Nghiên cứu E-learning trong giáo dục đại học đã có hướng phát triển mới

Ngày 19/7, Trường Đại học Mở TPHCM tổ chức chương trình tọa đàm với chủ đề 'Nghiên cứu về phương thức học tập, đào tạo dựa trên công nghệ thông tin (E-learning) trong Giáo dục Đại học: Kinh nghiệm thế giới và ứng dụng tại Việt Nam' nhằm trao đổi các khái niệm cơ bản về E-learning hỗ trợ cho việc nghiên cứu chuyên sâu, góp phần phát triển đào tạo trực tuyến tại Việt Nam.

Tọa đàm có sự tham gia của lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các chuyên gia trong nước đến từ các trường đại học uy tín như ông Phan Thế Hùng đến từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tiến sĩ Trương Tiến Tùng – Hiệu trưởng Trường Đại học Mở Hà Nội, Tiến sĩ Đặng Thị Ngọc Lan – Trường Đại học Việt Đức, Tiến sĩ Nguyễn Văn Dư – Trường Đại học Kinh Tế TPHCM, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Khôi – Trường Đại học Y Dược, Tiến sĩ Phan Thị Vân Thanh – Trường Đại học Kinh tế TPHCM.

Về phía Trường ĐH Mở có PGS.TS Vũ Hữu Đức, Phó hiệu trưởng nhà trường, TS Phan Thị Ngọc Thanh, Giám đốc Trung tâm đào tạo trực tuyến; Tiến sĩ Lê Thái Thường Quân, Trưởng phòng hợp tác và Quản lý khoa học cùng các các bộ, giảng viên đang công tác tại trường.

Mở đầu tọa đàm, PGS.TS Vũ Hữu Đức, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Mở TPHCM cho rằng, hiện tại trên thế giới đang có nhiều định nghĩa về E-Learning, tuy nhiên nhìn chung, đây là một phương thức giáo dục mới, dựa trên công nghệ thông tin và truyền thông để tăng cường tiếp cận từ xa với tài nguyên, dịch vụ và quản lý của các cơ sở giáo dục, từ đó thúc đẩy tương tác và hợp tác trong học tập. (ảnh 2)

Tiếp đó, Tiến sĩ Lê Thái Thường Quân, Tiến sĩ Phan Thị Ngọc Thanh và Tiến sĩ Phan Thị Vân Thanh lần lượt trình bày về các khái niệm E-learning, sự phát triển của phương thức này trên toàn thế giới, vai trò và đảm bảo chất lượng E-learning trong Giáo dục Đại học tại Việt Nam. Đặc biệt, một trong những xu hướng hiện nay của đào tạo trực tuyến chính là MOOCs – Những khóa học trực tuyến mở cho đại chúng. Đây là những khóa học với đa số đều miễn phí, dễ dàng đăng ký học và dành cho tất cả mọi người. MOOCs được chú ý và phát triển mạnh tại các nước như Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ …

Cuộc thảo luận diễn ra sôi nổi khi các câu hỏi được đặt ra nhằm nâng cao chất lượng E-learning tại Việt Nam. Các chuyên gia đều nhấn mạnh tầm quan trọng trong việc thiết kế một chương trình học chất lượng nhằm mang đến cho sinh viên những khóa học tốt nhất.

Theo các chuyên gia, một trong những tiêu chuẩn để đảm bảo chất lượng chương trình học chính là dựa trên tiêu chí đánh giá của tổ chức Quality Matters, đây là một trong những tổ chức được các trường đại học tại Hoa kỳ và các nước Châu Âu tin cậy.

Kết thúc chương trình PGS.TS Vũ Hữu Đức ghi nhận và cám ơn sự đóng góp từ các chuyên gia và các thầy cô cũng như kỳ vọng những đóng góp này sẽ mở ra hướng phát triển mới cho đào tạo trực tuyến tại Việt Nam, vốn là xu hướng phát triển tất yếu trong thời đại công nghệ 4.0.

Box: Tọa đàm “Nghiên cứu về phương thức học tập, đào tạo dựa trên công nghệ thông tin (E-learning) trong Giáo dục Đại học: Kinh nghiệm thế giới và ứng dụng tại Việt Nam” do Trường ĐH Mở TPHCM tổ chức, đây là một trong những trường đầu tiên ứng dụng eLearning vào đạo tạo cho người học. Chương trình tọa đàm lần này nằm trong đề tài Khoa học Giáo dục Quốc gia. Bộ GD&ĐT có 50 đề tài Khoa học Giáo dục Quốc gia, nhằm phục vụ công tác đổi mới toàn diện giáo dục Việt Nam. Mục tiêu nghiên cứu này nhằm đưa ra những chính sách nhằm thúc đẩy phát triển E-learning trong giáo dục Việt Nam.

Như Quỳnh

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/giao-duc/nghien-cuu-elearning-trong-giao-duc-dai-hoc-da-co-huong-phat-trien-moi-1443728.tpo