Nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến đầu tư công trong lĩnh vực giao thông đường bộ trên địa bàn Thành phố Hà Nội

PHẠM HÀ PHƯƠNG - LÊ TRỌNG NGHĨA (Trường Đại học Thương mại)

TÓM TẮT:

Nghiên cứu sử dụng các phương pháp như phân tích EFA, CFA, SEM, kết quả cho thấy yếu tố ảnh hưởng đến đầu tư công trong lĩnh vực giao thông đường bộ trên địa bàn Thành phố Hà Nội gồm: các điều kiện tự nhiên, chính trị, hệ thống pháp luật và chính sách, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, mô hình tổ chức bộ máy quản lý và năng lực điều hành của chính quyền địa phương, hội nhập quốc tế và khu vực tác động đến đầu tư công trong lĩnh vực giao thông đường bộ.

Từ khóa: đầu tư công, giao thông đường bộ, Thành phố Hà Nội.

1. Đặt vấn đề

Hà Nội là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học và là đầu mối giao thông quan trọng của nước ta. Với những đặc điểm và lợi thế về điều kiện tự nhiên cũng như kinh tế - xã hội, Thành phố Hà Nội đã trở thành đầu mối của các dòng vận tải với mọi loại hình giao thông của Thủ đô cũng như kết nối với các tỉnh thành trong cả nước là: Hàng không, đường sắt, đường thủy, đường bộ. Trong hệ thống kết cấu hệ thống kinh tế - xã hội, hạ tầng giao thông đường bộ là bộ phận cấu thành cơ bản và quan trọng nhất. Thời gian qua, nhiều công trình hạ tầng giao thông đường bộ của Thành phố đã được đầu tư hoàn thành, giúp giảm tải áp lực, tăng cường kết nối giao thông giữa Thủ đô với các tỉnh, Thành phố, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc đầu tư công trong lĩnh vực giao thông trên địa bàn từ việc xây dựng kế hoạch đầu tư kết cấu hạ tầng đến tổ chức bộ máy quản lý để thực hiện cũng như kiểm tra giám sát đầu tư công trong lĩnh vực giao thông đặc biệt là giao thông đường bộ trên địa bàn Thành phố Hà Nội còn nhiều bất cập.

Một mặt, về phía vĩ mô, hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách còn chồng chéo thiếu đồng bộ. Mặt khác, trong quá trình triển khai thực hiện đang bộc lộ những bất cập về cơ chế phối hợp trong xây dựng quy hoạch, kế hoạch, quản lý, giám sát, phân bổ nguồn lực… dẫn đến những sai sót, lãng phí, thất thoát, kể cả lợi dụng bất cập trong quản lý để trục lợi cá nhân… làm suy giảm các công trình, dự án, làm giảm hiệu quả đầu tư công về đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn Thành phố. Vì thế, việc nghiên cứu và kiểm định mức độ ảnh hưởng của các yếu tố như: hệ thống pháp luật và chính sách; chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, mô hình tổ chức bộ máy quản lý và năng lực điều hành… đến đầu tư công trong lĩnh vực giao thông đường bộ trên địa bàn thành phố Hà Nội sẽ phần nào giúp cho việc nhận diện mức độ ảnh hưởng của các yếu tố này đến đầu tư công trong lĩnh vực giao thông đường bộ trên địa bàn Thành phố, từ đó giúp hàm ý một số chính sách nhằm quản lý tốt hơn.

2. Cơ sở lý thuyết và mô hình nghiên cứu 2.1. Cơ sở lý thuyết

- Khái niệm và thang đo đầu tư công trong lĩnh vực giao thông đường bộ

Hoàng Cao Liêm (2018), cho rằng: Đầu tư công trong lĩnh vực giao thông đường bộ là hoạt động đầu tư của nhà nước vào các dự án, công trình xây dựng giao thông đường bộ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Được phát triển trên cơ sở thang đo của các tác giả: Anand Rajaram và các cộng sự (2010), Hoàng Cao Liêm (2018), thang đo - DTC này gồm 6 biến quan sát: DTC1- Đầu tư công trong lĩnh vực giao thông đường bộ qua nhiều công đoạn (khảo sát, thiết kế, thiết kế, lập dự án,…); DTC2 - Xây dựng quy hoạch đầu tư công trong lĩnh vực giao thông đường bộ đúng đắn; DTC3 - Xây dựng kế hoạch đầu tư công trong lĩnh vực giao thông đường bộ đúng đắn; DTC4 - Chính sách huy động vốn đầu tư công trong lĩnh vực giao thông đường bộ hợp lý; DTC5 - Quản lý chặt chẽ nguồn vốn đầu tư công trong lĩnh vực giao thông đường bộ; DTC6 - Bố trí và sử dụng vốn đầu tư công trong lĩnh vực giao thông đường bộ đúng mục đích, tiến độ.

