Ngõ càng nhỏ, phố càng bé, phòng cháy phải càng cao!

Ngõ nhỏ, phố nhỏ từ lâu đã trở thành một thứ 'đặc sản' riêng của Hà Nội. Tuy nhiên thứ 'đặc sản' ấy đang tiềm ẩn nguy cơ cháy lan, cháy lớn, đồng thời gây khó khăn cho việc cứu hộ, cứu nạn nếu không may xảy ra sự cố hỏa hoạn.

Nhiều nguy cơ cháy đã được cảnh báo trước

Không chỉ có phố, có ngõ, Hà Nội còn có hàng ngàn con hẻm, ngách nhỏ có khi chỉ dắt vừa đủ chiếc xe máy. Những ngõ này không khác gì “địa đạo” bởi chiều rộng chỉ từ 2m đến 3m, thậm chí có ngách chỉ rộng khoảng 1m, hai người đi qua còn phải lách.

Chị Lưu Thị Ngân (ngõ đền Tương Thuận, phố Khâm Thiên, quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết: “Con ngõ này nhỏ, ngách còn nhỏ hơn nữa, đi lại là phải nhường nhau, nếu thấy người trong đi thì người ở ngoài chờ rồi mới vào chứ đi song song hai xe thì khó khăn. Nhiều nhà có xe đem đi gửi khi lấy cho thuận tiện”.

Ngách nhõ trong ngõ đền Tương Thuận (Khâm Thiên, Đống Đa) gây khó khăn cho công tác chữa cháy nếu không may xảy ra sự cố hỏa hoạn (Ảnh: Nguyễn Hoa)

Ngách nhõ trong ngõ đền Tương Thuận (Khâm Thiên, Đống Đa) gây khó khăn cho công tác chữa cháy nếu không may xảy ra sự cố hỏa hoạn (Ảnh: Nguyễn Hoa)

Ngoài ra, các khu vực ngõ này có nhiều nhà xuống cấp, thêm vào đó là hệ thống dây điện chằng chịt, nhà không có lối thoát nạn, không có hệ thống báo cháy, chữa cháy,... Trong các con ngõ những chiếc bếp than tổ ong vẫn luôn được đặt để phục vụ nhu cầu đun nấu, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ.

Do đó khi xảy ra cháy thì hậu quả sẽ rất lớn bởi phương tiện chữa cháy chuyên dụng không thể tiếp cận. Ngay cả phương tiện nhỏ nhất là xe chữa cháy mi ni công nghệ bọt khí nén của Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy TP Hà Nội cũng có kích thước lớn hơn hầu hết các ngõ, ngách.

Không chỉ vậy, quanh khu vực gần các bệnh viện như Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Bệnh viện K Trung ương cơ sở Quán Sứ, Bệnh viện Bạch Mai,… có rất nhiều khu nhà trọ cấp 4 cho người nhà bệnh nhân lưu trú, đều nằm trong ngõ nhỏ.

Các dãy trọ gần bệnh viện thường nằm khuất sâu bên trong các ngách nhỏ (Ảnh: Nguyễn Hoa)

Đơn cử như tại ngõ 121 Lê Thanh Nghị là nơi tá túc của bệnh nhân chạy thận ở Bệnh viện Bạch Mai. Khu vực này là dãy nhà trọ cấp 4 gồm vài chục phòng, mỗi phòng rộng chừng 5 - 10m2, ở giữa là lối đi nhỏ hẹp. Bác Nguyễn Xuân H (bệnh nhân chạy thận trong xóm) cho biết: Xóm trọ cũng được trang bị về phòng cháy chữa cháy (PCCC) nhưng không nhiều, có vài chiếc bình chữa cháy. Nếu xảy ra cháy như vụ cháy vừa rồi ở gần bệnh viện Nhi Trung ương thì chúng tôi cũng khó xử lý kịp”.

Đẩy mạnh công tác PCCC tại chỗ

Những nguy cơ hỏa hoạn vẫn luôn được các ngành chức năng thường xuyên cảnh báo, tuyên truyền nhưng vì nhiều lý do, người dân vẫn đang phải “sống chung với lũ”. Một trong những nguyên nhân dẫn tới các vụ cháy đáng tiếc xảy ra xuất phát từ chính sự hiểu biết sơ sài của người dân về công tác PCCC. Chỉ khi xảy ra những vụ cháy lớn gây thiệt hại về người và tài sản thì công tác phòng cháy mới được người dân đề cao tuy nhiên chỉ được trong khoảng thời gian ngắn nhất thời sau đó sẽ tiếp tục bị lãng quên.

Trong khi đó, điều dễ nhận thấy rằng, những vụ cháy trong các con ngõ nhỏ gây khó khăn rất nhiều cho đội ngũ lực lượng chữa cháy. Đơn cử mới đây nhất, vụ cháy ở xóm trọ trên đường Đê La Thành gần bệnh viện nhi Trung ương là minh chứng điển hình. Từ vụ cháy này cho thấy, để dập tắt đám cháy kịp thời thì quan trọng nhất là chữa cháy tại chỗ bởi nếu xử lý kịp thời khi đám cháy vừa bắt đầu xảy ra thì sẽ không để lại những hậu quả lớn.

Các ngõ, ngách ở Hà Nội cùng với sự nhỏ hẹp về đường đi là hệ thống dây điện chằng chịt bên trên (Ảnh: Hoa Nguyễn)

Theo lực lượng Cảnh sát PCCC TP Hà Nội, việc chữa cháy tại những con ngõ nhỏ, sâu đang gặp nhiều hạn chế bởi phương tiện chữa cháy hiệu quả đối với đám cháy lớn là sử dụng vòi rồng, trong khi những con ngõ ở Hà Nội chỉ dùng biện pháp thủ công. Do đó, với địa hình khu dân cư trong ngõ sâu, nhỏ như vậy việc phòng chống “giặc lửa” là nhiệm vụ quan trọng.

Việc tập trung nâng cao kỹ năng sống, tuyên truyền ý thức phòng ngừa cho người dân sẽ là cách tốt nhất giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản. Trong đó, chú trọng hướng dẫn người dân cải tạo hệ thống điện, phổ biến kiến thức phòng cháy, chữa cháy khi sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt. Đồng thời, giúp người dân xây dựng hoàn chỉnh các phương án chữa cháy và thoát nạn.

Ông Nguyễn Trường Sơn - Phó công an quận Cầu Giấy, phụ trách công tác PCCC cho biết: "Khi có các vụ cháy lớn xảy ra, người dân có ý thức hơn về PCCC nhưng sau đó lại bình thường. Nhìn chung ý thức của người dân về PCCC còn kém. Vấn đề quan trọng nhất là ý thức của mỗi người dân, họ cần chấp hành tốt các điều kiện về PCCC ở chính nơi mình sinh sống, kinh doanh, có như vậy mới hạn chế được các vụ cháy nổ xảy ra"

Nguyễn Hoa

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/ngo-cang-nho-pho-cang-be-phong-chay-phai-cang-cao-81689.html