Nghiên cứu thị trường thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất lúa tại tỉnh Đồng Tháp

TRẦN NGUYÊN ĐÔNG - NGUYỄN VĂN CƯỜNG - NGUYỄN THỊ KIM TUYẾN - LÊ TRUNG NGUYÊN - ĐẶNG ANH THƯ (Khoa Kinh tế, Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh)

TÓM TẮT:

Nghiên cứu khảo sát các nông hộ sản xuất lúa trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp nhằm phân tích hiện trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, từ đó cho thấy được các thương hiệu thuốc bảo vệ thực vật mà hộ dân sử dụng đa phần là những thương hiệu nào, có nguồn gốc từ đâu và do đơn vị nào cung ứng. Kết quả nghiên cứu cho thấy, các loại thuốc mà các hộ trên địa bàn sử dụng bao gồm: 1) Thuốc trừ sinh vật gây hại; 2) Thuốc trừ bệnh; 3) Thuốc điều hòa sinh trưởng; 4) Thuốc diệt cỏ; 5) Thuốc diệt mầm; 6) Thuốc diệt ốc và 7) Thuốc diệt chuột. Đa phần các loại thuốc nông hộ sử dụng trong sản xuất lúa có nguồn gốc từ Trung Quốc. Các công ty dẫn đầu về cung ứng sản phẩm thuốc trên địa bàn là Lộc Trời, VFC, Tấn Hưng, Lúa Vàng và Bayer.

Từ khóa: Tỉnh Đồng Tháp, lúa, thị trường, thuốc bảo vệ thực vật.

1. Đặt vấn đề

Ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), lúa được xem là cây trồng chủ lực, là cây kinh tế mũi nhọn. Trong đó, Đồng Tháp là tỉnh đứng thứ 3 về diện tích cũng như sản lượng sản xuất lúa. Sau khi thực hiện thành công chương trình “Cánh đồng mẫu lớn” năm 2015 thì diện tích sản xuất của tỉnh Đồng Tháp đã tăng lên đứng đầu khu vực ĐBSCL (Sở Nông nghiệp và Phát triển Đồng Tháp và IPSARD, 2015). Việc thúc đẩy sản xuất thâm canh tăng vụ, phấn đấu đạt sản lượng cao đã giúp nông dân tăng thêm thu nhập, tạo động lực cho họ hăng hái tham gia sản xuất hơn. Bên cạnh đó, việc sử dụng hóa chất trong sản xuất lúa cũng tăng theo. Hiện nay, nhiều loại sâu bệnh trên lúa đang gây hại, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến mùa màng của nông dân dẫn đến việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) ngày một gia tăng so với trước. Từ đó các thương hiệu thuốc mới ra đời ngày càng phong phú, đa dạng. Đồng thời, các đơn vị cung ứng các mặt hàng thuốc cũng gia tăng. Vì vậy, bài viết nghiên cứu các thương hiệu thuốc BVTV mà người sản xuất lúa trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp sử dụng nổi bật là những thương hiệu nào, nguồn gốc xuất xứ đến từ đâu và do đơn vị nào cung ứng.

2. Phương pháp nghiên cứu 2.1. Nguồn số liệu

Thông tin được thu thập theo phương pháp chọn mẫu phân tầng đối với cấp huyện trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp. Trong đó, ưu tiên các vùng thể hiện cơ cấu tập trung trồng lúa. Chọn ra các vùng có diện tích canh tác lúa lớn nhất nhằm đánh giá tổng thể trên địa bàn toàn tỉnh. Nghiên cứu chọn ra 4 vùng: 1) Huyện Hồng Ngự và Thị xã Hồng Ngự; 2) Huyện Tam Nông; 3) Huyện Tháp Mười; 4) Huyện Cao Lãnh và Thành phố Cao Lãnh. Sau khi đã phân vùng theo cấp huyện, đề tài tiếp tục chọn mẫu ở các xã trong huyện để điều tra. Đối với chọn mẫu nông hộ điều tra ở các xã sẽ theo phương pháp chọn mẫu phi xác suất ứng với mỗi vùng là 30 mẫu khảo sát. Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng thu thập thông tin, số liệu có sẵn từ các báo cáo ở tỉnh, huyện; các số liệu từ sách, báo, internet, tạp chí và các đề tài nghiên cứu có liên quan.

2.2. Phương pháp nghiên cứu

Phương pháp thống kê mô tả được sử dụng để phân tích đánh giá thực trạng sử dụng thuốc BVTV của nông hộ sản xuất lúa và tổng quan về thị trường doanh nghiệp sản xuất và phân phối thuốc BVTV tại tỉnh Đồng Tháp.