- Khái niệm và thang đo các điều kiện tự nhiên, chính trị

Bernald Myers, Thomas Laursen (2009) nhận định: Các điều kiện tự nhiên là điều kiện về địa lý, khí hậu, tài nguyên thiên nhiên của địa phương; Bên cạnh đó chính trị ổn định tạo điều kiện quan trọng cho đầu tư công trong lĩnh vực giao thông đường bộ của địa phương.

Thang đo các điều kiện tự nhiên, chính trị được phát triển của các tác giả Bernald Myers, Thomas Laursen (2009), Hoàng Cao Liêm (2018). Thang đo này gồm 5 biến quan sát: DK1 - Địa lý ảnh hưởng đến đầu tư công trong lĩnh vực giao thông đường bộ; DK2 - Địa hình ảnh hưởng đến đầu tư công trong lĩnh vực giao thông đường bộ; DK3 - Khí hậu tác động đến quá trình đầu tư công trong lĩnh vực giao thông đường bộ; DK4 - Tài nguyên thiên nhiên đều tác động đến quá trình đầu tư công trong lĩnh vực giao thông đường bộ; DK5 - Chính trị ổn định, an toàn tạo tiền đề thuận lợi cho đầu tư công trong lĩnh vực giao thông đường bộ.

- Khái niệm và thang đo hệ thống pháp luật và chính sách

Hoàng Cao Liêm (2018) cho rằng: Các văn bản pháp luật và chính sách quản lý chính là khung thể chế cho hoạt động đầu tư công trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Nó tạo điều kiện cho các chủ thể quản lý địa phương cũng như đối tượng quản lý chủ động thực hiện quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ của mình về hoạt đồng đầu tư công trong lĩnh vực giao thông đường bộ.

Thang đo hệ thống pháp luật và chính sách phát triển của các tác giả Anand Rajaram và các cộng sự (2010), Hoàng Cao Liêm (2018). Với 5 biến quan sát, gồm: HT1 - Các văn bản pháp luật là khung thể chế cho hoạt động đầu tư công trong lĩnh vực giao thông đường bộ; HT2 - Các chính sách quản lý chính là khung thể chế cho hoạt động đầu tư công trong lĩnh vực giao thông đường bộ; HT3 - Hệ thống văn bản pháp luật đồng bộ tạo điều kiện cho quá trình đầu tư công trong lĩnh vực giao thông đường bộ được thuận lợi và mang lại kết quả tốt; HT4 - Hệ thống văn bản pháp luật đầy đủ, hoàn chỉnh tạo điều kiện cho quá trình đầu tư công trong lĩnh vực giao thông đường bộ được thuận lợi và mang lại kết quả tốt; HT5 - Hệ thống văn bản pháp luật đồng bộ tạo điều kiện cho quá trình đầu tư công trong lĩnh vực giao thông đường bộ được thuận lợi và mang lại kết quả tốt.

- Khái niệm và thang đo chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương

Bernald Myers, Thomas Laursen (2009) nhận định: Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương là các mục tiêu về quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Quy hoạch, kế hoạch như là những bản đồ để định hướng, chỉ ra các bước đi sao cho ngắn nhất, tốn ít chi phí nhất và đem lại hiệu quả đầu tư cao nhất.

Thang đo chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương của các tác giả Bernald Myers, Thomas Laursen (2009), Hoàng Cao Liêm (2018) với 4 biến quan sát, gồm: CL1 - Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương tác động đến phạm vi của đầu tư công trong lĩnh vực giao thông đường bộ; CL2 - Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương tác động đến nội dung của đầu tư công trong lĩnh vực giao thông đường bộ; CL3 - Các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương quyết định sự thành công của quá trình đầu tư công trong lĩnh vực giao thông đường bộ; CL4 - Các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương vì đây là yếu tố quyết định sự thành công của hoạt động đầu tư công trong lĩnh vực giao thông đường.

