Nghìn năm mũ áo

Nhân loại có những dụng cụ đội trên đầu còn trước cả khi có phục trang. Tùy theo hoàn cảnh, công việc mà con người chọn cho mình thứ đội trên đầu thích hợp nhất.

Nón lá là một biểu tượng đặc trưng của văn hóa Việt

Nón lá là một biểu tượng đặc trưng của văn hóa Việt

Khoảng vài trăm năm trước Công nguyên, người Việt đã có những loại mũ đội đầu tùy theo nghi thức hay những công việc cụ thể. Xem những hình chạm khắc trên trống đồng Đông Sơn có thể thấy rõ - đó là những chiếc mũ lông chim chế tạo hết sức cầu kỳ với kích thước có khi còn lớn hơn cả người mang nó trong các lễ hội. Có thể phân biệt được cả đẳng cấp của người mang nó bằng chiếc mũ này. Tất nhiên lúc ấy rất có thể người Việt chưa có trang phục. Hình ảnh một đàn ông vạm vỡ ở trần đóng khố đội mũ lông chim được coi như lãnh tụ của bộ tộc đã được các nhà tạo hình đương đại mặc nhiên coi đó là các Vua Hùng chẳng biết căn cứ vào đâu? Tuy nhiên người Việt tạm chấp nhận nó cũng gần một thế kỷ nay rồi.

Như thế có thể thấy rằng cái đội trên đầu từ xa xưa đã mang tầm quan trọng hơn cả y phục. Đến thời cận đại cách chúng ta chưa đầy một thế kỷ trước, thứ đội trên đầu của cả đàn ông lẫn đàn bà vẫn mang tầm quan trọng phân biệt đẳng cấp như thế. Đàn ông tầng lớp trên sẽ có chiếc khăn xếp đội đầu. Ngoài việc giữ cho búi tóc gọn gàng trong sinh hoạt, nó còn thể hiện đấy là hạng người cao quý trong xã hội. Nôm na ra là làm việc trí óc mà không phải là chân tay. Đàn ông cấy cày đồng áng mùa màng đội khăn vấn đầu rìu. Cái đuôi khăn lòa xòa xuống một bên vai có nhiệm vụ lau mồ hôi lúc làm việc.

Cái nón lá của người Việt ở miền Bắc cũng phân chia thứ hạng và công việc rất cụ thể. Con gái Hà Nội đội nón lá non mỏng manh trắng nõn. Nón này được khâu ở vùng Chuông, Tre, Thanh Oai - Hà Đông. Cầu kỳ hơn nữa thì thửa mãi trong Quảng Bình, Huế những chiếc nón bài thơ. Những chiếc nón này giơ lên ánh sáng mặt trời có thể đọc được bài thơ ẩn mình giữa những lớp lá nón. Thơ ca ẩn mình trong nón dù không được giải bao giờ nhưng có lẽ là thứ thơ hữu ích và phổ cập nhất nước. Đại khái ông thợ nón sẽ đề câu thơ ẩn mình trong nón rằng “Ai qua xứ Huế mộng mơ/ Mua về chiếc nón bài thơ làm quà”. Đó chính là cách “PR” (quảng cáo) nón rất dịu dàng văn hóa.

Gia đình họa sĩ Tô Ngọc Vân chụp tại Việt Bắc khoảng năm 1950 thế kỷ trước. Tất cả nam giới đều đội mũ và mũ nồi đã trở thành một phần hình ảnh của họa sĩ Việt Nam

Đàn bà và cả đàn ông nông thôn đi làm hay đi chợ đội thứ nón lá già bền chắc. Nón này mưa nắng cả năm cũng chẳng việc gì. Lúc sứt vành bạc lá vẫn có thể bàn giao cho đám ăn mày đội thêm năm nữa. Chiếc nón của ăn mày không chỉ để che nắng mưa mà nó còn như một đạo cụ nói lên sự nghèo khổ cùng cực đáng thương.

Chiếc mũ tưởng như rất quen thuộc với người Việt nhưng thực ra nó chỉ mới ra đời vào thời Pháp thuộc ở cả hai miền Nam Bắc. Ban đầu chỉ có đàn ông đội các loại mũ nhập khẩu nguyên chiếc từ Pháp về. Mũ nồi (beret), mũ cát-két (casquette), mũ phớt..., và vài loại mũ cho đội quân viễn chinh Pháp dùng ở xứ thuộc địa. Những năm 1960 thế kỷ trước đàn bà Hà Nội đội mũ bị coi là loại nghịch ngợm rất gần với… hư hỏng.

Thế nhưng chiếc mũ với những tính năng sử dụng tuyệt vời của nó nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường cái đội đầu. Ngay từ thời chiến tranh chống Mỹ, cả đàn ông đàn bà đều thích chiếc mũ cối bộ đội muôn phần tiện lợi. Chiếc nón lá và những thứ mũ đàn ông khác dần biến mất cho đến tận ngày thống nhất đất nước.

Nhà văn Đỗ Phấn

Cái đội đầu phát triển nhất là từ sau ngày thống nhất. Người miền Bắc nhanh chóng du nhập rất nhiều loại mũ từ miền Nam ra và cả từ nước ngoài về. Người Nam gọi tất cả các loại mũ là nón kể cả chiếc nón lá phổ thông của người Việt. Người Hà Nội cũng quen dần với cách gọi ấy. Họ hiểu nhưng chẳng gọi thế bao giờ. Tùy thôi. Cái đội đầu lúc này đã bắt đầu có những trào lưu rất sôi nổi cả đàn ông và đàn bà. Đàn bà có những trào lưu đội mũ theo phim ảnh. Đại khái mũ nan rộng vành theo phim “Tiếng chim hót trong bụi mận gai”. Hay mũ nồi đỏ theo phim “Cánh buồm đỏ thắm”.

Đàn ông cũng không kém cạnh với chiếc mũ lưỡi trai dài như Trung úy Phương trong phim “Nổi gió”. Hay chiếc mũ phớt cao bồi trong các phim miền Tây. Có một điều khá lạ xảy ra gần đây, chiếc mũ không còn là dụng cụ che nắng mưa rét mướt trên đầu nữa, nó hoàn toàn chỉ có nghĩa là vật dụng trang trí với vài người.

Đại khái nhạc sĩ Nguyễn Cường lên sân khấu kể cả ban đêm vẫn không thể thiếu chiếc mũ phớt cao bồi. Vài diva hiện đại cũng đội chiếc mũ nồi dạ lên sân khấu giữa Sài Gòn nóng 38 độ C.

Những trào lưu thay đổi của mũ bị chững lại hồi có Nghị định bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô xe máy năm 2007. Dân chơi mũ ra đường thường phải có chiếc mũ yêu thích của mình cất trong cốp xe. Xuống xe máy lập tức lấy ra úp lên đầu trước cả khi tắt máy. Lâu dần thấy vô cùng bất tiện. Cho nên thấy nhiều chiếc xe máy trong cốp đến tận bây giờ vẫn còn vài chiếc mũ thời trang mốc meo ở đấy. Cũng chẳng sao cả. Bởi vì trong suốt hành trình với chiếc mũ bảo hiểm trên đầu chẳng có ai nhận ra mình thì cũng rất nên lộ mặt ra cho nó nghỉ ngơi thư giãn chút ít.

Nhà văn Đỗ Phấn

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/nghin-nam-mu-ao-post463630.antd