Nghiên cứu mới: Caffeine có thể làm chậm sự tiến triển của cận thị ở trẻ em

Theo nghiên cứu mới nhất của các nhà khoa học Đan Mạch, một chất chuyển hóa của caffeine có thể làm chậm sự tiến triển của tật cận thị ở trẻ nhỏ.

Một nghiên cứu quan sát mới từ Đan Mạch cho thấy chất chuyển hóa của caffeine, 7-methylxanthine, có thể ức chế sự phát triển của bệnh cận thị ở trẻ em.

7-Methylxanthine (còn được gọi là 7-MX) là một chất chuyển hóa của caffeine. Nó hoạt động như một chất đối kháng thụ thể adenosine (AR) và kể từ năm 2009, 7-MX đã được phê duyệt để điều trị cận thị ở Đan Mạch. Tuy nhiên, đến nay, nó vẫn chưa được đánh giá đầy đủ trong các nghiên cứu dài hạn. Các nhà điều tra muốn tìm hiểu xem bệnh cận thị tiến triển như thế nào ở trẻ em dùng 7-MX.

Các nhà nghiên cứu đã xem xét hồ sơ bệnh án của 711 trẻ em được điều trị cận thị ở Đan Mạch, trong đó 624 trẻ sử dụng viên nén 7-MX hàng ngày như một phần của quá trình điều trị. Họ phát hiện ra rằng điều trị bằng 7-MX làm giảm tốc độ cận thị và giảm độ dài của mắt. Nếu không điều trị, chiều dài trục mắt của một đứa trẻ sẽ tăng thêm 1,8 mm trong vòng 6 năm. Với việc sử dụng 7-MX, chiều dài trục chỉ tăng thêm 1,63 mm. Liều 7-MX cao hơn dường như có hiệu quả hơn và không có tác dụng phụ tiêu cực nào của phương pháp điều trị được báo cáo.

Caffeine có thể làm chậm sự tiến triển cận thị ở trẻ em. Ảnh minh họa

Caffeine có thể làm chậm sự tiến triển cận thị ở trẻ em. Ảnh minh họa

Hiện, các phương pháp can thiệp kiểm soát cận thị không hoàn toàn hiệu quả trong ngăn ngừa trẻ em tiến triển thành cận thị nặng và 7-MX có thể trở thành chất bổ sung có giá trị nếu mối quan hệ nhân quả và hiệu quả có thể được xác nhận trong các thử nghiệm đối chứng ngẫu nhiên trong tương lai.

Cận thị là nguyên nhân hàng đầu gây mất thị lực trên toàn thế giới và tỷ lệ mắc bệnh đang ngày càng gia tăng. Theo ước tính, khoảng 28% dân số trên toàn cầu bị cận thị.

Cận thị là tật khúc xạ xảy ra nếu mắt trở nên dài bất thường - đây được gọi là chiều dài trục của mắt. Thông thường, mắt dài từ khoảng 16,8 mm ở trẻ sơ sinh đến khoảng 23,6 mm ở người lớn. Với bệnh cận thị, chiều dài trục phát triển quá nhanh. Ánh sáng bị khúc xạ khiến điểm hội tụ mạnh nhất của nó không đến được võng mạc, dẫn đến nhìn mờ.

Cận thị có liên quan nguy cơ cao mắc các bệnh về mắt khác nhau sau này trong cuộc sống, bao gồm thoái hóa điểm vàng, đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp và bong võng mạc...

Cận thị có thể được điều chỉnh bằng kính, nhưng các nhà khoa học vẫn đang nỗ lực khám phá phương pháp điều trị bằng dược phẩm để giải quyết vấn đề cơ bản của tình trạng này.

Tại Việt Nam, tình trạng cận thị đang ngày càng gia tăng, đặc biệt là sau mùa dịch, số trẻ em mắc tật khúc xạ ngày càng nhiều. Theo thống kê mới nhất, tỷ lệ người mắc cận thị chiếm từ 15-40% với con số tương ứng từ 14-36 triệu người. Đây là thực trạng đáng báo động và ngày càng tăng cao trong xã hội hiện đại. Đối tượng phổ biến nhất mắc cận thị là trẻ em từ 6-15 với tỷ lệ 20-40% ở khu vực thành thị và 10-15% ở khu vực nông thôn.

Hiện nay nước ta có khoảng 14-36 triệu người đang gặp tật khúc xạ ở mắt và cần được điều chỉnh kính. Và tỷ lệ người cận thị sẽ ngày càng tăng cao. Theo thống kê ở một số trường học trong nội thành Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh, tỉ lệ học sinh mắc tật cận thị chiếm tới 50%, ở một số trường đại học lớn có tới hơn 70% sinh viên bị cận thị và rất nhiều người cận nặng.

Trên toàn thế giới nói chúng ước tính đến năm 2050 sẽ có khoảng 9,8% dân số toàn cầu tương đương con số hơn 4 tỷ người có thể gặp phải tật khúc xạ ở mắt. Quan ngại hơn, số người bị cận thị nặng dẫn đến thoái hóa bán phần sau của nhãn cầu và mất thị lực vĩnh viễn có thể chiếm tới gần 1 tỷ người trong số liệu thống kê đó.

Số người bị suy giảm thị lực dẫn đến mù lòa do tật cận thị nặng dự tính sẽ tăng gấp 4 lần vào năm 2050 trên toàn thế giới. Báo động tật cận thị sẽ có nguy cơ lớn trở thành nguyên nhân gây mù lòa hàng đầu trên toàn thế giới và vượt qua cả bệnh đục thủy tinh thể hiện đang đứng top đầu.

Yếu tố gia đình (bố mẹ, anh chị e ruột mắc tật khúc xạ) là nguyên nhân cơ bản khiến tỷ lệ cận thị gia tăng ở Việt Nam hiện nay. Chỉ cần bố mẹ bị cận từ 6 độ trở lên thì mức độ di truyền cho con là 100%. Cùng với đó là thói quen nhìn gần quá nhiều, làm việc, học tập sai tư thế và với điều kiện kém ánh sáng kém là những nguyên nhân cơ bản khiến tình trạng cận thị ở Việt Nam ngày càng tăng cao.

Yếu tố hàng đầu hiện nay khiến tình trạng cận thị ở Việt Nam gia tăng nhanh là môi trường sống. Ở thời đại công nghệ phát triển, trẻ em tiếp xúc sớm với các thiết bị điện tử như: Laptop, máy tính bảng, tivi, điện thoại... có nguồn ánh sáng xanh cực kỳ nguy hiểm, người lớn cũng quen dần với việc lạm dụng chúng hàng ngày khiến tình trạng cận thị ngày càng gia tăng cấp độ với con số đáng báo động.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo, mỗi người chỉ cần tiếp xúc với màn hình điện tử trên 3 giờ mỗi ngày sẽ đối diện với nguy cơ suy giảm thị lực lên đến 90%. Thực tế tại Việt Nam hiện nay thống kê trung bình mỗi người giành tới 10 tiếng hàng ngày để sử dụng các thiết bị điện tử. Con số này vượt tiêu chuẩn hơn 3 lần cho phép là nguyên nhân khiến tật khúc xạ ở Việt Nam tăng cao đáng báo động hàng năm.

An Dương (T/h)

Nguồn VietQ: https://vietq.vn/nghien-cuu-moi-caffeine-co-the-lam-cham-su-tien-trien-cua-can-thi-o-tre-em-d204218.html