Nghiên cứu về thế hệ người trong gia đình ở nước ta

Thế hệ là tập hợp những người thường có cùng một độ tuổi, sống cùng một khoảng thời gian nhất định. Đó là những người cùng chứng kiến, trải nghiệm và ảnh hưởng những sự kiện của dân tộc, thời đại nên ít nhiều có những điểm chung về quan điểm, lối sống, tính cách... Nghiên cứu về thế hệ người từ lâu đã được tìm hiểu ở các nước phương Tây. Ở Việt Nam, nghiên cứu về thế hệ người nói chung, thế hệ người trong gia đình nói riêng cũng đã bước đầu được đề cập đến trong một số công trình nghiên cứu.

Gia người Việt thời Pháp thuộc. Ảnh tư liệu

Gia người Việt thời Pháp thuộc. Ảnh tư liệu

Nhìn lại những nghiên cứu về thế hệ người nói chung, có thể thấy, thường được tìm hiểu với hai nội dung cơ bản: một là chỉ ra các đặc điểm của thế hệ người Việt Nam, hai là nghiên cứu về một thế hệ người trong xã hội (thường là thế hệ trẻ hoặc thế hệ già). Hướng nghiên cứu thứ nhất, nổi bật lên là một số công trình của tác giả Lê Thi. Hướng nghiên cứu thứ hai thiên về việc tập trung phân tích một vấn đề của thế hệ như: vấn đề chăm sóc, bảo vệ trẻ em; thực trạng trẻ em phạm tội được thể hiện trong các nghiên cứu của Đặng Cảnh Khanh, nhóm tác giả Đặng Phương Kiệt, nhóm tác giả Nguyễn Hữu Minh; vấn đề thực trạng, định hướng, xây dựng lối sống, lý tưởng sống cho thế hệ thanh niên được đề cập trong các nghiên cứu của Dương Văn An, Mai Thị Dung, Thái Thị Thanh Thủy…; vấn đề chăm sóc người cao tuổi, những mong muốn của thế hệ người cao tuổi tập trung trong các nghiên cứu của tác giả Lê Thi, Lê Ngọc Văn…

Nghiên cứu về các thế hệ người cụ thể trong gia đình, các nghiên cứu không tập trung làm rõ đặc điểm của từng thế hệ mà tập trung vào mối quan hệ giữa các thế hệ trong gia đình. Điều này được thể hiện qua những phân tích về mối quan hệ giữa ông bà, cha mẹ với con cháu và mối quan hệ giữa con cháu với ông bà, cha mẹ; so sánh mối quan hệ đó giữa xưa và nay; từ đó luận bàn về sự thay đổi trong mối quan hệ giữa các thế hệ trong gia đình hiện nay.

Về mối quan hệ giữa ông bà, cha mẹ với con cháu, mối quan hệ giữa con cháu với ông bà cha mẹ trong gia đình truyền thống, các nghiên cứu đều khẳng định vai trò tuyệt đối của ông bà, cha mẹ và bổn phận của con cái là phải phải phục tùng.

Theo tác giả Lê Ngọc Văn, trong gia đình truyền thống, sự chăm sóc, hỗ trợ của con cháu đối với ông bà (người cao tuổi) là một đạo hiếu của người Việt, thể hiện tình cảm yêu thương giữa những người có chung huyết thống, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, và là quy luật tự nhiên của mối quan hệ giữa các thế hệ trong gia đình. Lê Ngọc Văn đã khái quát được một trong những lý do cơ bản nhất chi phối đến các đặc điểm trên là “tư tưởng về đạo hiếu, cốt lõi của luân lý và đạo đức gia đình theo Nho giáo” (1).

