Nghìn tỷ mua SGK dùng 1 lần: Có lợi ích nhóm không?

Nhiều ĐBQH băn khoăn vấn đề lãng phí trong việc in SGK dùng một lần và đề nghị Bộ GD-ĐT làm rõ có lợi ích nhóm, độc quyền không?

Cho ý kiến về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 4, ngày 19/9, tại phiên họp 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bà Lê Thị Nga - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, cho biết rất băn khoăn về SGK và sự lãng phí trong in ấn SGK.

“Nghị quyết 88 nói một chương trình nhiều bộ SGK nhưng thực tiễn có tiết kiệm trong việc in ấn SGK?”, bà Nga đặt câu hỏi.

Cũng theo bà Nga, hiện có nhiều dư luận, nghi ngại liên quan tới độc quyền trong hoạt động của Nhà xuất bản Giáo dục.

Một vấn đề khác được bà Nga chỉ rõ, trước đây bài tập có sách riêng, SGK có sách riêng, nhưng bây giờ bài tập lại chung với SGK và học sinh buộc phải ghi bài tập vào sách.

Theo bà Nga, với cách in ấn sách như hiện nay, học sinh khóa sau không thể dùng được nữa.

"Tại sao bây giờ khác thế hệ trước, một bộ sách không dùng được 2 - 3 thế hệ? Tại sao lại phải ghi bài tập vào SGK?.Tại sao chúng ta lại để phí mỗi năm chúng ta xuất bản hơn 1 triệu cuốn SGK, xã hội mất 1.000 tỉ đồng, nhưng đến năm sau không dùng được nữa?", bà Nga nói.

Bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp. Ảnh TNO

Cũng đưa ra ý kiến về sự việc trên, bà Nguyễn Thanh Hải - Trưởng Ban Dân nguyện Quốc hội cho biết, vấn đề SGK dùng một lần bà đã trực tiếp trao đổi với Bộ trưởng Bộ GD-ĐT khóa trước.

Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT cứ nói đấy không phải SGK, mà chỉ là sách bài tập, sách tham khảo.

"Tôi không muốn đưa ra ở đây nhiều sách như chị Nga vừa đưa ra, nhưng qua tìm hiểu thì nhiều sách có các bài tập, ô trống, các đường nối, đường kéo. Giá mỗi cuốn sách chỉ từ 10.000 - 12.000 đồng nhưng lại ảnh hưởng tới muôn nhà, khi hiện nay cả nước có tới 15,6 triệu học sinh.

Có phụ huynh nhắn tin cho tôi nói là sách tham khảo mua từ đầu năm nhưng đến cuối năm vẫn còn mới tinh, không dùng gì cả", bà Hải nói thêm.

Từ đó, Chủ nhiệm Ủy ban tư pháp Lê Thị Nga đề nghị Bộ trưởng Bộ GD-ĐT quan tâm tổ chức thanh tra ngay vấn đề này, đặc biệt liên quan tới biểu hiện lợi ích nhóm giữa biên soạn và phát hành sách hay không.

Bên cạnh đó, bà Nga cũng cho biết, hiện nay có dư luận về việc các trường ép học sinh mua sách tham khảo dù không cần thiết.

Trước đó, trao đổi với báo chí về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ cho rằng, thực tế, không ít giáo viên và phụ huynh cho biết, việc học sinh viết thêm vào SGK là điều không tránh khỏi và không nên cấm.

Việc ghi hoặc không ghi vào sách khi học có thể là cách thức học tập, nghiên cứu của người học.

Ghi chú trong sách là một cách học hay, không thể nói là lãng phí vì sách đã ghi chú thì không thể dùng nhiều lần để chuyển cho người khác. Việc có dùng sách cũ hay không phụ thuộc vào nhu cầu của người sử dụng.

Trong khi, chia sẻ với Đất Việt, PGS.TS Phạm Tất Dong - Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam cho rằng, nước chúng ta nghèo nhưng xài sang, dùng giấy vô tội vạ, SGK chiếm 50-70% lượng giấy cả nước đang sử dụng.

Đặc biệt, SGK chỉ dùng 1 lần, vì in luôn bài tập, học sinh làm luôn trên đó chứ không làm trên vở, sau đó học xong bỏ đi. Cho nên, đây là sự lãng phí khủng khiếp.

Đồng tình quan điểm, GS.TS Phạm Minh Hạc - Nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng, SGK và vở bài tập phải thực hiện tách rời nội dung để SGK có thể sử dụng trong nhiều năm.

Thậm chí gây dựng phong trào tiết kiệm, dùng lại SGK cũ từ nhà trường, giáo viên phải khuyến khích học sinh giữ gìn sách khi học, khuyến khích học sinh dùng lại sách cũ.

Chúng ta chỉ có thể thay đổi giáo án hàng năm của giáo viên, thay đổi vở bài tập của học sinh, chứ còn bắt buộc mua SGK hàng năm là không đúng.

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cũng cho rằng, việc dùng lại sách không chỉ có Việt Nam mới làm như vậy mà các nước họ cũng đang làm như thế. SGK chỉ nên in kiến thức cơ bản nhất để học sinh dùng trong nhiều năm, còn mỗi cuốn SGK có thể vài trăm trang, nhưng bài tập chỉ có thể bằng 1/10, như vậy đã tiết kiệm rất nhiều.

Sơn Ca (Tổng hợp)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/giao-duc/nghin-ty-mua-sgk-dung-1-lan-co-loi-ich-nhom-khong-3365770/