Nghiên cứu sinh tiến sĩ đặt vấn đề 'tác phẩm Chí Phèo có đáng đứng trong sách giáo khoa?'

'Liệu có nên vẫn tiếp tục giữ trong chương trình phổ thông hay không khi tác phẩm Chí Phèo không có ý nghĩa nhiều về mặt giáo dục, mà ngược lại, có thể có những tác động xấu về mặt nhận thức của học sinh?' – Ths Nguyễn Sóng Hiền, nghiên cứu sinh tiến sĩ trường ĐH Newcastle vừa lên tiếng.

“Ở khía cạnh văn học, tác phẩm "Chí Phèo" của nhà văn Nam Cao có thể được đáng giá là thành công về phong cách viết. Tuy nhiên, đứng trên góc độ giáo dục, theo quan điểm cá nhân, tôi cho rằng cần cân nhắc kỹ lại.

Liệu có nên vẫn tiếp tục giữ trong chương trình phổ thông hay không, khi mà bản thân tác phẩm "Chí Phèo" không có ý nghĩa nhiều về mặt giáo dục, mà ngược lại, có thể có những tác động xấu về mặt nhận thức của học sinh?” – Ths Nguyễn Sóng Hiền - nghiên cứu sinh tiến sĩ Trường ĐH Newcastle (Australia) đặt vấn đề.

Cũng theo Ths Nguyễn Sóng Hiền, nhiều nhà phê bình và học giả còn hình tượng hóa cảnh Chí Phèo uống rượu say rồi cưỡng bức Thị Nở, và xem đó như sự thức tỉnh tính thiện trong con người Chí Phèo.

"Trong bất kỳ xã hội nào, hành động cưỡng bức đó đều đáng lên án. Chí Phèo đã phạm pháp. Dù về mặt nhận thức, hắn không ý thức hành vi của mình, nhưng về khía cạnh giáo dục đó là hành động cần phê phán.

Mà cưỡng bức với một người thiểu năng như Thị Nở thì càng phải lên án và phê phán thích đáng hơn. Chúng ta không thể và không nên bảo vệ những hành vi trái pháp luật. Điều đó chẳng khác gì cổ súy cho lớp trẻ để bắt chước làm theo.

Số phận của Chí Phèo là một số phận đáng thương, vì khi sinh ra đã phải chịu thiệt thòi và bất công. Nhưng chúng ta cũng kịch liệt phê phán và phản đối những hành vi lưu manh, thú tính của hắn".

Chí Phèo đang gây tranh cãi trong việc có nên để tiếp tục tồn tại trong chương trình Ngữ văn lớp 11 hiện hành

Chí Phèo đang gây tranh cãi trong việc có nên để tiếp tục tồn tại trong chương trình Ngữ văn lớp 11 hiện hành

Ths Nguyễn Sóng Hiền cũng chỉ ra hành động giết Bá Kiến sau khi uống rượu say cũng là một hành động không thể dung thứ, cho dù nhiều học giả và nhà phê bình hình tượng hóa nó là sự phản kháng của tầng lớp bần nông đối với giai cấp cường hào, ác bá.

Theo Ths Hiền đây là sự quy chụp và áp đặt khiên cưỡng: “Chí Phèo đã giết người trong lúc say, đó là hành vi không phải của một con người. Cho dù ở bất kỳ xã hội nào, những hành động đó đều đáng bị lên án và cách ly ra khỏi đời sống xã hội”.

Chia sẻ với bài viết của Ths Nguyễn Sóng Hiền, một độc giả lên tiếng đồng tình: “Ngày xưa làm văn cũng có nêu ra ý kiến Chí Phèo giết Bá Kiến là phạm pháp, cô giáo gạch thẳng 1 đường bút đỏ chói phê không hiểu bài...”.

Còn độc giả Nguyễn Đức Nam góp ý: "Một tác phẩm văn học hiện thực phê phán hay vậy sao bỏ đi hả thạc sĩ? Thạc sỹ đã quên bát cháo hành mà thị nở cho Chí Phèo ăn, là hạnh nhân thúc đẩy điều thiện ở trong con người Chí Phèo.

Đấy cũng là lí do tạo ra cái kết của câu chuyện. Bản thân cá nhân tôi thấy các tác phẩm văn học trong sách giáo khoa phổ thông luôn luôn cuốn hút, tạo tính ham học và ứng dụng cao trong tuổi học trò nên không nên bỏ tác phẩm này".

Độc giả Nguyễn Thu Trang thì cho rằng: "Phân tích kiểu như thạc sỹ này thì cần bỏ hết các tác phẩm kinh điển. Truyện Kiều cũng nên bỏ vì không có tính giáo dục, các tác phẩm của Vũ Trọng Phụng cũng rất tục, không nên đưa vào chương trình. Rồi các câu chuyện cổ tích cũng phải bỏ cả Tấm Cám, Sự tích trầu cau... Vì truyện nào cũng phải xét trên góc độ pháp luật thuần túy...".

Tác phẩm Chí Phèo thuộc dòng văn học hiện thực phê phán Việt Nam giai đoạn 1930 - 1945. Truyện ngắn Chí Phèo của nhà văn Nam Cao được coi là một kiệt tác của văn học Việt Nam thế kỷ 20.

Một giáo viên Văn của Hà Nội đã phải thốt lên: “Một bạn hậu sinh nào đó tuyên bố hùng hồn rằng nên hủy bỏ việc giảng dạy tác phẩm này khỏi chương trình phổ thông! Thật là đau xót quá! Thương cho nhà văn Nam Cao quá!”.

Duy Anh

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/doi-song/nghien-cuu-sinh-tien-si-dat-van-de-tac-pham-chi-pheo-co-dang-dung-trong-sach-giao-khoa/750452.antd