Nghiên cứu để khởi nghiệp, tại sao không?

Dù chỉ đang học năm thứ hai (khoa Công nghệ thực phẩm, trường ĐH Công Nghiệp TP. HCM) nhưng Lê Minh Thư đã là 'chủ xị' một nhóm chuyên thực hiện các dự án nghiên cứu, chuyên giao công thức sản phẩm cho nhiều doanh nghiệp ngành thực phẩm. Cô cũng năng động tham gia nhiều hoạt động nghiên cứu khoa học và ấp ủ dự định khởi nghiệp.

Mê nghiên cứu từ khi vào giảng đường

Trước khi tham gia các nhóm nghiên cứu chuyển giao công thức sản phẩm cho doanh nghiệp, Thư từng đi làm thêm ở siêu thị nhưng phải nghỉ sau đó vì sức khỏe không cho phép. Thấy thầy giáo trong khoa đăng tuyển thông tin cần sinh viên phụ giúp trong các dự án làm cho doanh nghiệp, Thư đánh liều đăng ký thử. “Ban đầu, mình chỉ nghĩ làm để học hỏi thêm và xem thử ngành học của mình sau này ứng dụng thực tế thế nào, không ngờ càng tham gia các dự án do doanh nghiệp đặt hàng mình lại càng mê hơn”.

Thư trong phòng nghiên cứu của trường ĐH Công nghiệp TP. HCM. (Ảnh: NVCC)

Thư trong phòng nghiên cứu của trường ĐH Công nghiệp TP. HCM. (Ảnh: NVCC)

Thư đã lập một nhóm riêng khoảng 10 bạn sinh viên yêu thích công nghệ thực phẩm để chuyên nhận các dự án doanh nghiệp đặt hàng nghiên cứu tìm công thức sản phẩm. Nhóm của Thư đa phần là các bạn sinh viên năm thứ nhất và năm thứ hai nhưng cũng có các anh chị là sinh viên năm thứ ba.

Trung bình, mỗi một dự án hoàn thành và chuyển giao công thức “suôn sẻ” cho doanh nghiệp, nhóm Thư cũng bỏ túi được 5 - 10 triệu đồng. “Số tiền cho mỗi dự án nghiên cứu tuy không nhiều nhưng là động lực rất quan trọng để nhóm tụi mình tiếp tục cố gắng. Ở các dự án đầu tiên, do còn bỡ ngỡ, mình cũng nản, dần dần mọi thứ suôn sẻ hơn. Có những dự án mình phải đi tỉnh để chuyển giao hoặc chỉnh sửa theo yêu cầu của khách hàng tới chục lần”, Thư chia sẻ.

“Cho đến nay, tụi mình thực hiện cỡ khoảng mười mấy dự án cho cả khách hàng lẻ lẫn doanh nghiệp. Công ty Kinh doanh Đầu tư Phát triển công nghệ Nam Việt là đơn vị hay đặt hàng tụi mình”, Thư cho biết thêm.

Thư (giữa) và một số thành viên trong nhóm nghiên cứu. (Ảnh: NVCC)

Dự án gây ấn tượng nhiều nhất với Thư và các bạn trong nhóm là dự án sản xuất trà và các sản phẩm từ Atiso đỏ. “Trong "Ngày hội sinh viên 2019", diễn ra tại trường, tụi mình mang sản phẩm thử nghiệm đi triển lãm, không ngờ thu hút được sự quan tâm của một doanh nghiệp. Tuy nhiên, do sau này hợp tác chưa thành công (doanh nghiệp chuyển hướng sản phẩm) nên hiện tại, mình vẫn giữ công thức cho đến khi có đơn vị thích hợp sẽ chuyển giao”, Thư nói.