3. Kết quả nghiên cứu 3.1. Thực trạng sử dụng thuốc BVTV của nông hộ sản xuất lúa tại tỉnh Đồng Tháp

Các hộ sản xuất trên địa bàn đa phần quan niệm phòng bệnh hơn chữa bệnh nên tình hình phun thuốc ngừa bệnh và sinh vật gây hại ở giai đoạn sinh trưởng cho cây lúa là việc mà đa số nông hộ thực hiện chiếm 71,7%, trong khi đó các hộ không phun thuốc ngừa chỉ chiếm tỷ lệ 28,3%.

Hình 1: Tình hình nông hộ phun thuốc BVTV phòng ngừa bệnh cho lúa

Nguồn: Điều tra nông hộ tháng 08/2020

Nguồn: Điều tra nông hộ tháng 08/2020

Khi được hỏi về vấn đề thay đổi loại thuốc, nhãn thuốc trong thời gian 3 năm qua (2016-2019) thì có tới 46,7% hộ là thường xuyên thay đổi, 50% là ít thay đổi, và chỉ có 3,3% là không thay đổi. Qua đó cho thấy, phần lớn các hộ đều có sự thay đổi thuốc khi sử dụng, nguyên nhân là do xuất hiện nhiều loại thuốc mới, thậm chí là tình trạng kháng thuốc tăng cao ở vi sinh vật, dịch bệnh gây hại trên lúa.

Hình 2: Tình hình nông hộ thay đổi thuốc BVTV cho đối tượng bệnh trong 3 năm qua

Nguồn: Điều tra nông hộ tháng 08/2020

Hình 3: Tình hình nông hộ thay đổi loại thuốc BVTV khi giá thuốc tăng

Nguồn: Điều tra nông hộ tháng 08/2020

Vấn đề khi giá thuốc đang sử dụng tăng lên so với trước, thì các hộ sản xuất trên địa bàn đa phần vẫn giữ nguyên thương hiệu thuốc họ đang sử dụng. Tỷ lệ này là 60,8%. Các hộ dân cho rằng, việc tăng giá thuốc không quá nhiều và quan trọng là thuốc đạt được hiệu quả sử dụng. Trong khi đó, số hộ có phản ứng chuyển qua thương hiệu thuốc khác để sử dụng chiếm tỷ lệ 39,2%, những hộ này thường là những hộ có diện tích canh tác nhỏ, thường bị tác động bởi các đại lý thuốc khi đi mua thuốc về sử dụng.

3.2. Thương hiệu và đơn vị cung ứng thuốc cho hộ sản xuất lúa sử dụng tại tỉnh Đồng Tháp

Các loại thuốc BVTV mà các hộ trên địa bàn sử dụng sắp xếp theo mức độ thường xuyên trong các lần sản xuất lần lượt là: 1) Thuốc trừ sinh vật gây hại; 2) Thuốc trừ bệnh; 3) Thuốc điều hòa sinh trưởng; 4) Thuốc diệt cỏ; 5) Thuốc diệt mầm; 6) Thuốc diệt ốc và 7) Thuốc diệt chuột. Đa phần, các hộ đều sử dụng nhiều loại thuốc, có nguồn gốc xuất xứ khác nhau, chứ không chỉ dùng duy nhất 1 loại. Các loại thuốc mà nông hộ đang sử dụng hầu hết có xuất xứ từ Trung Quốc (chiếm 80%).

3.2.1. Thuốc trừ sinh vật gây hại

Các loại thuốc trừ sinh vật gây hại mà nông dân sử dụng rất đa dạng, phong phú với nhiều thương hiệu khác nhau. Thương hiệu Sufaron (Việt Nam) và Chess (Thụy Sỹ) là hai loại thuốc được đa số hộ sử dụng trong quá trình canh tác chiếm tỷ lệ lần lượt là 40,8% và 37,5%. Kế đó là các thương hiệu mà các nông hộ sử dụng để diệt trừ rầy nâu, sâu cuốn lá,… như: Ta Siêu 1.9 (Trung Quốc, chiếm 31,7%), Kinalux (Ấn Độ, chiếm 21,7%) và Schesyn Top (Trung Quốc, chiếm 21,7%), Kun Super (Trung Quốc, chiếm 18,3%), Machsan (Trung Quốc, chiếm 16,7%)… Các công ty Lộc Trời, Tấn Hưng, Lúa Vàng là các công ty cung ứng được hộ sản xuất chọn mua chủ yếu mặt hàng thuốc này để sử dụng.

