhiều không trào lên thực quản, rồi vào khí phế quản, vào phổi sẽ gây nguy hiểm cho trẻ.
Nếu thấy trẻ tỉnh táo, chưa bị nôn trớ, quan sát trẻ thấy còn phản ứng tốt, cha mẹ hãy giúp trẻ nôn/ói để loại bớt chất độc hại ra ngoài cơ thể, cha mẹ có thể dùng ngón tay của mình (tốt nhất nên quấn thêm miếng gạc mềm, sạch) kích thích nhẹ nhàng vào vùng sàn họng trẻ (chỗ lưỡi gà) giúp trẻ có thể nôn/ói bớt loại thuốc đã uống, chú ý động tác kích thích gây nôn cần nhẹ nhàng để tránh gây tổn thương vùng họng của trẻ. Tuyệt đối không được gây nôn trong trường hợp trẻ đã bị hôn mê, trẻ đang lên cơn co giật, đặc biệt là những trường hợp nghi ngờ trẻ vừa bị ngộ độc thuốc vừa uống nhầm hóa chất bay hơi, dung dịch tẩy rửa gây ăn mòn mạnh như axít, bazơ hoặc xăng dầu, người lớn tuyệt đối không được gây nôn cho trẻ. Nếu trẻ than đau rát vùng họng phụ huynh có thể cho trẻ uống vài ngụm nước lọc sạch hoặc nước sôi nguội để làm dịu cơn đau, chú ý cho trẻ uống thật từ từ để tránh tình trạng trẻ bị nuốt sặc.
Sau sơ cứu ban đầu, người nhà cần nhanh chóng đưa trẻ tới ngay bệnh viện gần nhất để được các bác sĩ tiếp tục cấp cứu, giải độc cho trẻ.

Thạc sĩ - bác sĩ Đinh Thạc

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/thuocdinh-duong-ngo-doc-thuoc-o-tre-em-cach-so-cuu-ban-dau-401706.html