Thư cũng đang tự mình phát triển các sản phẩm từ nấm Vân Chi mà cô ấp ủ sẽ theo đuổi để khởi nghiệp. “Dự án chủ yếu do cá nhân mình phát triển. Đến nay, cũng được 4 tháng rồi. Dự án sẽ phát triển các sản phẩm từ nấm Vân Chi ra các dạng như: Nước uống, cao, bột… Các sản phẩm thử nghiệm hiện mình cũng làm xong. Mình đang nhờ thầy cô góp ý thêm để sản phẩm hoàn thiện và sớm ra mắt thị trường”.

Có thời gian rảnh, Thư lại dành cho việc nghiên cứu các dự án theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp. (Ảnh: NVCC)

Thích khám phá những cái mới lạ

Thư và nhóm 7 bạn sinh viên trong trường cũng đang thực hiện dự ánNghiên cứu chế biến nước đóng chai từ trái muồng ngủ”. Dự án nghiên cứu dưới sự hướng dẫn của Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Thuần, viện Sinh học và Thực phẩm.

Sản phẩm từ Atiso đỏ do nhóm Thư nghiên cứu. (Ảnh: NVCC)

Thư cho biết: “Hiện nay, các nhà khoa học trong nước chỉ mới tập trung nghiên cứu quả muồng ngủ trong lĩnh vực y dược. Họ dùng hạt muồng ngủ để hỗ trợ điều trị một số bệnh, như giúp nhuận tràng, thanh nhiệt, mắt sáng, lợi tiểu, an thần, điều hòa huyết áp... Cây muồng ngủ còn được nghiên cứu để ứng dụng trong việc tạo cảnh quan bóng mát cho đô thị và công viên. Tuy nhiên, đến nay, vẫn chưa có ai nghiên cứu ứng dụng vào việc chế biến thực phẩm. Còn trên thế giới, các công trình nghiên cứu về dược tính của quả muồng ngủ tập trung xác định thành phần các chất từ dịch chiết của trái muồng ngủ, khả năng chống oxi hóa và một số nghiên cứu qua việc xác định độ ẩm, dầu, protein thô... nhưng cũng mới chỉ ở quy mô thực nghiệm và chưa có ứng dụng đại trà trong đời sống. Tụi mình cũng hy vọng, đây là một dự án sẽ hấp dẫn nhà đầu tư để tạo ra những sản phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, dựa trên những nghiên cứu về các thành phần có trong quả, nhằm làm phong phú thêm mặt hàng sản phẩm, phục vụ nhu cầu thị trường và nâng cao giá trị của quả muồng ngủ”.

Thư và nhóm của mình cũng hay tham gia các triển lãm do nhà trường tổ chức. (Ảnh: NVCC)

Thư và nhóm 7 bạn sinh viên bắt tay vào nghiên cứu dự án, với dự trù thời gian trong vòng 12 tháng. “Hiện nay, mới chỉ qua 6 tháng nhưng tụi mình đã hoàn thành được 90% công việc của dự án. Dự kiến cuối tháng Bảy này, sẽ báo cáo trước hội đồng của nhà trường. Mình cũng hy vọng sẽ có nhà đầu tư tìm đến để hợp tác đưa sản phẩm ra thị trường”, Thư chia sẻ.

“Nghiên cứu chế biến thực phẩm có nguồn gốc tự nhiên tốt cho sức khỏe không sử dụng phẩm màu, hóa chất và chất bảo quản là xu hướng hiện nay. Trong đó, nguyên liệu quả muồng ngủ có chứa những thành phần có lợi cho sức khỏe, như polyphenol, flavonoids, triterpenoids, polysaccharide... Nguyên liệu này có nhiều ở trong nước mà chưa ai nghiên cứu chế biến tạo ra sản phẩm bán trên thị trường. Nên mình hy vọng, đây sẽ là đề tài mới có nhiều triển vọng”, Thư cho biết.

Hà Chi

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/svvn-song-tre/nghien-cuu-de-khoi-nghiep-tai-sao-khong-1665189.tpo