Nghiên cứu, đề xuất cơ chế liên quan đến tiền kỹ thuật số quốc gia

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành Quyết định số 1887/QĐ-NHNN phê duyệt 'Kế hoạch của ngành Ngân hàng triển khai Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 theo Quyết định số 411/QĐ-TTg ngày 31/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ giai đoạn 2022 - 2025' (Kế hoạch).

Theo đó, mục đích của Kế hoạch là tổ chức triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ của ngành Ngân hàng được giao tại Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 theo Quyết định số 411/QĐ-TTg trong giai đoạn 2022-2025;

Kế hoạch yêu cầu xác định đầy đủ, cụ thể các nhiệm vụ của NHNN, của ngành Ngân hàng cần triển khai theo Quyết định 411/QĐ-TTg. Các nhiệm vụ có lộ trình thực hiện bảo đảm tính khả thi, trách nhiệm thực hiện của đơn vị thuộc NHNN và ngành Ngân hàng, đảm bảo triển khai kịp thời, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, thông tin báo cáo thông suốt, giám sát, theo dõi sát tiến độ hoàn thành nhiệm vụ. Đồng thời, đề ra các nhiệm vụ và phân công cụ thể cho các đơn vị trong toàn Ngành thực hiện.

Về phát triển thanh toán số theo hướng phổ cập tài chính toàn diện, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt (KDTM): Tổ chức triển khai Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 ban hành tại Quyết định 1309/QĐ-NHNN;

Tổ chức triển khai Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định 1813/QĐ-TTg ngày 28/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển thanh toán KDTM tại Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025 ban hành tại Quyết định 2006/QĐ-NHNN;

Xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định của Chính phủ về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng;

Rà soát, sửa đổi quy định, chính sách về tài chính, phí, lệ phí theo hướng loại bỏ các rào cần thanh toán không sử dụng tiền mặt, từ đó, khuyến khích người dân thực hiện các giao dịch không sử dụng tiền mặt.

Liên quan đến việc phát triển các hệ thống thanh toán:

Thứ nhất, nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng quốc gia, hướng tới vận hành theo các nguyên tắc, tiêu chuẩn quốc tế, tăng cường khả năng kết nối, tích hợp và thực hiện thanh, quyết toán cho các hệ thống khác. Nghiên cứu, áp dụng chuẩn tin điện tài chính quốc tế ISO 20022 vào các hệ thống thanh toán quan trọng trước năm 2025, nhằm đảm bảo sự tương thích, khả năng hoạt động liên thông giữa các hệ thống thanh toán, mở rộng các dịch vụ gia tăng và sẵn sàng kết nối với các hệ thống thanh toán xuyên biên giới;

Thứ hai, mở rộng và phát triển hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử, mở rộng hệ sinh thái thanh toán số, đảm bảo khả năng kết nối, tích hợp với các ngành, lĩnh vực khác để phục vụ thanh toán trực tuyến; mở rộng kết nối với hệ thống chuyển mạch tài chính, bù trừ điện tử của các quốc gia khác.

Nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách các vấn đề liên quan đến tiền kỹ thuật số quốc gia.

Về hoàn thiện thể chế: Rà soát xây dựng, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách, pháp luật trong ngành Ngân hàng phù hợp với yêu cầu của phát triển kinh tế số, xã hội số; chú trọng xây dựng các chính sách để nâng tỷ lệ hoạt động trực tuyến chiếm tối thiểu 50% các hoạt động của ngành Ngân hàng; triển khai các nhiệm vụ thuộc nhóm nhiệm vụ “Xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý tạo thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số trong ngành Ngân hàng” thuộc Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm ban hành tại Quyết định 810/QĐ-NHNN.

Xây dựng, ban hành, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật ngành Ngân hàng phục vụ phát triển kinh tế số và xã hội số, đặc biệt là tiêu chuẩn kỹ thuật về chất lượng dịch vụ số trong ngành ngân hàng.

Về phát triển, sử dụng nền tảng số: Xây dựng, tổ chức triển khai kế hoạch của ngành Ngân hàng thúc đẩy sử dụng các nền tảng số quốc gia. Xác định các nền tảng số của ngành Ngân hàng và xây dựng kế hoạch cụ thể để phát triển và thúc đẩy sử dụng các nền tảng số của ngành Ngân hàng.

Về phát triển dữ liệu số: Tiếp tục hoàn thiện nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp của Ngân hàng Nhà nước (Hệ thống báo cáo và kho dữ liệu của NHNN) nhằm lưu trữ tập trung, tổng hợp, phân tích, xử lý dữ liệu về phát triển kinh tế - xã hội từ các nguồn khác nhau; kết nối liên thông, mở chia sẻ dữ liệu, từ đó tạo ra thông tin mới, dịch vụ dữ liệu mới phục vụ Chính phủ số. Đẩy mạnh công tác số hóa, xây dựng cơ sở dữ liệu để phục vụ hoạt động quản lý, điều hành tiền tệ - ngân hàng của NHNN.

Về đảm bảo an toàn thông tin và an ninh mạng: Đảm yêu cầu an toàn thông tin mạng mặc định ngay từ khâu thiết kế, xây dựng khi phát triển các hạ tầng số, nền tảng số Phát triển nền tảng và tổ chức triển khai dịch vụ an toàn thông tin mạng theo mô hình bảo vệ 04 lớp.

Về phát triển kỹ năng số, công dân số, văn hóa số: Tổ chức triển khai Kế hoạch của ngành Ngân hàng triển khai Đề án “Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” ban hành tại Quyết định 1033/QĐ NHNN.

Về phát triển doanh nghiệp số: Xây dựng và ban hành Chương trình xác định Chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số doanh nghiệp và Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số của ngành Ngân hàng để triển khai Quyết định số 1970/QĐ-BTTTT ngày 13/12/2021 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông phê duyệt Đề án xác định Chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số doanh nghiệp và hỗ trợ thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi số. Sử dụng Bộ chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số doanh nghiệp để làm thước đo chuyển đổi số của các tổ chức tín dụng. Định kỳ tổ chức khảo sát đánh giá mức độ chuyển đổi số của các tổ chức tín dụng.

Kế hoạch cũng đã đề ra các nhiệm vụ, giải pháp về hợp tác với các doanh nghiệp nền tảng số trong việc nghiên cứu, phát triển các nền tảng số xuất sắc, chất lượng cao; Triển khai các chương trình truyền thông, giáo dục tài chính nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng cho người dân trong sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính - ngân hàng trên nền tảng số; Hợp tác quốc tế về phát triển kinh tế số, xã hội số…

Nhuệ Mẫn

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/nghien-cuu-de-xuat-co-che-lien-quan-den-tien-ky-thuat-so-quoc-gia-post309742.html