Nghiên cứu sớm tổ chức Lễ hội Ngô Quyền: Không thể chậm trễ hơn

Việc nghiên cứu tổ chức lễ hội Ngô Quyền xưng Vương và định đô tại Cổ Loa (huyện Đông Anh, Hà Nội) được các nhà khoa học cho rằng đã quá muộn khi hơn 10 thế kỷ qua, trên đất Cổ Loa không có một đền thờ, một lễ hội nào tri ân, tưởng nhớ công lao của ông. Thời điểm này không thể chậm trễ hơn, nhưng việc xây dựng lễ hội như thế nào để xứng đáng với tầm vóc, công lao của ông, nhất là khi tại di tích Cổ Loa đã có lễ hội Cổ Loa rất nổi tiếng đang là vấn đề đặt ra đối với các nhà khoa học, quản lý văn hóa.

Phải xứng với tầm vóc lịch sử

Không thể phủ nhận rằng, việc tổ chức lễ hội Ngô Quyền xưng Vương và định đô tại Cổ Loa cần thiết ở tầm quốc gia, để nâng cao nhận thức của người dân đối với nhân vật lịch sử như Ngô Quyền. Tuy nhiên, điều khó hiện nay là tại khu di tích Cổ Loa (huyện Đông Anh) chưa xây dựng được đền thờ Ngô Quyền, dù việc này đã được lãnh đạo thành phố Hà Nội thống nhất chủ trương xây dựng và giao Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội nghiên cứu, xây dựng đền thờ Ngô Quyền tại một vị trí thích hợp từ tháng 2/2019. Như vậy, việc tổ chức lễ hội thời điểm này chưa thể thực hiện ngay.

Lễ hội Cổ Loa

Lễ hội Cổ Loa

Một trong những vấn đề được rất nhiều các nhà khoa học thảo luận tại tọa đàm khoa học “Nghiên cứu tổ chức lễ hội Ngô Quyền xưng Vương và định đô tại Cổ Loa” do Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội tổ chức vừa qua là việc tổ chức “lễ” và “hội”. Các ý kiến chung đều cho rằng để xây dựng được phần lễ trong một lễ hội, việc nghiên cứu phương thức tế lễ là vấn đề đầu tiên và hết sức quan trọng.

Bên cạnh đó, việc tổ chức, quản lý một hoạt động hội trong lễ hội truyền thống không đơn giản chỉ xoay quanh việc phục hồi, bảo tồn hay phát huy các hoạt động hội ấy, mà nó còn liên quan đến hàng loạt các công việc như lập kế hoạch, nguồn nhân lực tổ chức tham gia, tuyên truyền, marketing, tìm kiếm nguồn tài trợ, dịch vụ hậu cần, an ninh, y tế, vệ sinh thực phẩm, hay phát triển các cơ sở hạ tầng… và cần có sự quan tâm quản lý từ các cấp, các ngành, các cơ quan quản lý văn hóa, di sản.

Một vấn đề khác được các nhà khoa học đặt ra, việc tổ chức lễ hội Ngô Quyền xưng Vương và định đô tại Cổ Loa cần quan tâm đến khai thác sức mạnh cộng đồng trong thực hành các nghi lễ, tránh tình trạng tổ chức theo hình thức sân khấu hóa như một lễ mít tinh. Sự tham gia của cộng đồng dân cư sẽ góp phần làm cho lễ hội sống bền vững, được trao truyền theo thời gian. Bên cạnh đó, các nhà khoa học cũng đề xuất cần có sự kết nối với cộng đồng các nơi thờ tự Ngô Quyền ở địa phương khác, thực hiện nghi lễ dâng hương trong lễ hội.

Cần tìm ra những nét đặc sắc

Tại dự thảo đề cương lễ hội Ngô Quyền xưng Vương và định đô tại Cổ Loa, lễ hội được đề xuất tổ chức vào mùng 7 tháng Giêng, có nghĩa chỉ sau một ngày khai hội Cổ Loa. Tuy nhiên, nhiều nhà quản lý, nhà lịch sử, nhà văn hóa tỏ ra băn khoăn khi hiện nay lễ hội Cổ Loa được khai hội từ ngày mùng 6 kéo dài đến 18 tháng Giêng, thu hút đông đảo du khách thập phương thì việc tổ chức lễ hội Ngô Quyền xưng Vương và định đô tại Cổ Loa thế nào cho phù hợp và mang bản sắc riêng.