Insun Yu chỉ ra rằng phong tục Việt Nam cho phép cha mẹ đánh con khi chúng không vâng lời dẫu có gây thương tích (chỉ khi đánh đập con đến chết, người cha người mẹ mới bị xử tội đồ làm khao đinh). Thậm chí cha mẹ còn có thể bán con cái trong các trường hợp cần thiết (khi cha mẹ lâm vào cảnh đói nghèo, phải bán một hay nhiều đứa con để giảm bớt cái ăn, có tiền đong gạo). Pháp luật nhà Lê từ những năm đầu cũng công nhận việc cha mẹ có thể bán con (2).

Trong các nghiên cứu định tính, Lê Thi, Vũ Thị Phương Hậu khẳng định: “Nguyên tắc sử xự trong gia đình là sai khiến và phục tùng, lợi ích cá nhân phải phục tùng lợi ích chung của gia đình, dòng họ, không có bình đẳng, dân chủ, trên nói dưới phải tuân theo”; “tiếng nói của người già là tiếng nói quyết định”; “quyền người gia trưởng trong gia đình truyền thống là rất lớn”; “vai trò người phụ nữ chưa được xem trọng” (3); “nguyên tắc chỉ đạo các quan hệ gia đình không phải là sự bình đẳng, dân chủ mà là uy quyền, thông qua tình nghĩa để tạo ra sự êm ấm, thông qua lễ để tạo ra dáng vẻ hợp lý trong cách sống” (4).

Trên cơ sở phân tích mối quan hệ giữa các thế hệ trong gia đình truyền thống, các nghiên cứu đã so sánh, phân tích, luận bàn mối quan hệ và sự thay đổi mối quan hệ đó trong gia đình hiện nay.

Gia đình hiện nay vẫn đề cao sự chung thủy, tình nghĩa vợ chồng, lòng hiếu thảo, sự biết ơn của con cháu với ông bà tổ tiên nhưng cũng đề cao quyền tự do dân chủ của mỗi cá nhân. Tiếng nói quyết định trong gia đình hiện nay không hẳn chỉ là người đàn ông (người chồng, người cha), người lớn tuổi trong gia đình mà còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố: tính chất công việc trong gia đình, người nắm giữa về mặt kinh tế (5)... Vũ Thị Phương Hậu cho rằng “nguyên tắc ứng xử mới của gia đình hiện nay là sự dung hòa lợi ích của từng thành viên với lợi ích chung của cả gia đình”(6). Các nghiên cứu của nhóm tác giả Nguyễn Duy Bắc, Lê Thi khẳng định việc truyền thụ các giá trị văn hóa giữa các thế hệ không diễn ra một chiều như trước mà có sự tương tác hai chiều từ thế hệ già đến thế hệ trẻ và ngược lại. Trong các gia đình ba thế hệ, có thể có những khó khăn nhưng lại tạo điều kiện cho các thế hệ biết dựa vào nhau, giúp đỡ nhau cùng hưởng hạnh phúc: ông bà giúp đỡ con trong việc chăm sóc, dạy dỗ các cháu, cung cấp cho con cháu kinh nghiệm làm ăn, giao tiếp, ứng xử, ngược lại ở với con cháu họ cũng thu được nhiều thông tin, kiến thức mới.

Được nhắc đến nhiều nhất khi tìm hiểu về mối quan hệ giữa các thế hệ trong gia đình hiện nay là vấn đề mâu thuẫn thế hệ.

Mặc dù “đại đa số các gia đình ở Việt Nam vẫn giữ được sự ổn định, nề nếp gia đình vẫn đảm bảo” (7) nhưng trong các gia đình vẫn tồn tại những mâu thuẫn. Theo tác giả Ngô Công Hoàn, khác biệt lớn nhất giữa các thế hệ là quan niệm sống (8). Nghiên cứu của Viện Gia đình và giới TP.HCM cũng chỉ ra “trong những vấn đề chủ yếu xảy ra mâu thuẫn giữa cha mẹ và con cái, mâu thuẫn về quan điểm, lối sống chiếm tỷ lệ cao nhất”, “tạo nên những áp lực tinh thần rất lớn cho các thế hệ cùng sống chung dưới một mái nhà” (9). Ngoài ra, các nghiên cứu trường hợp của Nguyễn Hồng Hà, Phan Thị Mai Hương... dưới góc nhìn xã hội học, tâm lý học… còn chỉ ra rất nhiều những mâu thuẫn khác giữa các thế hệ trong cuộc sống gia đình như: chi tiêu, mua sắm, ứng xử, kiếm tiền, dạy dỗ trẻ, nội trợ và phân chia tài sản, quan hệ họ hàng...

