Nghiên cứu di thực cây sâm Ngọc Linh, góp phần xóa đói giảm nghèo

Đó là một trong nhiều ý tưởng được đưa ra trong 'Diễn đàn phát triển dân tộc thiểu số năm 2018; sâm Ngọc Linh, tiếp cận chuỗi giá trị trong phát triển kinh tế - xã hội trong đồng bào dân tộc thiểu số', do UBND tỉnh Quảng Nam phối hợp với Ủy ban Dân tộc tổ chức vào ngày 20-8. Dự và chỉ đạo có đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu kết luận diễn đàn. Ảnh: Văn Chương

Trong buổi sáng, các phiên thảo luận của diễn đàn bao gồm phần chia sẻ kinh nghiệm trong nước và quốc tế về phát triển các chuỗi giá trị sản phẩm của đồng bào dân tộc thiểu số với sự tham gia của các chuyên gia nước ngoài.

Ông Achim Fock, quyền Giám đốc ngân hàng thế giới tại Việt Nam và bà Madhu Raghumath, Trưởng nhóm Chương trình phát triển bền vững Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam phát biểu có một điểm chung, đó là “nâng cao chuỗi giá trị, giúp đồng bào từ người làm thuê trở thành đối tác, người làm chủ, có cơ hội làm giàu”.

Trong phiên thảo luận về chuỗi giá trị sâm Ngọc Linh, những mô hình điển hình, các đại biểu đã chia sẻ về cây sâm Ngọc Linh trồng dưới tán rừng già là một trong những dược liệu quý hiếm nhất ở Việt Nam. Đây chính là loại cây trồng góp phần nâng cao chuỗi giá trị ở vùng cao.

Sâm Ngọc Linh có đặc điểm sinh trưởng phù hợp với những vùng núi có độ cao hơn 1000 mét. Việt Nam đang tiến tới mở rộng, di thực sâm Ngọc Linh ra 122 địa phương các tỉnh biên giới phía Bắc. Dự kiến, chiến lược phát triển từ nay đến năm 2030 phát triển 5 triệu cây giống/năm, đạt doanh thu từ sâm Ngọc Linh không dưới 2.000 tỷ đồng/năm.

Chị Lò Nở Mẩy, đại diện nhóm hộ sản xuất đến từ huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai bên chai sâm trị giá hơn 300 triệu đồng. Ảnh: Văn Chương

Trong hội thảo có nhiều ý kiến nâng cấp việc trồng sâm Ngọc Linh dưới hình thức từng hộ đơn lẻ thành hợp tác xã để có thể tiến tới hình thành ngành công nghiệp sâm như Hàn Quốc, Mỹ. Việt Nam hiện nay là 1 trong 5 nước trên thế giới đóng góp cho thị trường loại sâm có chất lượng cao, nhưng 4 nước đã có ngành công nghiệp sâm, còn Việt Nam vẫn chưa hình thành.

Việt Nam nên tranh thủ đăng ký chỉ dẫn địa lý tại 5 thị trường quốc tế, tránh để lặp lại vụ việc như nước mắm Phú Quốc bị doanh nghiệp Thái Lan đăng ký chỉ dẫn địa lý trước khi hàng Việt Nam có mặt tại nước ngoài. Bên cạnh đó, việc trồng sâm ra vùng giáp biên là mô hình học tập của Ixarel, hợp tác xã chính là những cơ sở tham gia bảo vệ biên giới gắn với bảo vệ tài sản trên đất canh tác.

Đồng chí Đỗ Văn Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc phát biểu trăn trở trước những ý kiến nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm, giúp đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo: “Việt Nam có 53 dân tộc thiểu số, gần 14 triệu người, chiếm 13,6% dân số cả nước. Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã dành nhiều sự quan tâm đặc biệt nên vùng cao đã đạt được những kết quả quan trọng. Tuy nhiên miền núi hiện nay vẫn là vùng lõi nghèo của cả nước”.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu kết luận, trong đó nhấn mạnh việc thúc đẩy nghiên cứu di thực cây sâm Ngọc Linh, góp phần xóa đói giảm nghèo, làm giàu cho dân tộc thiểu số. Phó Thủ tướng cũng lưu ý, Việt Nam có thế mạnh về cây dược liệu và các địa phương khác cần tích cực nghiên cứu, đầu tư để tạo ra chuỗi giá trị cao.

Văn Chương

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/nghien-cuu-di-thuc-cay-sam-ngoc-linh-gop-phan-xoa-doi-giam-ngheo/