Nghiên cứu luật hóa việc xử lý cán bộ, công chức về hưu

Về xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức về hưu, Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu Bộ Nội vụ cần nghiên cứu, luật hóa cụ thể đảm bảo tương ứng với quy định của Đảng.

Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình kết luận Hội nghị - Ảnh: Bộ Nội vụ

Bộ Nội vụ vừa phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương tổ chức Hội nghị chuyên đề để xin ý kiến về việc sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật, đảm bảo sự thống nhất, liên thông giữa các quy định của Đảng và quy định của các luật, văn bản quy phạm pháp luật do Bộ Nội vụ đang chủ trì xây dựng thuộc các lĩnh vực tổ chức, bộ máy; cán bộ, công chức, viên chức.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết qua rà soát Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 25.10.2017 về sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị cho thấy, các văn bản quy định về vấn đề phân cấp còn rất hạn chế.

“Phân cấp vấn đề gì, phân cấp đến đâu cần được quy định rõ trong các Luật sửa đổi, bổ sung để đảm bảo thực hiện thống nhất, thuận lợi. Việc phân định thẩm quyền, trách nhiệm của chính quyền địa phương giữa các vùng biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa chưa rõ ràng, chưa có sự chú trọng nên quá trình thực hiện chưa đạt hiệu quả cao…”, ông Thăng nêu.

Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Duy Hưng ủng hộ tinh thần phân cấp mạnh mẽ, gắn liền với đề cao trách nhiệm của cá nhân người đứng đầu, tăng cường kiểm tra, giám sát. Theo đó, ông Hưng đề nghị một số cơ quan không nên tổ chức theo địa giới hành chính mà tổ chức theo liên vùng, liên huyện.

“Cần rà soát lại các Ban Chỉ đạo liên ngành nếu hoạt động không hiệu quả cần phải xóa bỏ nhằm tiết kiệm chi phí. Bên cạnh đó, dự thảo sửa đổi, bổ sung các luật cần quy định rõ nhằm làm nổi bật mô hình chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn”, ông Hưng nêu.

Bên cạnh đó, ông Hưng cho rằng về quy định xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức về hưu vẫn còn trống nên cần thiết phải quy định trong luật để đảm bảo mọi đối tượng “hạ cánh không an toàn”, thậm chí xóa bỏ mọi chế độ của công chức, viên chức được hưởng khi nghỉ hưu nếu vi phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân yêu cầu nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong thời gian sớm nhất các vấn đề về tổ chức, bộ máy và cán bộ, công chức, viên chức. Việc sửa đổi sẽ thực hiện theo hướng đẩy mạnh phân cấp và xác định nhiệm vụ của các cơ quan Trung ương.

Theo đó, các cơ quan Trung ương tập trung vào nhiệm vụ xây dựng thể chế, chiến lược phát triển và hướng dẫn thực hiện. Xác định được nhiệm vụ của các cấp chính quyền địa phương đảm bảo thực hiện nhiệm vụ không trùng lắp giữa các cấp chính quyền.

Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính ủng hộ đề xuất phân cấp tối đa nhưng phải ràng buộc trách nhiệm, có cơ chế kiểm tra, giám sát, kịp thời xử lý vấn đề phát sinh. Đối với những vấn đề chưa được sửa đổi trong các luật mà yêu cầu thực tiễn cần phải thực hiện thì tổ chức thí điểm, rút kinh nghiệm rồi mới thực hiện trên diện rộng.

Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đề nghị Bộ Nội vụ tập trung triển khai thực hiện các nội dung, huy động các chuyên gia để nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các luật về tổ chức, bộ máy, cán bộ, công chức, viên chức để hoàn thành nhiệm vụ theo đúng tiến độ, đảm bảo mục tiêu, yêu cầu đề ra.

Cùng với đó là đẩy mạnh phân cấp đi kèm với chế độ kiểm tra, giám sát chặt chẽ. Nghiên cứu thực hiện cơ chế, chính sách liên thông, bình đẳng, nhất quán trong hệ thống chính trị; liên thông giữa cán bộ, công chức cấp xã với cán bộ, công chức nói chung, phù hợp với Luật Công an nhân dân sửa đổi.

Phó thủ tướng nhất trí với đề xuất thành lập cơ quan liên vùng, liên huyện không phụ thuộc vào địa giới hành chính như cơ quan thuế, hải quan, thị trường, kể cả cơ quan tư pháp. Rà soát và quy định rõ thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, UBND và Chủ tịch UBND. Thường trực HĐND là một cấp cơ quan, do đó cần phải nghiên cứu, xác định rõ trong luật giao nhiệm vụ hay ủy quyền cho Thường trực HĐND; cần quy định số lượng đại biểu HĐND và cấp phó HĐND.

Về cán bộ, công chức tại các hội, Phó thủ tướng thường trực đề nghị Bộ Nội vụ rà soát, đảm bảo đồng bộ với Luật về Hội. Về xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức về hưu, Bộ Nội vụ cần nghiên cứu, luật hóa cụ thể đảm bảo tương ứng với quy định của Đảng.

Cùng với đó, việc bổ nhiệm đối với các chức danh lãnh đạo, quản lý trong doanh nghiệp, đề nghị không nên quy định trong luật mà chỉ quy định tại Quy chế làm việc của Chính phủ. Nghiên cứu chế độ chuyên gia, các chức danh thư ký, trợ lý.

Phó thủ tướng cũng yêu cầu nghiên cứu sửa đổi chế độ hợp đồng đã quy định tại Nghị định số 68/2000/NĐ-CP theo hướng sử dụng các dịch vụ sự nghiệp công để phục vụ hoạt động quản lý Nhà nước, đảm bảo không ký hợp đồng tràn lan rồi lại hủy bỏ như một số địa phương đã thực hiện gần đây, cần có lộ trình cắt giảm thận trọng, có chế độ, chính sách phù hợp để xử lý.

Về vấn đề thu hút và trọng dụng nhân tài, Phó thủ tướng yêu cầu phải xuất phát từ nhu cầu thực tế, đáp ứng yêu cầu về điều kiện tiêu chuẩn nhưng phải có sản phẩm cụ thể, bố trí đúng sở trường, năng lực, đúng vị trí công tác để tránh thui chột tài năng.

Lam Thanh

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/thoi-su-c-66/chinh-tri-c-93/nghien-cuu-luat-hoa-viec-xu-ly-can-bo-cong-chuc-ve-huu-95273.html