Bảng 1. Tên thương hiệu và công ty phân phối thuốc trừ sinh vật gây hại

Nguồn: Điều tra nông hộ tháng 08/2020

3.2.2. Thuốc trừ bệnh

Trên thực tế, mỗi hộ dân sử dụng 3 đến 4 loại thuốc trừ bệnh cho cây lúa khi vào mùa và hầu như họ đều sử dụng thương hiệu thuốc có nguồn gốc các quốc gia: Trung Quốc, Thái Lan, Maylaysia, Singapore và Ấn Độ. Thương hiệu Tilt Super có xuất xứ Thái lan, phân phối bởi Công ty Lộc Trời được sử dụng phổ biến nhất, chiếm 60,0% trong tổng số các hộ được khảo sát. Kế đến, thương hiệu thuốc Anvil (Malaysia) và Help (Singapore) với tỷ lệ sử dụng lần lượt là 45,7% và 44,2%. Các thương hiệu Filia, Totan cùng chiếm tỷ lệ 23,3%, Trobin Top chiếm 20,0%, Bi-A chiếm 19,2%, Fuan,

Newtex cùng chiếm 18,3%,... Các công ty Lộc Trời, VFC, ADC, Tấn Hưng và Phú Nông là các công ty cung ứng được hộ sản xuất chọn mua chủ yếu mặt hàng thuốc này để sử dụng.

Bảng 2. Tên thương hiệu và công ty phân phối thuốc trừ bệnh

Nguồn: Điều tra nông hộ tháng 08/2020

3.2.3. Thuốc điều hòa sinh trưởng

Tình hình sử dụng thuốc điều hòa sinh trưởng cho cây lúa thường được các hộ sử dụng nhiều nhất vào các giai đoạn cuối của vòng đời sinh trưởng để có thể tăng năng suất hay một số ít hộ sử dụng ở các giai đoạn đầu để kích thích hạt nảy mầm và kích thích bông lúc trổ.

Bảng 3. Tên thương hiệu và công ty phân phối thuốc điều hòa sinh trưởng

Nguồn: Điều tra nông hộ tháng 08/2020

Đa phần thuốc điều hòa sinh trưởng được hộ sử dụng có nguồn gốc từ Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản. Thương hiệu thuốc điều hòa sinh trưởng được các hộ dân sử dụng nổi bật là Boom Flower, Atonik, Silimax và Super Grow. Các công ty Lộc Trời, ADC và Phước Hưng là các công ty cung ứng được hộ sản xuất chọn mua chủ yếu mặt hàng thuốc này để sử dụng.

3.2.4. Thuốc diệt cỏ

Nguồn gốc của thuốc diệt cỏ mà nông hộ sử dụng chủ yếu từ Trung Quốc; kế đến là Mỹ và Singapore. Thương hiệu thuốc diệt cỏ các hộ dân sử dụng nổi bật là Cantanil (23,3%), Platin (21,7%), Push (14,2%) và Super Rim (13,3%). Các công ty phân phối dẫn đầu về thuốc diệt cỏ trên địa bàn tỉnh gồm có ADC, CPC, Tân Thành và Tấn Hưng.

Bảng 4. Tên thương hiệu và công ty phân phối thuốc diệt cỏ

Nguồn: Điều tra nông hộ tháng 08/2020

3.2.5. Thuốc diệt mầm (thuốc cỏ tiền nảy mầm)

Thuốc diệt mầm được hộ dân sử dụng có nguồn gốc từ 3 quốc gia: Trung Quốc, Singapore và Đài Loan. Mặc dù thuốc diệt mầm xuất xứ từ Trung Quốc chiếm tỷ lệ cao nhất nhưng thương hiệu thuốc được dùng phổ biến nhất là Sofit (33,3%) và Michelless (28,3%) lại xuất xứ từ

Singapore và Đài Loan do 2 công ty tương ứng Lộc Trời và VFC phân phối.

Bảng 5. Tên thương hiệu và công ty phân phối thuốc diệt mầm

Nguồn: Điều tra nông hộ tháng 08/2020

3.2.6. Thuốc diệt ốc

Thuốc diệt ốc mà các hộ nông dân sử dụng hầu như xuất xứ từ Trung Quốc. Thuốc diệt ốc được các hộ sử dụng khá đa dạng nhưng chủ yếu là thuốc được cung ứng từ các công ty Lúa Vàng, Lộc Trời và Tân Thành với các thương hiệu thuốc nổi bật là Tox Bait (20,8%), Anheat (18,3%) và Helix (13,3%).

