'Ngộ độc' củ dền - nỗi oan Thị Kính

Gần đây, có một số báo cáo về các trường hợp trẻ em bị 'ngộ độc nước củ dền' và cũng đã có khuyến cáo là không được dùng nước củ dền để pha sữa cho trẻ. Vậy có thực củ dền gây ngộ độc hay không?

Thành phần dinh dưỡng của củ dền

Củ dền được coi là một nguồn thực phẩm giàu folate. 100gr củ dền có chứa khoảng 50kcal năng lượng, 5gr lipid, 11g carbon hydrate, 2gr sợi, và 1g protein, 312gr kali và đáp ứng được 4% nhu cầu vitamin A hằng ngày. Củ dền được xếp vào trong nhóm rau củ có hàm lượng nitrate tương đối cao hơn so với các loại rau khác. Nói chung, củ dền được xếp vào loại thực phẩm bổ dưỡng, vậy tại sao lại có chuyện ngộ độc củ dền hay nước củ dền?

Ngộ độc có liên quan đến rau củ được nói đến chính là ngộ độc chất nitrate có trong thành phần một số loại rau củ, trên lâm sàng gây ra hội chứng tăng Methemoglobin trong máu (viết tắt là MetHb) làm cho trẻ có biểu hiện xanh tím và nếu không cấp cứu kịp thời có thể dẫn đến tử vong.

Ngộ độc nitrate liên quan với rau củ

Khoảng 85% nhu cầu nitrate của cơ thể hằng ngày là từ các loại rau củ. Nguồn thứ hai là nitrite được sử dụng để bảo quản thịt chống lại sự xâm nhiễm của vi khuẩn gây chết người - Clostridium botulium. Nguồn thứ ba là từ nguồn nước bị ô nhiễm, đến từ các nguồn như phân bón, chất thải động vật, các bồn chứa nhiễm khuẩn, hệ thống xử lý tưới tiêu thành phố và chất lắng đọng từ xác bã thực vật. Hai nguồn đến từ rau củ và phụ gia thực phẩm được các nhà khoa học coi là khá an toàn, với điều kiện việc sử dụng nitrite làm chất phụ gia phải được quản lý chặt chẽ. Trong khi đó, nguồn nitrate từ nước hoàn toàn tùy thuộc từng vùng, địa phương.

Nitrate chỉ gây độc khi ở mức độ cao hơn nhiều so với nồng độ của nó có trong thực phẩm. Mối nguy hiểm của nitrate trong nước và trong thức ăn là ở chỗ nó chuyển hóa thành các nitrite trước hoặc sau khi ăn vào. Trẻ em đặc biệt dưới 4 tháng tuổi được xếp loại nhạy cảm (dễ mắc) với chứng tăng MetHb máu.

Chứng MetHb mắc phải ở trẻ em liên quan với thức ăn rau củ ta thấy các điểm nổi bật sau đây:

1. MetHb hay xảy ra ở các đối tượng trẻ em, nhất là nhóm nhạy cảm là nhóm dưới 4 tháng tuổi vì các lý do sau:
- Cơ thể còn chứa nhiều huyết cầu tố bào thai, là loại nhạy cảm dễ bị chuyển thành MetHb.
- Do đặc tính chưa trưởng thành của cơ thể nên thiếu hụt enzyme khử MetHb.
- Nồng độ acid dạ dày kém toan nên nitrate dễ chuyển hóa thành nitrite.
- Tồn tại nhiều loại vi khuẩn có khả năng chuyển hóa nitrate trong đường tiêu hóa thành MetHb.
- Chế độ ăn thiếu các vitamin khác kèm theo (C, K) là các chất giúp khử MetHb.

2. Các trường hợp MetHb do ngộ độc nitrate ở trẻ em, các nguồn nitrate được xác nhận chủ yếu là từ nước uống bị nhiễm nitrate, nhất là nước giếng, được ghi nhận là phổ biến hơn nitrate trong thực phẩm.

3. MetHb do ngộ độc nitrate trong thực phẩm được xác nhận là bắt nguồn từ các loại rau quả có chứa nitrate nồng độ cao, đặc biệt là cải bó xôi trắng, cải bó xôi; còn trong vòng bàn cãi là nước vắt cà rốt, củ dền. Nồng độ nitrate trong rau củ dường như có liên quan với việc sử dụng phân bón, tưới tiêu. Tuy nhiên, việc ngộ độc nitrate trong thành phần rau củ không phải đơn thuần do rau củ gây nên mà phải có các yếu tố gây tăng nồng độ nitrate trong chế độ ăn đi kèm như: rau tươi chuyên chở lâu, giữ lâu, sau khi chế biến rồi được lưu giữ trong tủ lạnh, hoặc dùng nước rau có hai yếu tố nguy cơ là nước có nồng độ nitrate cao, và các loại rau củ này luộc lên có khả năng làm tăng nồng độ nitrate vốn có.

4. Chưa có bằng chứng các rau củ có chứa nitrate đóng hộp gây ngộ độc.

Như vậy "ngộ độc nước củ dền hay ngộ độc củ dền" là không chính xác, và cách dùng như vậy sẽ gây một sự ngộ nhận sai lạc về củ dền, một loại thực phẩm có giá trị về dinh dưỡng.

Lời khuyên cho các bà mẹ nuôi con nhỏ

1. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, tất cả trẻ sơ sinh cần được bú mẹ hoàn toàn cho đến tối thiểu là 4-6 tháng tuổi. Trong trường hợp hãn hữu phải cho bú sữa nhân tạo (không phải sữa mẹ) thì cần tham khảo ý kiến chuyên môn và trẻ bú bình cũng không có nhu cầu nước thêm. Chỉ nên cho trẻ ăn xam (tức là ăn thêm các thức ăn khác ngoài sữa) từ 6 tháng tuổi trở lên.

2. Khi dùng rau tươi chế biến thức ăn cho trẻ (đặc biệt các loại có chứa nitrate nêu trên) nên lưu ý: rau phải ăn tươi, chế biến xong ăn ngay; không giữ rau lâu ngày, bó chặt, hoặc chế biến rồi để lâu trong tủ lạnh thì dễ có nguy cơ bị ngộ độc nitrate.

3. Không nên sử dụng nước rau luộc các loại để làm thức uống - không những không lợi mà còn có thể "bất cập hại" là nước đó có thể nhiễm nitrate ở mức độ cao, hơn nữa khi đun sôi thì có thể làm cho nồng độ nitrate tăng lên.

4. Nước giếng, nhất là giếng khoan sử dụng để nấu ăn, pha sữa, tối ưu là nên được chuẩn độ nitrate.

Thiết nghĩ việc áp dụng những khuyến cáo này cũng phần nào làm giảm nguy cơ tiếp xúc với nguồn nitrate-nitrites không những là tác nhân gây hội chứng xanh tím ở trẻ em, mà còn được quy kết là tác nhân của một số loại ung thư ở người.

Tóm lược tài liệu khoa học của BS Nguyên Đình Nguyễn

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/suc-khoe/ngo-doc-cu-den-noi-oan-thi-kinh-135196.html