Nghiên cứu thử nghiệm chế tạo thiết bị tách ẩm từ không khí ứng phó với hạn hán

Để chủ động ứng phó với tình trạng hạn hán gay gắt do tác động của biến đổi khí hậu, một trong những Đề tài đang được nghiên cứu là: 'Nghiên cứu thử nghiệm chế tạo thiết bị tách ẩm từ không khí quy mô nhỏ phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân ứng phó với hạn hán do tác động của biến đổi khí hậu'.

Ảnh minh họa: TTXVN

Ảnh minh họa: TTXVN

Biến đổi khí hậu đang là thách thức nghiêm trọng nhất đối với quá trình phát triển bền vững đối với tất cả các nước trên thế giới. Nếu không ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu thì thành quả phát triển kinh tế xã hội sẽ chịu tổn hại, quá trình phát triển bền vững sẽ gặp nhiều khó khăn, thậm chí là không thể đạt được.

Trong khi đó, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Trong đó, tình hình hạn hán gay gắt, kéo dài sẽ gây ra thiếu nước sinh hoạt cho nhân dân; gia súc chết do thiếu thức ăn, nước uống; nhiều diện tích cây trồng bị thiệt hại, một số diện tích phải dừng sản xuất; người dân một số nơi bị thiếu đói…

Cần khẳng định, việc quan trọng hiện nay chính là tìm ra giải pháp căn cốt giúp người dân ứng phó và phát triển bền vững, lâu dài trước những biến đổi khôn lường của thời tiết hiện nay.

Để chủ động ứng phó với tình trạng hạn hán gay gắt do tác động của biến đổi khí hậu, các chuyên gia đã đưa ra nhiều giải pháp để đối phó với tình trạng hạn hán, thiếu hụt nước trên nhiều tỉnh, thành. Đáng chú ý, một trong những Đề tài được tiến hành nghiên cứu là: “Nghiên cứu thử nghiệm chế tạo thiết bị tách ẩm từ không khí quy mô nhỏ phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân ứng phó với hạn hán do tác động của biến đổi khí hậu”.

Đề tài do TS. Lê Văn Lữ, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Tài nguyên và Môi trường làm chủ nhiệm, bắt đầu nghiên cứu từ năm 2016.

Đến nay, Đề tài đã hoàn thành 16 báo cáo thuộc 06 nội dung.

Điều đáng mừng là Đề tài đã đánh giá được các điều kiện thời tiết, khí hậu trong thời kỳ gần đây và trong thời kỳ hạn hán đặc biệt nghiêm trọng, từ đó phân tích khả năng tách ẩm để sản xuất nước sinh hoạt phục vụ người dân trong điều kiện chịu tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu.

Hơn nữa, Đề tài cũng đã xây dựng cơ sở khoa học, tính toán bài toán tách ẩm từ không khí trong những điều kiện khác nhau, từ đó xác định điều kiện thuận lợi nhất về nhiệt động và về tiêu hao năng lượng để tiến hành khai thác, tách ẩm từ không khí thành nước; Xây dựng phương án chế độ làm việc của thiết bị, từ đó xác định các thông số kĩ thuật cơ bản, đảm bảo tách ẩm được không khí trong điều kiện độ ẩm thấp, nhiệt độ cao; xây dựng cấu hình thiết bị, thiết kế hệ thống với các đặc tính kỹ thuật cơ bản, đảm bảo tách ẩm và làm sạch nước, đạt tiêu chuẩn nước uống; thiết kế chi tiết, chế tạo, vận hành thử nghiệm các hệ thống thiết bị quy mô nhỏ.

Hiện nay, đề tài đang tiến hành chạy thử nghiệm hệ thống để thu thập số liệu nhằm hoàn thiện chế độ công nghệ, hoàn chỉnh thiết kế, nhằm đảm bảo hệ thống sẽ vận hành hiệu quả trong điều kiện thời tiết tại Ninh Thuận. Đề tài đã tiến hành thiết kế và chế tạo hệ thống thiết bị tách ẩm công suất 200L/ngày, sử dụng nguồn năng lượng là pin mặt trời cũng như điện lưới 3 pha, công suất 5KW. Từ đó, tối ưu hóa hệ thống, hướng đến chuyển giao công nghệ, phục vụ nhân dân trong điều kiện hạn hán do biến đổi khí hậu.

Được biết, Đề tài đã thiết kế, chế tạo thiết bị tách ẩm với công suất 10L/ngày sử dụng cả 2 nguồn điện (nguồn điện từ lưới điện quốc gia và nguồn điện từ pin năng lượng mặt trời) đã được nghiên cứu và hoàn thiện; Công tác lắp đặt hệ thống pin năng lượng mặt trời công suất 2KW đã được tiến hành và kết nối thành công với hệ thống thiết bị tách ẩm 10L/ngày; Công tác thiết kế, chế tạo thiết bị tách ẩm với công suất 200L/ngày cũng đã được triển khai thực hiện. Hệ thống đã được chế tạo thành công và vận hành thử nghiệm./.

TG

Nguồn Đảng Cộng Sản VN: http://cpv.org.vn/khoa-giao/nghien-cuu-thu-nghiem-che-tao-thiet-bi-tach-am-tu-khong-khi-ung-pho-voi-han-han-494090.html