Trong khi đó, thời điểm tháng Giêng rất nhiều lễ hội lớn diễn ra và ngay tại di tích Cổ Loa đã có lễ hội Cổ Loa. Theo Phó giáo sư, tiến sĩ Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Lễ hội cần có phần lễ và phần hội gắn với sự kiện quan trọng là Ngô Quyền lên ngôi và định đô tại Cổ Loa, đồng thời cần gắn với cộng đồng dân cư.

Giáo sư, tiến sĩ Lê Hồng Lý, Viện Nghiên cứu văn hóa thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam cho rằng, rất cần thiết tìm ra nét đặc sắc cho lễ hội Ngô Quyền xưng Vương và định đô tại Cổ Loa, tránh sự nhạt nhòa khi tổ chức, nhất là khi tổ chức sau lễ hội Cổ Loa.

Giáo sư, tiến sĩ Bùi Quang Thanh - Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho biết, ông hoàn toàn ủng hộ đề xuất xây dựng không gian thờ tự Ngô Quyền tại Cổ Loa. Việc tri ân Ngô Quyền đáng ra phải làm sớm hơn. Đây phải là một lễ hội mang tầm quốc gia và phải đảm đương được việc nâng cao tâm thức thế hệ đương đại với danh nhân lịch sử, bồi dưỡng thêm lòng yêu nước, giá trị nhân văn trong cộng đồng.

Theo Giáo sư, tiến sĩ Bùi Quang Thanh - Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam: Riêng với hoạt động tín ngưỡng và thực hành nghi lễ tại không gian văn hóa Cổ Loa trong phạm vi phụng thờ Ngô Quyền, lại mang thêm sắc thái và vai trò chủ trì của quản lý nhà nước về mặt văn hóa. Lực lượng dân chúng tham dự vào quá trình tôn thờ và tham dự lễ hội tôn vinh Ngô Quyền không giống như sự can dự trực tiếp của “bát xã Loa Thành” đối với hình thức phụng thờ An Dương Vương. Vì thế, cần có sự hoạch định trong công tác huy động, tổ chức nhân sự của bộ máy quản lý văn hóa tại Cổ Loa.

Cũng theo giáo sư Thanh, hoạt động thực hành tín ngưỡng và thực hành các nghi lễ trong không gian phụng thờ Ngô Quyền được thực hiện trong hai phạm vi chủ yếu. Đó là, phạm vi thực hành sinh hoạt tín ngưỡng trong phạm vi các dịp lễ tiết trong năm; phạm vi thực hành nghi lễ trong dịp tổ chức lễ hội theo thời điểm được cộng đồng và các nhà quản lý văn hóa đồng thuận quyết định.

Phó giáo sư, tiến sĩ Bùi Hoài Sơn - Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho rằng: Việc tổ chức các hoạt động của lễ hội phải gắn với Ngô Quyền và các sự kiện có liên quan đến Triều đại nhà Ngô. Trên cơ sở đó, những trò chơi có thể có liên quan, tạo ra những gợi nhớ về thời kỳ Ngô Quyền như đấu vật, chọi gà, những trò chơi đặc trưng của các vùng đất có liên quan đến Ngô Quyền ở vùng Bạch Đằng hay Đường Lâm có thể trở thành những điểm nhấn cho lễ hội này.

Tuy nhiên, dù các hoạt động hội cần có sự liên quan đến Ngô Quyền nhưng chắc chắn chúng ta không nên quá máy móc khi đi tìm những hoạt động mang tính nguyên gốc. Bên cạnh đó, Phó giáo sư, tiến sĩ Bùi Hoài Sơn cũng cho rằng, việc tổ chức hoạt động lễ hội phải lấy cộng đồng cư dân địa phương làm trung tâm.

Theo Đề cương Lễ hội Ngô Quyền xưng Vương và định đô tại Cổ Loa dự kiến sẽ được tổ chức vào ngày 7 tháng Giêng tại không gian trung tâm đền thờ Ngô Vương Quyền, không gian trung tâm Khu di tích Cổ Loa và không gian thực hành tín ngưỡng của các làng, xóm thuộc xã Cổ Loa có nhân lực trực tiếp tham gia thực hành lễ hội.

Trong thời gian tới, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long Hà Nội sẽ phối hợp với các cơ quan nghiên cứu, các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu thêm về quy mô, hình thức, thời gian tổ chức lễ hội. Trước mắt, cần báo cáo Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố để tập trung nghiên cứu và sớm xây dựng Đền thờ Ngô Quyền tại Cổ Loa.

Bảo Thoa

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/nghien-cuu-som-to-chuc-le-hoi-ngo-quyen-khong-the-cham-tre-hon-99276.html