Ngỡ con 'thần đồng' nói tiếng Anh siêu đẳng, phụ huynh sốc phát hiện con mắc bệnh lý

Mới chỉ 2 tuổi rưỡi nhưng Minh Phương (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã có thể nói tiếng Anh vanh vách. Thế nhưng, cậu bé lại không có khả năng nói tiếng Việt như một đứa trẻ bình thường.

Một tiết học trị liệu cho trẻ rối loạn ngôn ngữ thường kéo dài 1 tiếng. Ảnh: HN

Cho con đi khám, phụ huynh tá hỏa khi con mắc chứng rối loạn ngôn ngữ. Nguyên nhân được xác định do tiếp xúc với môn ngoại ngữ thứ 2 quá sớm và không đúng phương pháp.

Học sai cách

Cô giáo trị liệu Cù Thị Lý – Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng Khoa học Tâm lí – Giáo dục cho biết, bản thân không nhớ nổi đã điều trị cho bao nhiêu ca rối loạn ngôn ngữ. Nhưng với chị, câu chuyện của cháu Minh Phương (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) là nhớ nhất.

Minh Phương được bố mẹ đưa đến khám lúc 2,5 tuổi, khi gia đình phát hiện em không chủ động được ngôn ngữ, không có khả năng giao tiếp bằng tiếng Việt. Bé chỉ thích nói tiếng Anh, với các từ rời rạc, câu tự phát, nhìn đến bất kỳ gì con vật, đồ dùng gì cũng nói bằng tiếng Anh. Ví dụ khi chỉ quả táo con đọc ngay “apple”, con chó đọc ngay “dog”. Khi hỏi sâu hơn, kĩ hơn bé lại không thể trả lời.

Chị Lý cho rằng khả năng ngoại ngữ của Phương chỉ là “chụp hình”, chứ bé không hiểu được vấn đề, sự vật và hiện tượng. Do đó, bé cũng không có khả năng giao tiếp.

“Bố làm xây dựng, mẹ buôn bán nên Phương thường tự chơi một mình với chiếc iPad. Phương xem điện thoại cả ngày, chỉ trừ lúc đi ngủ. Bé thích các bài hát, học tiếng Anh qua video trên mạng.

Khi để cho trẻ một mình tương tác, tiếp xúc quá nhiều thông tin trên mạng, thông tin một chiều sẽ có nhiều ảnh hưởng”, cô Lý cho hay.

Chuyên gia tâm lý Nguyễn Ngọc Thanh cũng chia sẻ, lớp học của anh từng có nhiều trẻ gặp tình huống tương tự.

Trẻ lên 7-8 tuổi học kiến thức của trẻ lên 3-4. Ảnh: HN

Em Nguyễn Thảo Linh (quận Hà Đông, Hà Nội) mới 6 tuổi nhưng có khả năng nói tiếng Anh rất tốt, phát âm tiếng Anh chuẩn do đã được đi học từ nhỏ và thường xuyên giao tiếp với mẹ bằng tiếng Anh.

Khả năng phát triển tiếng Anh của Linh giỏi hơn tiếng Việt. Khi giao tiếp với mọi người, cấu trúc câu tiếng Việt của em giống như một câu tiếng Anh và em không nói được những câu dài. Những câu thường thấy ở em theo kiểu: “Táo ăn cô ạ”, “Đạp cô xe”...

Học tiếng Anh sớm – nên hay không?

Thạc sĩ Lã Linh Nga - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học Tâm lý - Giáo dục cho hay, rối loạn ngôn ngữ thường do hai nhóm nguyên nhân. Một là nguyên nhân về thực thể do trẻ có vấn đề về cơ quan phát âm như tai, mũi, họng; cơ quan chỉ huy như não bị dị tật, viêm màng não,.... Hai là nguyên nhân tâm lý do gia đình quá cưng chiều, luôn sẵn sàng đáp ứng mọi nhu cầu khi trẻ chưa kịp nói ra nguyện vọng hay việc giao tiếp bị giới hạn trong thiết bị điện tử khiến khả năng tiếp thu ngôn ngữ chậm.

Lứa tuổi thường mắc phải triệu chứng rối loạn ngôn từ khoảng 5 tuổi trở xuống, đặc biệt khoảng 2-3 tuổi.

Thạc sĩ Lã Linh Nga. Ảnh: HN

Theo thạc sĩ Nga, khi trẻ nói tiếng Anh giỏi hơn tiếng Việt, cha mẹ cứ tưởng con mình là thần đồng, nhưng đó chỉ là "vỏ ngôn ngữ". Như vậy, bố mẹ vô tình làm cho trẻ “trượt” qua các ô rối loạn mà không hay biết.

Đã bắt bệnh và trị liệu cho nhiều ca rối loạn ngôn ngữ, TS.BSCKII Lã Thị Bưởi - chuyên gia Tâm thần học, nguyên giảng viên chính ĐH Y Hà Nội - cho rằng, nhiều gia đình chưa nắm rõ về sự phát triển của trẻ nên con bị mắc bệnh mà không biết.

“Quan trọng nhất là bố mẹ phải nhận thức được các biểu hiện bất thường của con để có hướng điều trị sớm. Có những bà mẹ phải đưa con đi điều trị “chui” vì bị bố, ông bà ngăn cản khi cho rằng con chẳng bị làm sao cả, lớn lên khắc sẽ bình thường.

Càng được điều trị sớm trẻ càng nhanh khỏi. Nếu không được điều trị, con sẽ khó khăn khi giao tiếp bằng tiếng Việt, khó hòa đồng hay không thể bộc lộ nhu cầu mong muốn dẫn đến hệ lụy tâm lý khác, cáu gắt, đánh bạn, trầm cảm... càng lớn lên càng khó”, TS.BSCKII Lã Thị Bưởi chia sẻ.

TS.BSCKII Lã Thị Bưởi. Ảnh: HN

Trước câu hỏi có nên cho con học tiếng Anh sớm hay không, TS.BSCKII Lã Thị Bưởi cho hay, vấn đề này hiện còn nhiều tranh cãi.

Nhưng với hơn 30 năm kinh nghiệm, bác sĩ Bưởi cho rằng thực tế giai đoạn từ 0-3 tuổi, gia đình nên cho con học thuần thục tiếng mẹ đẻ. Khi tiếng Việt đã thuần thục, gia đình kết hợp cho học tiếng Anh nhưng cần phân bố thời gian hợp lý, chọn phương pháp học hiệu quả.

* Tên cháu bé đã được thay đổi.

TUỆ NHI

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/giao-duc/ngo-con-than-dong-noi-tieng-anh-sieu-dang-phu-huynh-soc-phat-hien-con-mac-benh-ly-637040.ldo