Dưới góc nhìn văn hóa, tác giả Đặng Thành Hưng không đi vào phân tích các biểu hiện của mâu thuẫn thế hệ trong gia đình mà đề cập đến những phương thức mới trong mâu thuẫn gia đình hiện nay. Tác giả cho rằng, mâu thuẫn trong gia đình thường có hai hình thức biểu hiện: khác biệt hoặc bất đồng (không đối kháng) và xung đột (đối kháng). Trong xã hội truyền thống, mâu thuẫn gia đình thường phát sinh và được điều hòa chủ yếu thông qua quan niệm đạo đức, đời sống tâm lý, tình cảm giữa ông bà, cha mẹ, con cái, cháu chắt. Kết quả của mâu thuẫn thế hệ trong gia đình truyền thống có thể “chỉ ảnh hưởng ngấm ngầm”, “làm cho mâu thuẫn thế hệ âm ỉ”. Mâu thuẫn thế hệ trong gia đình hiện nay thường bộc lộ công khai hơn, dễ nhận thấy hơn, “dường như có chiều hướng tiêu cực trầm trọng hơn”. Mâu thuẫn và khác biệt trẻ - già không chỉ có tính chất tiêu cực mà “có tính chất rất tích cực như là những mâu thuẫn biện chứng, động lực của sự phát triển và sự tiếp nối thế hệ, sinh khí của các gia đình” (10).

Nhìn nhận về thế hệ trẻ và thế hệ già trong gia đình hiện nay đã xuất hiện những xu hướng, quan điểm khác nhau.

Có quan điểm đề xuất lấy văn hóa truyền thống, lấy đặc điểm thế hệ cũ làm chuẩn mực để nhìn nhận, đánh giá thế hệ mới, đặc biệt là trước những dấu hiệu khủng hoảng gia đình trong xã hội hiện đại. Trong các cuộc hội thảo, không ít nhà quản lý đã lên tiếng đề xuất duy trì loại hình gia đình truyền thống, giảm bớt xu hướng gia đình hạt nhân, đưa phụ nữ trở lại nhiều hơn với gia đình (11)... Đặc biệt, khi lấy truyền thống nhìn vào hiện tại, Phạm Côn Sơn đã so sánh và cho rằng thế hệ trẻ ngày nay không bằng thế hệ trẻ ngày xưa. Thế hệ xưa được đánh giá là những người có phẩm cách gia giáo: đến nhà ai, biết ý tứ nhìn vào cái bàn thờ để tìm chỗ ngồi phù hợp; trẻ con mới ba, bốn tuổi đã biết “đi phải thưa, về phải trình”, biết cung kính nội ngoại, ra đường biết chào hỏi người lớn, biết thưa, biết vâng, biết dạ… Đời sống của lớp trẻ ngày nay “phóng túng khác hẳn nếp ăn ở có khuôn phép của những người thuộc các thế hệ bốn năm mươi năm trở về trước”. “Nhiều bạn trẻ ngày nay hoàn toàn không hiểu mình sẽ phải làm gì trước những sự kiện hôn nhân, tang chế và tế lễ”, “không biết nể nang và thiếu tự trọng”, “tục tằn, đánh chửi nhau”, “trâng tráo”, thậm chí đến đôi ba mươi tuổi mà vẫn không biết lễ nghĩa là gì, mà không biết lễ nghĩa tức là “vô học, ngu dốt, thiếu giáo dục” (12). Ngay cả trong nghiên cứu của tác giả Lê Thi, cũng vẫn còn một đôi chỗ chưa thật chính xác khi khái quát về đặc điểm chung của thế hệ trẻ, thế hệ già. Khái quát thế hệ trẻ “chưa nhìn xa, lo xa, mới thấy cái trước mắt, chưa thấy cái lâu dài”, “còn ham chơi”, “chưa thận trọng”, “dễ tự kiêu”(13); thế hệ già “ngạc nhiên trước những tiến bộ của khoa học công nghệ hiện đại, phải thú nhận sự dốt nát của mình trước nhiều việc mà lớp trẻ hiểu và làm được” (14) là chưa thật sự đúng trong nhiều trường hợp. Thực tế, có rất nhiều người thuộc thế hệ trẻ đã biết nhìn xa trông rộng và trưởng thành, thành đạt từ rất sớm; và cũng nhiều người già, đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay rất nhanh nhạy, nắm bắt kịp thời những tiến bộ của khoa học kỹ thuật, thành thạo công nghệ hiện đại không thua kém gì thế hệ trẻ. Mỗi thế hệ đều có những đặc điểm riêng, tạo nên sự khác biệt và những đặc điểm riêng ấy cần được nhìn nhận một cách khách quan, không nên có cách nhìn hơn kém ở đây.

