'Nghiêng' về Iran, phản ứng của Nga nếu Mỹ ra khỏi thỏa thuận hạt nhân

Khi cả Nga và Iran đều chịu sự trừng phạt của Mỹ thì cả hai có thể đến gần với nhau nếu Tổng thống Trump quyết định ra khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 trong tuần này.

Nga lên tiếng trước khi quyết định chính thức của Mỹ

Pháp, Anh và Đức tiếp tục hối thúc Tổng thống Trump ở lại với thỏa thuận hạt nhân Iran trước hạn chót vào ngày 12/5 tới.

“Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu sẽ có chuyến thăm Moscow vào ngày 9/5. Ông Netanyahu và ông Putin sẽ thảo luận về quá trình phát triển khu vực”, các quan chức Israel cho biết.

Trước đó, tình báo châu Âu đã từng tới Israel trong tuần này kiểm tra các thông tin xung quanh việc phát triển hạt nhân Iran. Theo kết quả tình báo, Iran đang “giả vờ” ký thỏa thuận và không tuân thủ thỏa thuận hạt nhân.

Chuyến thăm của Thủ tướng Netanyahu đến Moscow sẽ tập trung vào khả năng Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân và hậu quả của nó. Trước thềm cuộc gặp, ông Netanyahu sẽ tham gia lễ diễu hành chào mừng Ngày Chiến thắng của Nga.

Tính riêng năm ngoái, Thủ tướng Israel đã có tới 6 lần gặp gỡ Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Văn phòng thủ tướng Israel cho biết, Thủ tướng Israel cũng đã có cuộc nói chuyện với các nhà lãnh đạo Australia, Ấn Độ và Anh nhằm cập nhật các tài liệu quan trọng xung quanh thỏa thuận hạt nhân Iran.
“Tổng thống Trump hiện chưa thông báo bất kỳ quyết định cuối cùng nào xung quanh thỏa thuận hạt nhân Iran với Thủ tướng Israel”, Bộ trưởng Quốc phòng Avigdor Liberman nói trên kênh Channel Two vào tối ngày 5/5.
Ông Avigdor Liberman đã nói về tầm quan trọng của việc ngăn chặn ảnh hưởng quân sự của Iran tại Syria.

“Iran đang có kế hoạch đặt hệ thống chống máy bay tại Syria nhằm ngăn chặn các cuộc không kích. Không một quốc gia nào có thể chịu đựng mối đe dọa như vậy”, ông Liberman cho biết.

Ông Liberman nhấn mạnh: “Hãy vẽ ra kịch bản đối lập. Israel xây dựng hệ thống chống máy bay gần biên giới Iran. Tehran có thể phản ứng như thế nào? Chúng tôi sẽ không cho phép Iran biến Syria thành khu vực chống lại Israel”.
Ông Liberman bày tỏ không hề thích thú với chiến tranh và sẽ làm mọi thứ để có thể ngăn chặn nó.

Ông Liberman cũng đánh giá cao mối quan hệ giữa Jerusalem và Moscow bất chấp việc Nga vẫn ở Syria và có quan hệ hợp tác với Iran.

“Chúng tôi liên tục có thúc đẩy hợp tác với Nga trong nhiều năm qua và có quan hệ mở giữa hai nước”, ông Liberman cho biết.

Giữa nghi ngờ về quyết định từ phía Mỹ

Tổng thống Trump đang có ý định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân, bao gồm Kế hoạch hành động toàn diện chung, trong đó khẳng định việc tiếp tục áp đặt các trừng phạt hạt nhân vào Iran. Theo các quan chức cấp cao Iran, điều này sẽ khiến thỏa thuận sụp đổ hoàn toàn và gia tăng mối đe dọa về khả năng Iran có thể thúc đẩy hoạt động làm giàu uranium nhằm phát triển vũ khí hạt nhân.

