Nghìn lẻ

Thời gian qua cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, các thủ đoạn của bọn tội phạm mua bán người ngày càng tinh vi. Vì những lợi nhuận bất chính chúng không từ bất kỳ thủ đoạn nào, rắp tâm lừa đảo, khống chế, bắt cóc phụ nữ, trẻ em bán qua biên giới, vì tiền chúng sẵn sàng lừa bán cả người thân.

Nạn nhân mua bán người được lực lượng chức năng giải cứu. ẢnhTL

Đa số nạn nhân của nạn mua bán người là người dân tộc thiểu số trình độ học vấn thấp, nhận thức hạn chế, cuộc sống khó khăn dễ tin vào lời đường mật và món “bánh vẽ” của đối tượng mua bán người.

Vờ yêu đương rồi mang người tình đi bán

Qua mạng xã hội, giả vờ tán tỉnh yêu đương, rủ đi chơi, đi mua sắm… để lừa gạt các cô gái trẻ nhẹ dạ cả tin bán qua biên giới là những “chiêu trò” cũ mà đối tượng mua bán người trên tuyến biên giới sử dụng nhưng nạn nhân lại luôn mới.

Trường hợp lừa các cô gái trẻ, nhẹ dạ, cả tin qua mạng xã hội, đặc biệt là facebook để bán qua biên giới không phải là ít. Các đối tượng buôn người thường dùng các chiêu trò, lợi dụng triệt để công nghệ thông tin, các trang mạng xã hội để làm quen, tán tỉnh, tiếp cận, dụ dỗ, lừa gạt, sau đó đe dọa, khống chế nạn nhân.

Với thủ đoạn làm quen qua mạng facebook rồi tán tỉnh yêu đương, cô gái dân tộc Mông Vàng Thị C đã nhẹ dạ cả tin vào lời mật ngọt và bị lừa bán qua biên giới. Theo đó, đầu tháng 8/2018, C kết bạn trên facebook với một đối tượng tên là Sú (không rõ địa chỉ, quê quán).

Sau khi kết bạn với Sú, Vàng Thị C thường xuyên nhận được những cuộc điện thoại từ Sú với những lời lẽ ngọt ngào, tán tỉnh yêu đương và hứa hẹn về ra mắt gia đình C. Ngày 17/9/2018, Sú hướng dẫn C ra bến xe tỉnh Sơn La, đón taxi sang Lào Cai. Tại đây, Sú cho người đi xe máy đến đón và đưa C vào khu vực biên giới tỉnh Lào Cai rồi vượt biên sang Trung Quốc. Sang đến Trung Quốc C bị giam giữ tại một ngôi nhà hoang. Đến ngày 20/9/2018, lợi dụng sơ hở của bọn chúng, Vàng Thị C trốn ra ngoài tìm đường về Việt Nam và đến đồn Biên phòng Bát Xát trình báo.

Đối tượng Hạo Thiên tại cơ quan điều tra. Ảnh TL

Hứa hẹn đổi đời

Môi giới lao động cũng là một trong số các thủ đoạn thường dùng của tội phạm buôn bán người, buôn bán phụ nữ vì nhu cầu lao động, kiếm việc làm của người Việt ở vùng sâu, vùng xa là rất cao. Các đối tượng buôn bán người nắm được tâm lý này, hứa hẹn sẽ giới thiệu người lao động sang Trung Quốc làm việc nhẹ lương cao, người dân vì cuộc sống khó khăn, cần tiền nên dễ bị mắc lừa, bị đưa qua biên giới bán cho các đối tượng ở Trung Quốc lấy làm vợ hoặc ép làm gái bán dâm...

Mới đây, Công an TP Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) nhận được tin trình báo của H.P.Y (SN 2001, trú tại thị trấn Hát Lót, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) về việc bị một nam thanh niên tên là Hạo Thiên lừa bán sang Trung Quốc làm gái bán dâm.

Y. cho biết, quen biết Hạo Thiên thông qua mạng xã hội Facebook. Sau một thời gian nói chuyện, biết được hoàn cảnh gia đình H.P.Y rất khó khăn và muốn đi tìm được công việc để cải thiện thu nhập, Hạo Thiên đề nghị Y đến làm nhân viên ở 1 quán bar tại TP Móng Cái với mức thu nhập "khủng" từ 35-40 triệu đồng/tháng.

