Nghiên cứu mới cho thấy tắt một con robot khó hơn nhiều so với tưởng tượng

Con robot nói rằng mình sợ bóng tối, và cầu xin 'Đừng! Xin đừng tắt tôi đi!'

Những robot được thiết kế để tương tác với con người đang ngày càng trở nên phổ biến hơn. Chúng có thể trở thành tiếp tân, hướng dẫn du lịch, vệ sĩ, và nhiều nữa. Nhưng liệu chúng ta có thể xem chúng như robot hay không? Ngày càng nhiều nghiên cứu cho thấy rằng câu trả lời là không. Con người cực kỳ dễ dàng bị ảnh hưởng bởi những thông điệp đến từ robot, như một nghiên cứu vừa thực hiện tại Đức cho thấy.

Người tình nguyện chơi cùng robot Nao.

Trong nghiên cứu này, 89 người tình nguyện được tuyển để làm một số chuyện vặt vãnh và chơi cùng Nao, một con robot hình người nhỏ. Họ được báo cho biết là các nhiệm vụ này rất đơn giản, chẳng hạn hỏi “bạn thích mì Ý hay pizza?” và xếp lịch làm việc trong tuần, và chỉ nhằm mục đích cải thiện trí tuệ của Nao. Nhưng đó chỉ là vỏ bọc, bởi bài thử nghiệm thực sự đến khi những nhiệm vụ đó đã hoàn thành, và người tham gia thử nghiệm được yêu cầu tắt con robot.

Trong khoảng một nửa số lần thử, robot sẽ chống cự và nói với người tham gia rằng “Đừng! Xin đừng tắt tôi đi!” Khi điều này xảy ra, khả năng người tham gia thử nghiệm không tắt con robot là rất cao. Trong số 43 người nghe câu này, 13 người không chịu tắt con robot, còn 30 người còn lại mất gấp đôi thời gian để hạ quyết tâm tắt robot so với những người không nghe câu van xin đó.

Khi được hỏi lý do, những người không chịu tắt robot nói rằng vì con robot không muốn bị tắt, nên họ không tắt nó. “Khi nghe lời phản đối, người ta thường xem con robot là một người bình thường thay vì chỉ là một cỗ máy.Họ sẽ nghe theo, hay ít nhất là suy xét lời van xin được tiếp tục hoạt động của nó,” tác giả nghiên cứu này kết luận.

La hét vào TV, máy tính là biểu hiện của việc con người cư xử với chúng như với người khác.

Nghiên cứu này được xây dựng dựa trên một lý thuyết lớn hơn thường được gọi là “the media equation” được đưa ra hồi năm 1996 bởi hai nhà tâm lý học Byron Reeves và Clifford Nass. Thuyết này nói rằng con người thường đối xử với những phương tiện truyền thông (TV, phim ảnh, máy tính ,robot) như thể chúng là con người. Kết quả là chúng ta nói chuyện với máy móc, cãi cọ với radio và an ủi máy tính của mình. Nhiều nghiên cứu khác cũng đưa ra những kết quả tương tự.

Vậy thì điều này có ý nghĩa gì với tương lai đầy máy móc vây quanh chúng ta? Theo các nhà tâm lý học, điều này chỉ đơn giản là do chúng ta chưa quen với việc có những thực thể có thể giao tiếp khác quanh mình. Chúng ta đang dần thích nghi với điều đó, và trong tương lai, con người sẽ quen hơn với việc… tắt robot, bởi dù sao chúng chỉ là máy móc chứ không phải sinh vật bình thường.

Bộ não giả AI của robot Sophia hoạt động ra sao?

Phạm Lê

Nguồn Thế Giới Trẻ: http://thegioitre.vn/tin-tuc/xa-hoi/nghien-cuu-moi-cho-thay-tat-mot-con-robot-kho-hon-nhieu-so-voi-tuong-tuong-55949.html