- Khái niệm và thang đo mô hình tổ chức bộ máy quản lý và năng lực điều hành của chính quyền

Hoàng Cao Liêm (2018) cho rằng: Mỗi cơ chế quản lý, vận hành của một hệ thống chỉ có thể tồn tại gắn kết với cơ cấu nhất định của hệ thống đó. Vì vậy, mô hình tổ chức bộ máy quản lý đầu tư công sẽ ảnh hưởng và chi phối trực tiếp đến hoạt động của lĩnh vực giao thông đường bộ. Bên cạnh đó, nếu đội ngũ các nhà quản lý đầu tư giỏi, trình độ chuyên môn cao, có trách nhiệm sẽ là những tiền đề đem lại hiệu quả cao trong các hoạt động quản lý.

Thang đo mô hình tổ chức bộ máy quản lý và năng lực điều hành của chính quyền của các tác giả Anand Rajaram và các cộng sự (2010), Hoàng Cao Liêm (2018) với 5 biến quan sát: MH1-Cơ chế quản lý, vận hành của tổ chức bộ máy chính quyền địa phương tác động trực tiếp hoạt động đầu tư công trong lĩnh vực giao thông đường bộ; MH2 - Liên kết giữa các cơ quan điều hành với chức năng nhiệm vụ cụ thể chi phối trực tiếp hoạt động đầu tư công trong lĩnh vực giao thông đường bộ; MH3 - Tổ chức quản lý chặt chẽ tạo điều kiện cho quá trình đầu tư công trong lĩnh vực giao thông đường bộ được thuận lợi và mang lại kết quả tốt; MH4 - Tổ chức quản lý khoa học tạo điều kiện cho quá trình đầu tư công trong lĩnh vực giao thông đường bộ được thuận lợi và mang lại kết quả tốt; MH5 - Đội ngũ các nhà quản lý đầu tư giỏi, trình độ chuyên môn cao tạo tiền đề cho quá trình đầu tư công trong lĩnh vực giao thông đường bộ có kết quả tốt.

- Khái niệm và thang đo hội nhập quốc tế và khu vực

Hoàng Cao Liêm (2018) nhận định: Hội nhập quốc tế là xu hướng phát triển tất yếu trong bối cảnh toàn cầu hóa, khu vực hóa diễn ra nhanh chóng. Khi tham gia vào các tổ chức quốc tế toàn cầu và khu vực cũng như khi mở rộng quan hệ song phương và đa phương có thể tranh thủ được nguồn vốn, khoa học và công nghệ, cũng như khả năng tổ chức quản lý theo các tiêu chuẩn ISO.

Thang đo hội nhập quốc tế và khu vực của các tác giả Bernald Myers, Thomas Laursen (2009), Hoàng Cao Liêm (2018) với 6 biến quan sát: HN1 - Chủ động trong quan hệ kinh tế quốc tế vấn đề tạo môi trường đầu tư trong lĩnh vực giao thông đường bộ; HN2 - Tích cực trong quan hệ kinh tế quốc tế vấn đề tạo môi trường đầu tư trong lĩnh vực giao thông đường bộ; HN3 - Hoạch định chính sách thu hút đầu tư quốc tế và khu vực tạo điều kiện cho quá trình đầu tư công trong lĩnh vực giao thông đường bộ; HN4 - Mở cửa thị trường thu hút vốn quốc tế và khu vực cho quá trình đầu tư công trong lĩnh vực giao thông đường bộ; HN5 - Huy động vốn quốc tế và khu vực tạo điều kiện cho quá trình đầu tư công trong lĩnh vực giao thông đường bộ; HN6 - Sử dụng vốn quốc tế và khu vực tốt tạo tiền đề cho quá trình đầu tư công trong lĩnh vực giao thông đường bộ được hiệu quả.

2.2. Mô hình nghiên cứu

Thông qua nghiên cứu của các tác giả: Bernald Myers, Thomas Laursen (2009), Anand Rajaram và các cộng sự (2010), Hoàng Cao Liêm (2018) nghiên cứu đề xuất các giả thuyết: Các điều kiện tự nhiên, chính trị; hệ thống pháp luật và chính sách; chiến lược phát triển kinh tế - xã hội; mô hình tổ chức bộ máy quản lý và năng lực điều hành của chính quyền địa phương; hội nhập quốc tế và khu vực tác động thuận chiều đến đầu tư công trong lĩnh vực giao thông đường bộ trên địa bàn Thành phố Hà Nội. Như vậy, mô hình nghiên cứu với 5 biến độc lập, 1 biến phụ thuộc.