Xu hướng thứ hai nhìn nhận một cách khách quan đặc điểm các thế hệ, tìm cách lý giải những thay đổi trong quan hệ giữa các thế hệ trong gia đình hiện nay, đề xuất một số giải pháp xây dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa các thế hệ.

Lý giải nguyên nhân của những thay đổi giữa các thế hệ xưa và nay, một trong những nguyên nhân được nhắc đến nhiều nhất đó là sự tác động của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tìm hiểu “văn hóa trong quá trình đô thị hóa ở nước ta hiện nay” trên cái khung chung là sự biến đổi văn hóa Việt Nam, Trần Văn Bính nhận xét việc chuyển từ đời sống nông thôn sang đô thị làm cho quan hệ tình làng nghĩa xóm, quan hệ huyết tộc và các mối quan hệ khác trong gia đình bị suy giảm. Không gian sống và sinh hoạt của gia đình bị thu hẹp, các thành viên trong gia đình ngày càng bận rộn hơn khiến cho mối quan hệ họ hàng, cha mẹ, con cái giảm sút (15). Cách lý giải ấy cũng gặp ở Nguyễn Thanh Tuấn khi tác giả cho rằng chính việc mở rộng diện tích và nội thất đã làm thay đổi các thói quen sinh hoạt trong gia đình. Không gian và hình thức sinh hoạt riêng tư được mở rộng, làm giảm đi mối quan hệ giao tiếp giữa các thành viên trong gia đình vốn đã được di truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác (16). Các nghiên cứu của nhóm tác giả Nguyễn Duy Bắc, Đặng Cảnh Khanh, Lê Thị Quý, nhóm tác giả Nguyễn Hữu Minh… đề cập đến những áp lực của nền kinh tế thị trường khiến nhiều gia đình chỉ quan tâm duy nhất đến việc kiếm tiền, ít có thời gian dành cho nhau. Giá trị vật chất đang có xu hướng được đề cao hơn. Lợi ích kinh tế không còn tạo ra cơ sở vật chất để gắn kết cộng đồng gia đình mà còn là một trong những nguyên nhân gây chia rẽ gia đình.

Giải thích sự bình đẳng hơn trong mối quan hệ giữa các thế hệ người trong gia đình, tác giả Lê Ngọc Văn cho rằng có nguyên nhân sâu xa từ việc “các xã hội hiện đại đều phải thừa nhận hoặc buộc phải thừa nhận quyền con người” như Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử đối với người phụ nữ, Công ước quốc tế về quyền trẻ em và hàng loạt các công ước khác được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua (17).

