Nghiên cứu phương án xây mới đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam

Ngày 28-8, tại Hà Nội, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã tổ chức hội nghị về báo cáo giữa kỳ dự án hoàn thiện nghiên cứu tiền khả thi tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam.

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông, Dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc-Nam được nghiên cứu từ giai đoạn 2005-2013, sau đó, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GTVT nghiên cứu cập nhật dự án tiền khả thi, hoàn tất và trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ vào cuối năm 2018 để trình Quốc hội trong năm 2019. Bộ GTVT đã giao Ban Quản lý dự án Đường sắt tuyển chọn tư vấn trong và ngoài nước, hoàn thiện nghiên cứu tiền khả thi của dự án. "Đây là dự án có lộ trình phát triển dài, theo dự kiến từ 25-30 năm, huy động nguồn lực lớn, do đó Bộ GTVT đã tổ chức nhiều hội thảo lấy ý kiến về dự án. Sau báo cáo giữa kỳ, các đơn vị liên quan còn phải tiếp tục nghiên cứu bổ sung dự án, dự kiến hoàn thiện báo cáo cuối kỳ vào tháng 10-2018", Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông chia sẻ.

Lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải chia sẻ thông tin tại hội nghị.

Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam có tổng chiều dài toàn tuyến 1.545km, đi qua 23 ga, kết nối 20 tỉnh, thành phố, hai điểm đầu là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Liên danh tư vấn chuẩn bị đầu tư dự án đã nghiên cứu hai trường hợp là nâng cấp tuyến đường sắt hiện hữu và nâng cấp tuyến hiện hữu kết hợp xây mới tuyến đường sắt tốc độ cao. Theo đại diện đơn vị tư vấn, việc nâng cấp tuyến đường sắt hiện hữu khổ 1m lên đường đôi gặp nhiều khó khăn do có hơn 1.500 vị trí phải cải thiện về bán kính cong, có khu dân cư sống dọc tuyến nên phải giải phóng mặt bằng, đồng thời, không đáp ứng được nhu cầu vận tải. Đơn vị tư vấn kiến nghị thực hiện theo phương án kết hợp nâng cấp đường sắt hiện hữu để đáp ứng cho 50 đoàn tàu/ngày và xây mới đường sắt tốc độ cao, đường đôi khổ 1.435cm.

Công nghệ tàu tốc độ cao được kiến nghị là tàu chạy trên ray, công nghệ động lực phân tán gồm nhiều toa xe động lực nằm trong đoàn tàu thay vì công nghệ động lực tập trung tại hai đầu đoàn tàu. Công nghệ này tương tự như đoàn tàu Shinkansen của Nhật Bản. Tuyến đường sắt Bắc-Nam dài hơn 1.500km nên ưu tiên tàu tốc độ lớn để bảo đảm sức hấp dẫn so với các loại hình vận tải khác. Theo kiến nghị của tư vấn, giai đoạn đầu khi chưa thông toàn tuyến sẽ khai thác với vận tốc 160-200km/h, sau khi thông toàn tuyến, tốc độ đạt 350km/h. Mô hình khai thác là đường sắt hiện hữu sau khi nâng cấp sẽ vận chuyển hành khách cự ly ngắn và vận chuyển hàng hóa, đường sắt tốc độ cao chỉ vận chuyển hành khách.

Về thiết kế kỹ thuật, 60% tuyến sẽ chạy trên cầu, 10% đi qua hầm và 30% đi trên mặt đất. Tỷ lệ chạy trên mặt đất thấp giúp hạn chế chia cắt cộng đồng dân cư. Theo khái toán sơ bộ, tổng mức đầu tư toàn tuyến khoảng hơn 58 tỷ USD, riêng đoạn Hà Nội - Vinh (Nghệ An) và TP Hồ Chí Minh - Nha Trang (Khánh Hòa) là hơn 24 tỷ USD. Mô hình đầu tư được kiến nghị là Nhà nước đầu tư hạ tầng đường sắt, phần khai thác như nhà ga, đoàn tàu sẽ theo hình thức đối tác công tư (PPP) có sự tham gia của doanh nghiệp tư nhân với các loại hình như BOT, BT, trong đó có tính đến khai thác quỹ đất.

Kế hoạch đầu tư sẽ ưu tiên thực hiện trước hai đoạn có nhu cầu vận tải lớn là Hà Nội - Vinh và TP Hồ Chí Minh - Nha Trang, thực hiện đến năm 2030. Sau năm 2040 sẽ kết nối toàn tuyến.

Tin, ảnh: HƯNG MẠNH

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/xa-hoi/tin-tuc/nghien-cuu-phuong-an-xay-moi-duong-sat-toc-do-cao-bac-nam-548073