Nghiên cứu máy phân tử đoạt giải Nobel Hóa học 2016

Giải Nobel Hóa học 2016 vừa được quyết định trao cho 3 nhà khoa học có công trình thiết kế và chế tạo máy phân tử (máy NANO).

Chiều 5/10, Hội đồng giải thưởng Nobel đã công bố giải Nobel Hóa học năm 2016. Vinh dự đã thuộc về 3 nhà khoa học gồm: Jean-Pierre Sauvage, người Pháp, thuộc trường Đại học Tổng hợp Strasbourg của Pháp, J. Fraser Stoddart, mang 2 quốc tịch Anh-Mỹ, thuộc trường Đại học Northwestern của Mỹ và Bernard L. Feringa, người Hà Lan, thuộc trường Đại học Tổng hợp Groningen của Hà Lan.

Theo Hội đồng giải thưởng, nhóm 3 nhà khoa học trên đã phát triển những phân tử với cơ chế vận động có thể kiểm soát được, từ đó có thể thực hiện chức năng chuyển hóa năng lượng... Bản chất chính là những cấu trúc có khả năng chuyển hóa năng lượng hóa học thành năng lượng cơ học và chuyển động. Đây là một công cụ cực kỳ "quyền lực" cho phép các nhà khoa học tạo nên những thiết bị cực kỳ nhỏ ứng dụng trong vô vàn lĩnh vực khác nhau, trong đó có điều trị ung thư. Những máy phân tử này rất có thể sẽ được dùng trong việc chế tạo những đồ vật như những vật chất mới, cảm biến và các hệ thống dự trữ năng lượng.

Từ năm 1983, ông Jean-Pierre Sauvage đã tạo nên một bước đột phá khi sử dụng ion đồng để khóa các phân tử lại với nhau bằng liên kết vật lý. Sau đó, nhà nghiên cứu Fraser Stoddart đã vận dụng kết quả nghiên cứu trên của Jean-Pierre Sauvage để làm ra một chiếc xe phân tử (molecular shuttle) có khả năng di chuyển trên một trục phân tử theo cách có kiểm soát. Nhóm nghiên cứu của Stoddart từ đó đã tạo ra được các máy phân tử.

Nobel Hóa học là giải thứ 3 trong mùa Nobel 2016. Như thường lệ, các nhà khoa học sẽ nhận giải tại buỗi lễ trao giải chính thức vào ngày 10/12 tới ở thành phố Stockholm của Thụy Điển. Mỗi giải Nobel kèm theo phần thưởng 8 triệu crown Thụy Điển (tương đương 933.000 USD).

Năm 2015, giải Nobel Hóa học được trao cho 2 nhà khoa học Tomas Lindahl người Thụy Điển, Paul Modrich người Mỹ và Aziz Sancar mang 2 quốc tịch Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ nhờ công trình nghiên cứu cơ chế tế bào sửa chữa những ADN bị hư hại.

An Lam

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/quocte/nghien-cuu-may-phan-tu-doat-giai-nobel-hoa-hoc-2016/288287.vgp