Chính quyền Tổng thống Trump muốn thúc đẩy mạng lưới mở rộng điều tra quốc tế tại các khu vực quân sự của Iran trong bối cảnh nhiều nghi ngờ về việc nước này tiếp tục thực hiện nghiên cứu và thử nghiệm vũ khí hạt nhân. Việc tăng cường phát triển tên lửa đạn đạo của Iran đồng nghĩa với việc Tehran lựa chọn các đầu đạn hạt nhân; mở rộng quá trình làm giàu urani. Phương Tây luôn muốn ngăn chặn sự ảnh hưởng của Iran tại Trung Đông.

Ông Vladimir Yermakov, Vụ trưởng Vụ kiểm soát - không phổ biến vũ khí thuộc Bộ Ngoại giao Nga đã bác bỏ các lo lắng của Nga về việc Mỹ ra khỏi thỏa thuận hạt nhân.
“”Điều này có thể dễ dàng hơn cho Nga trong lĩnh vực kinh tế bởi vì chúng tôi không có hạn chế trong việc hợp tác kinh tế với Iran. Chúng tôi sẽ phát triển quan hệ song phương trong mọi lĩnh vực, bao gồm năng lượng, giao thông, công nghệ thông tin, y học. Nếu Mỹ phá bỏ thỏa thuận quốc tế của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc thì bản thân Washington sẽ chịu hậu quả nặng nề”, ông Yermakov cho biết.
Trước khi JCPOA ra đời vào mùa hè năm 2015, Tehran đã liên tục chịu các trừng phạt của Mỹ.

Ông Ali Shamkhani, Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Tối cao Iran cho biết, Iran có khả năng đối phó và chống lại các nỗ lực của Mỹ để viết lại thỏa thuận hạt nhân.
“Các quan chức của Nga và Iran liên tục thảo luận về cách thức đối phó với các trừng phạt của Mỹ”, ông Yermakov nói thêm.

Tuyên bố của Tổng thống Trump

Theo CNN, Tổng thống Trump đã viết trên Twitter về việc sẽ thông báo quyết định của Mỹ đối với thỏa thuận hạt nhân vào ngày mai (8/5).

“Tôi sẽ thông báo quyết định về thỏa thuận Iran vào ngày mai từ Nhà Trắng”, ông Trump viết tweet.

Một nhà ngoại giao châu Âu cho biết, điều này gần như rõ ràng rằng, chính quyền Trump sẽ ra khỏi thỏa thuận hạt nhân.

“Rõ ràng rằng, trừ khi một vài thay đổi trong những ngày tới, tôi tin tưởng rằng, Tổng thống Trump sẽ không từ bỏ các trừng phạt. Và điều đó sẽ mang đến hậu quả trong thời gian tới.

Một số nhà phân tích thậm chí còn đưa ra cảnh báo đối với các quốc gia khác, trong đó có Triều Tiên về khả năng xem Mỹ là đối tác có thể tin cậy trong đàm phán.

Các nhà phân tích khác chỉ ra rằng, tiềm năng cho cuộc chạy đua vũ khí Trung Đông sẽ xảy ra nếu Iran rời khỏi thỏa thuận hạt nhân và khởi động lại chương trình hạt nhân. Điều này sẽ càng khó khăn hơn trong việc đối phó với sự ảnh hưởng của Iran trong khu vực. Quyết định ra khỏi thỏa thuận hạt nhân sẽ dấy lên các nghi ngờ về hậu quả của tương lai.

Tuy nhiên, những người ủng hộ Tổng thống Trump lại cho rằng, việc rời bỏ thỏa thuận hạt nhân là cần thiết để đối đầu với hành vi gây rối của Iran trong khu vực, bao gồm sự hỗ trợ cho các phiến quân Houthi ở Yemen, Syria và Hezbollah.

“Nếu Tổng thống quyết định rời khỏi thỏa thuận thì mọi thứ sẽ trở nên tồi tệ hơn. Thay thế vào đó, điều này sẽ gây ra các mối đe dọa từ Mỹ, Israel và các quốc gia vùng Vịnh”, nhà nghiên cứu cấp cao Jim Phillips thuộc Quỹ Heritage (Mỹ).

Hồng Nhung

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/the-gioi/nghieng-ve-iran-phan-ung-cua-nga-neu-my-ra-khoi-thoa-thuan-hat-nhan-335380.html