Vấn đề khác biệt trong quan niệm về hôn nhân gia đình giữa các thế hệ, tác giả Lê Thi giải thích “giữa các thế hệ nối tiếp nhau có đặc điểm khác nhau vì họ đã trải qua những cảnh ngộ khác nhau, đã chứng kiến những sự kiện lịch sử xảy ra khác nhau nên tất yếu họ có cách suy nghĩ, nhận thức khác nhau và cách giải quyết cũng khác nhau” (18).

Trước thực trạng những thay đổi trong quan hệ giữa các thế hệ, nhiều tác giả đã đề xuất các giải pháp để dung hòa các thế hệ trong gia đình như “xây dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa cha mẹ và con cái từ góc độ tâm lý và tình cảm”; “vun đắp cho mối quan hệ đầm ấm, hài hòa giữa ba thế hệ, người già và người trẻ trong cuộc sống gia đình hiện nay” (19)…

Có thể nói, các thế hệ người trong gia đình cũng là một đối tượng của nghiên cứu khoa học, là một trong những nội dung quan trọng, cần thiết khi nghiên cứu về gia đình. Đặc điểm của các thế hệ người và mối quan hệ giữa các thế hệ gắn bó chặt chẽ và có mối quan hệ, tác động qua lại với đặc điểm kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội trong từng giai đoạn lịch sử. Dấu ấn thời gian, lịch sử và những chuyển biến về văn hóa, xã hội qua mỗi thời kỳ đã ảnh hưởng và in dấu trong đặc điểm của mỗi thế hệ. Ngược lại, từ đặc điểm mỗi thế hệ người cũng phản ánh phần nào về đặc điểm văn hóa, xã hội của từng giai đoạn lịch sử nhất định. Tuy nhiên, vấn đề này vẫn còn khá mới mẻ và chưa được nghiên cứu rộng rãi ở nước ta trong thời gian qua. Hy vọng trong thời gian tới, vấn đề này sẽ tiếp tục được tìm hiểu, nghiên cứu chuyên sâu, góp phần phân tích, lý giải nhiều hiện tượng thú vị của xã hội đương đại.

_____________

1, 5, 9, 17. Lê Ngọc Văn, Gia đình và biến đổi gia đình ở Việt Nam, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2012, tr.410, 257, 408, 12.

2. Insun Yu, Luật và xã hội Việt Nam TK XVII-XVIII, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội,1994.

3, 6. Nguyễn Duy Bắc, Sự biến đổi các giá trị văn hóa trong bối cảnh xây dựng nền kinh tế thị trường ở Việt Nam hiện nay, Nxb Từ điển Bách khoa, Hà Nội, 2008, tr.52, 64.

4, 19. Lê Thi, Cuộc sống và biến động của hôn nhân, gia đình Việt Nam hiện nay, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2006, tr.295.

7, 11. Đặng Cảnh Khanh, Lê Thị Quý, Gia đình học, Nxb Lý luận Chính trị, Hà Nội, 2007, tr.242.

8. Ngô Công Hoàn, Tâm lý học gia đình, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội, 1993.

10. Đặng Thành Hưng, Mâu thuẫn thế hệ trong gia đình hiện nay - những phương thức mới, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, số 11, 1994, tr.7.

12. Phạm Côn Sơn, Gia lễ xưa và nay, Nxb Thanh niên, TP.HCM, 2011, tr.13.

13, 14, 18. Lê Thi, Sự tương đồng và khác biệt trong quan niệm về hôn nhân gia đình giữa các thế hệ người Việt Nam hiện nay, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2009, tr.30, 37, 28.

15. Trần Văn Bính, Văn hóa trong quá trình đô thị hóa ở nước ta hiện nay, Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, Hà Nội.

16. Nguyễn Thanh Tuấn, Biến đổi văn hóa đô thị Việt Nam hiện nay, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2006.

Nguyễn Thị Mỹ Linh

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/nghien-cuu-ve-the-he-nguoi-trong-gia-dinh-o-nuoc-ta-73552