Nghiên cứu đưa giáo viên mầm non, giáo viên thể chất vào danh mục nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm

Mới đây, Văn phòng Chính phủ đã giao Bộ Lao động Thương binh và Xã hội nghiên cứu, hướng dẫn cụ thể nhóm giáo viên mầm non, giáo viên thể chất vào danh mục nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, trên cơ sở kiến nghị của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam.

Theo quy định tại Bộ luật Lao động 2019 chính thức có hiệu lực từ 1-1-2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.

Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ. Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam và 4 tháng đối với lao động nữ.

Đối với người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 5 tuổi so với quy định tại thời điểm nghỉ hưu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Như vậy, nếu được bổ sung vào danh mục, hai nhóm lao động này có thể nghỉ hưu sớm ở tuổi 57 với nam và 55 với nữ. Đây là mong muốn từ lâu của các giáo viên mầm non và giáo viên thể chất do đặc thù nghề nghiệp nếu kéo dài thời gian làm việc sẽ không phù hợp do điều kiện sức khỏe ảnh hưởng đến chất lượng dạy học.

 Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất giáo viên mầm non vào danh mục nghề nghiệp nặng nhọc, độc hại. Nếu được thông qua, họ có thể được nghỉ hưu sớm 5 năm. Ảnh minh họa

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất giáo viên mầm non vào danh mục nghề nghiệp nặng nhọc, độc hại. Nếu được thông qua, họ có thể được nghỉ hưu sớm 5 năm. Ảnh minh họa

Nguyện vọng nghỉ hưu sớm của các nhà giáo này là hết sức chính đáng. Được biết, Công đoàn giáo dục Việt Nam đã thực hiện khảo sát cán bộ quản lý và giáo viên trực tiếp giảng dạy. Kết quả gần 10.700 ý kiến (96%) kiến nghị nữ giáo viên mầm non và 2.900 ý kiến (93%) đề nghị nữ giáo viên thể dục được nghỉ hưu ở tuổi 55.

Hiện cả nước có khoảng 3 triệu lao động làm việc trong 1.800 ngành nghề, công việc nặng nhọc. Trong đó giáo viên mầm non ở các trường vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn, đặc biệt khó khăn phải làm ngày hai buổi, thời gian làm việc trên 8g/ ngày, cơ sở vật chất cho giáo dục mầm non còn thiếu, đường xá đi lại khó khăn.

Do đặc thù dạy trẻ mầm non, các cô vừa phải nuôi, dạy, múa, hát, đọc, kể chuyện cho trẻ nên áp lực công việc nặng nề. Do đặc thù công việc nên giờ làm việc của các cô thường vượt quá quy định, 9-10 tiếng mỗi ngày, chưa kể đi sớm về khuya đón trẻ và hầu như không được tính thêm lương. Điều này dẫn đến ảnh hưởng đến sức khỏe của giáo viên và chất lượng nuôi dạy trẻ.

Bộ GD&ĐT cũng đã kiến nghị giảm độ tuổi về hưu cho giáo viên mầm non. Tuy nhiên, để thực hiện phải tuân thủ các quy định về tuổi nghỉ hưu, điều kiện hưởng lương hưu được quy định tại Bộ Luật lao động, Luật Bảo hiểm xã hội. Theo đó, việc nghỉ hưu sớm được áp dụng đối với những nghề nặng nhọc, độc hại; bên cạnh đó cũng quy định các trường hợp có thể nghỉ hưu sớm do suy giảm khả năng lao động,…

Thời gian qua, ngoài các chính sách chung đối với giáo viên các cấp học, Bộ GD&ĐT đã tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành và ban hành theo thẩm quyền một số chính sách ưu đãi đối với giáo viên cấp mầm non, trong đó có giáo viên mầm non ở các trường vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn, đặc biệt khó khăn như: mức phụ cấp ưu đãi đối với giáo viên mầm non trực tiếp giảng dạy trong các trường mầm non ở miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa áp dụng mức phụ cấp cao nhất (mức phụ cấp 50%).

Theo thống kê năm 2019 của Bộ GD&ĐT, bậc mầm non có hơn 421.000 người lao động, trong đó 322.00 giáo viên trực tiếp đứng lớp. Năm 2018, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP HCM nghiên cứu về bệnh nghề nghiệp trên 379 giáo viên mầm non, kết quả gần 34% bị khó thở đau tức ngực; 30% ho khan tiếng; gần 69% stress nghề nghiệp và 49% giảm thị lực...

Vì thế, cần có nghiên cứu sâu hơn để giáo viên, nhất là giáo viên mầm non vào danh mục công việc nặng nhọc thì sau 15 năm đứng lớp có thể được nghỉ hưu trước 5 năm so với quy định tại Nghị định 135/2020 cũng như Luật Lao Động 2019.

T.Fan

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/nghien-cuu-dua-giao-vien-mam-non-giao-vien-the-chat-vao-danh-muc-nghe-nang-nhoc-doc-hai-nguy-hiem-223364.html