Bảng 6. Tên thương hiệu và công ty phân phối thuốc diệt ốc

Nguồn: Điều tra nông hộ tháng 08/2020

3.2.7. Thuốc diệt chuột

Chi phí thuốc diệt chuột là thấp nhất trong tất cả các chi phí sử dụng thuốc BVTV của nông hộ. Có 36,7% hộ chi trả dưới 50.000 đồng/ha cho việc sử dụng thuốc diệt chuột, 5% hộ chi trả từ 50.000 - 100.000 đồng/ha; 1,7% chi trả trên 100.000 đồng/ha; và 56,7% hộ không chi trả chi phí diệt chuột.

Bảng 7. Tên thương hiệu và công ty phân phối thuốc diệt chuột

Nguồn: Điều tra nông hộ tháng 08/2020

Trung Quốc vẫn là quốc gia cung cấp thuốc diệt chuột nhiều nhất nhưng các hộ nông dân lại sử dụng chủ yếu thuốc xuất xứ từ Đức và Thụy Sỹ như: Racumin (28,8%); Klerat (23,1%) và Storm (17,3%). Các công ty cung ứng dẫn đầu trên địa bàn là Bayer, Syngenta.

4. Kết luận

Thuốc BVTV trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp được sử dụng trong sản xuất lúa rất đa dạng và phong phú, các sản phẩm xuất xứ từ nhiều quốc gia khác nhau nhưng đa phần có nguồn gốc từ Trung Quốc. Các nông hộ chủ yếu nhớ tên thương phẩm thuốc mà họ sử dụng, ít khi nhớ tên công ty cung ứng về thuốc BVTV. Các công ty phân phối, đóng gói hay công ty được nhượng quyền thương hiệu để cung ứng sản phẩm thuốc BVTV thì Công ty Lộc Trời hiện dẫn đầu, kế đó là các công ty VFC, ADC, Tấn Hưng, Lúa Vàng, Phú Nông và Phước Hưng. Từ đây, nhận thấy Công ty Lộc Trời là doanh nghiệp chiếm ưu thế về thị trường phân phối thuốc BVTV. Tuy nhiên, đối với phân khúc thuốc diệt cỏ, thuốc diệt chuột thì Công ty Lộc Trời chưa chiếm tỷ trọng cao ở 2 phân khúc này.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

Lê Văn Cường, Trần Ngọc Lợi, Phạm Thu Trang, Lê Thị Hường và Nguyễn Thị Mai (2019). Thực trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật của nông dân trên địa bàn huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa.

Tạp chí Khoa học Trường Đại học Hồng Đức,

44, 28-38.

Nguyễn Phan Nhân, Bùi Thị Nga và Phạm Văn Toàn (2015), Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và quản lý bao bì chứa thuốc trong canh tác lúa tại tỉnh Hậu Giang,

Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ, Môi trường và Biến đổi khí hậu

, 41-49.

Nguyễn Trần Oánh, Nguyễn Văn Viên, Bùi Trọng Thủy (2007).

Giáo trình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật,

NXB Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (2019).

Thông tư số 10/2019/TT-BNNPTNT V/v ban hành danh mục thuốc bảo vệ thực vật 2019 được phép sử dụng , cấm sử dụng tại Việt Nam.

A RESEARCH ON THE MARKET OF PLANT PROTECTION PRODUCTS

FOR RICE CROPS IN DONG THAP PROVINCE

TRAN NGUYEN DONG

• NGUYEN VAN CUONG

• NGUYEN THI KIM TUYEN

• LE TRUNG NGUYEN

• DANG ANH THU

Faculty of Economics, Nong Lam University

ABSTRACT:

This research surveys rice farmers living in Dong Thap Province to analyze the status quo of the use of plant protection products including brand names, sources and suppliers. This research’s findings show that the categories of plant protection products which are used by surveyed rice farmers are 1) Harmful microorganisms; 2) Fungicides; 3) Growth control; 4) Herbicides; 5) Germicide; 6) Snail control and 7) Rodent control. In addition, most plant protection products are from China and the top suppliers are Loc Troi, VFC, Tan Hung, Lua Vang and Bayer.

Keywords: Dong Thap Province, rice, market, plant protection products.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 20, tháng 8 năm 2020]

Nguồn Tạp chí Công thương: http://tapchicongthuong.vn/bai-viet/nghien-cuu-thi-truong-thuoc-bao-ve-thuc-vat-trong-san-xuat-lua-tai-tinh-dong-thap-74976.htm