Nghiên cứu thành lập Hiệp hội các doanh nghiệp nông sản Việt – Hàn

Đó là ý kiến được ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn nêu ra tại Diễn đàn xúc tiến thương mại sản phẩm nông sản Việt Nam – Hàn Quốc tổ chức tại TPHCM ngày 29/8.

Việc đẩy mạnh xuất khẩu nông sản sang Hàn Quốc sẽ giúp giảm bớt tình trạng nhập siêu từ nước này. Ảnh: N.H

Việc đẩy mạnh xuất khẩu nông sản sang Hàn Quốc sẽ giúp giảm bớt tình trạng nhập siêu từ nước này. Ảnh: N.H

Ông Trần Thanh Nam cho biết, với mối quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Hàn Quốc, kim ngạch thương mại giữa hai nước tăng rất nhanh trong những năm qua. Cụ thể, thương mại song phương Việt Nam - Hàn Quốc từ năm 1992 đến năm 2018 đã tăng hơn 132 lần, từ 500 triệu USD lên mức hơn 66 tỷ USD và hướng đến mức 100 tỷ USD vào năm 2020.

Tuy nhiên, Việt Nam luôn ở thế nhập siêu từ Hàn Quốc. Năm 2018, Việt Nam nhập siêu gần 32 tỷ USD từ Hàn Quốc. Trong nửa đầu năm nay, Việt Nam xuất sang Hàn Quốc 9,1 tỷ USD và nhập khẩu 22,5 tỷ USD, nhập siêu hơn 13 tỷ USD. Theo đó, việc thúc đẩy xuất khẩu nông sản Việt Nam sang Hàn Quốc sẽ góp phần giảm nhập siêu.

Năm 2018, Hàn Quốc nhập khẩu 35,2 tỷ USD hàng nông sản, trong đó rau quả và trái cây đạt gần 8,5 tỷ USD. Trong đó, nhóm hàng nông lâm thủy sản của Việt Nam xuất khẩu vào Hàn Quốc mới chỉ chiếm gần 6% thị phần. Hiện có nhiều nông sản Việt Nam có tiềm năng xuất khẩu vào Hàn Quốc như gạo lứt, cà phê, gỗ viên nén, gỗ ván ép, gỗ nội thất, cao su, tôm đông lạnh, mực, chuối tươi và khô.

Ông Hong Sun, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KorCham) đánh giá, nông sản Việt Nam hoàn toàn có thể thâm nhập nhiều hơn vào các thị trường lớn với điều kiện là hàng hóa phải đạt được một số tiêu chuẩn quốc tế. Do đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các đơn vị trực thuộc cần tăng cường hỗ trợ cho nông dân để nâng cao nhận thức về chế độ kiểm dịch cũng như chính sách nhập khẩu của các nước.

Ông Hong Sun cũng phản ánh tình trạng một số doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam xù hợp đồng, nhận tiền mà không giao hàng và cũng không có giải thích thỏa đáng cho phía đối tác. “Nếu không chấn chỉnh tình trạng này, uy tín của nông sản Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng nặng nề” – ông Hong Sun nói.

Về vấn đề này, ông Nam cho rằng cần xây dựng cơ chế thông tin thường xuyên để doanh nghiệp hai nước bày tỏ các nhu cầu, tìm hiểu thông tin thị trường cũng như thông tin về vùng nguyên liệu. “Có những doanh nghiệp đã đầu tư nhiều năm vào Việt Nam như Tập đoàn CJ, nhưng cũng chưa hiểu hết về các vùng nguyên liệu của Việt Nam. Hay có nhiều doanh nghiệp Việt Nam muốn xuất khẩu qua Hàn Quốc nhưng cũng rất thiếu thông tin” – ông Nam cho hay.

Theo đó, ông Nam cho rằng có thể nghiên cứu thành lập Hiệp hội các doanh nghiệp nông sản Việt – Hàn nhằm tăng cường trao đổi thông tin, tư vấn, giải quyết các vấn đề tranh chấp giữa doanh nghiệp hai nước. Điều này sẽ giúp khơi thông những vướng mắc về thông tin giữa hai thị trường, từ đó thúc đẩy thương mại song phương Việt Nam – Hàn Quốc phát triển trong thời gian tới.

Nguyễn Hiền

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/nghien-cuu-thanh-lap-hiep-hoi-cac-doanh-nghiep-nong-san-viet-han-110721.html