Bị hấp dẫn bởi mức thu nhập cao, Y đã nhận lời ngay và bắt xe từ nhà đến TP Móng Cái để gặp Hạo Thiên.Tại đây, Hạo Thiên đã giao Y cho hai người đàn ông quốc tịch Trung Quốc làm nghề bảo kê, trông coi gái mại dâm ở Trung Quốc. Y bị đưa đến Quảng Châu, Trung Quốc. Y bị tra tấn, đánh đập, đe dọa về tinh thần và bị ép phải “tiếp khách” tại các cơ sở mại dâm.

Thủ đoạn lừa đảo việc nhẹ lương cao tuy không mới, nhưng lại đánh vào nhu cầu tìm việc làm, sự nhẹ dạ, cả tin và tâm lý muốn đổi đời bằng cách đi xuất khẩu lao động, cùng với sự thiếu hiểu biết của một bộ phận người dân mà danh sách người bị hại cứ nối dài theo thời gian.

Thậm chí, sau khi được giải cứu hoặc trốn thoát về nước, có những nạn nhân đã vì hám lợi mà trở thành đối tượng buôn người, họ tìm cách móc nối với đường dây mua bán người ở Trung Quốc hoạt động dưới hình thức “xuất khẩu lao động” nhưng thực chất bán làm vợ hoặc đưa vào các động mại dâm ở Trung Quốc.

Ví dụ như trường hợp của Lò Thị Tươi, ở bản Pá Vạt 2, xã Mường Luân, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên. Tươi bị chính chồng mình lừa bán sang Trung Quốc từ khi còn trẻ, sau đó cô may mắn thoát được về Việt Nam. Không công ăn việc làm, trong lúc túng quẫn, chính Tươi lại trở thành thủ phạm lừa bán những cô gái khác để lấy tiền. Và cái giá phải trả cho tội lỗi của người phụ nữ từng là nạn nhân này là bản án 11 năm tù.

Mỗi người dân cần nâng cao cảnh giác và ý thức chấp hành pháp luật về phòng chống mua bán người. Ảnh TL

Nâng cao cảnh giác

Qua các vụ trên cho thấy, hoạt động của tội phạm mua bán người trên tuyến biên giới diễn biến rất phức tạp. Các đối tượng liên tục thay đổi phương thức, thủ đoạn khiến cho việc phát hiện, ngăn chặn và bắt giữ gặp nhiều khó khăn. Các đối tượng chủ mưu, cầm đầu không lộ diện mà chỉ liên lạc với nạn nhân qua điện thoại.

Để ngăn chặn hoạt động mua bán người trên tuyến biên giới, các cơ quan chức năng đã tăng cường biện pháp hiệp đồng, phối hợp, trao đổi thông tin, thực hiện đồng bộ các giải pháp; đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xây dựng các kế hoạch, triển khai có hiệu quả các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm mua bán người. Các lực lượng cũng thường xuyên rà soát, nắm chắc tình hình tội phạm cũng như xác định địa bàn trọng điểm để lập kế hoạch phòng ngừa, đấu tranh.

Các địa phương cũng cần tập trung giảm nghèo bền vững, phổ cập giáo dục, có chính sách khuyến khích, tạo công ăn việc làm thu hút lao động tại địa phương, hỗ trợ vốn đào tạo nghề, tạo việc làm ổn định cho người dân nhất là đồng bào dân tộc thiểu số; chấn chỉnh lại việc đưa lao động đi nước ngoài…

Nạn mua bán người không chỉ ảnh hưởng xấu đến đạo đức, lối sống, thuần phong mỹ tục mà còn vi phạm nghiêm trọng quyền con người, gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự, thiệt hại về kinh tế cho gia đình và toàn xã hội. Cùng với sự vào cuộc của cơ quan chức năng thì mỗi người dân nên tự nâng cao hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật về phòng chống mua bán người.

KD

Nguồn Người Làm Báo: http://nguoilambao.vn/nghin-le-chieu-tro-cua-toi-pham-mua-ban-nguoi-n11403.html