3. Phương pháp nghiên cứu

Nghiên cứu được thực hiện thông qua 2 bước định tính và định lượng với 2 nhóm đối tượng khảo sát khác nhau. Đối tượng khảo sát của nghiên cứu định lượng là các nhà quản lý trong lĩnh vực đầu tư công trong lĩnh vực giao thông đường bộ trên địa bàn Hà Nội. Nghiên cứu định tính thông qua phỏng vấn chuyên sâu 10 chuyên gia có am hiểu về đầu tư công trong lĩnh vực giao thông đường bộ trên địa bàn Hà Nội nhằm bổ sung và điều chỉnh các biến quan sát.

Nghiên cứu định lượng tiến hành kích thước mẫu là 385 phiếu khảo sát phát ra các nhà quản lý trong lĩnh vực đầu tư công trong lĩnh vực giao thông đường bộ tại Hà Nội và thu về được 350 phiếu hợp lệ đạt tỷ lệ 90,91%. Sử dụng phân tích nhân tố EFA, CFA, phân tích SEM.

4. Kết quả nghiên cứu 4.1. Đặc điểm của mẫu nghiên cứu

Kết quả phân tích thống kê chỉ ra rằng có 83,14% nhà quản lý trả lời là Nam và 16,86% nhà quản lý trả lời là Nữ; Về độ tuổi, nhà quản lý chủ yếu là từ 45 - 50 tuổi có 60,29%; Về trình độ chủ yếu là đại học và trên đại học là 83,14%. Như vậy, phần lớn các nhà quản lý đều có trình độ để am hiểu sâu trong quản lý lĩnh vực đầu tư công trong lĩnh vực giao thông đường bộ trên địa bàn Hà Nội.

4.2. Kiểm định độ tin cậy của thang đo

Biến tổng. Cho thấy 6 thang đo đều thỏa mãn yêu cầu đề ra (Bảng 1). Chỉ có thang đo DTC (loại DTC4), DK (DK3) và HN (HN2) là bị loại. (Bảng 1)

Bảng 1. Tổng hợp thống kê độ tin cậy và tương quan

biến tổng nhỏ nhất

Nguồn: Tổng hợp từ kết quả phân tích SPSS 21

4.3. Phân tích nhân tố khám phá EFA

Kiểm định KMO and Bartlett's Test cho thấy hệ số KMO = 0.860> 0.5, mức ý nghĩa sig = 0.000 < 0.05. Dữ liệu phù hợp phân tích nhân tố EFA, mức ý nghĩa sig <0.05 nên có thể nhận định rằng các biến quan sát có tương quan với nhau. Các nhân tố đề xuất giải thích được 57,015% các biến với điểm dừng phương pháp được sử dụng với Eigenvalues đạt 3,113.

Qua lần chạy hồi quy đầu tiên, tổng cộng có 23 quan sát được chấp nhận và loại bỏ đi 5 biến quan sát gồm: DTC6, HT5, HN1, HN3, DK2. Chạy EFA thu được 6 nhân tố (factor), như: MH( MH5, MH1, MH4, MH2, MH3); DTC (DTC2, DTC3, DTC5, DTC1); HT (HT3, HT2, HT1, HT4); CL (CL3, CL2, CL1, CL4); DK (DK4, DK5, DK1); HN (HN5, HN6, HN4).

4.4. Kết quả phân tích nhân tố khẳng định CFA

Kết quả phân tích CFA lần thứ nhất cho thấy các chỉ số GFI, CFI, RMSEA thỏa mãn điều kiện đặt ra nên nối các e trong mô hình. Kết quả CFA lần cuối của mô hình có 217 bậc tự do. Giá trị của các chỉ số Chi-bình phương = 534.346 với giá trị p=.000. Các chỉ tiêu khác: Chi-bình phương/df = 2.485, GFI, TLI, CFI đều cao hơn 0,9 (Bentler & Bonett, 1980), RMSEA = 0,053< 0,08 (Steiger, 1998), điều này có thể suy ra mô hình được xem là phù hợp với dữ liệu thị trường.

4.5. Kết quả kiểm định giả thuyết nghiên cứu

Kết quả SEM về trọng số hồi quy cho các yếu tố MH, HT, CL, DK đều có ý nghĩa thống kê 5%. Như vậy, bốn nhân tố đều có tác động đến đầu tư công trong lĩnh vực giao thông đường bộ tại Hà Nội là các điều kiện tự nhiên, chính trị; hệ thống pháp luật và chính sách; chiến lược phát triển kinh tế - xã hội; mô hình tổ chức bộ máy quản lý và năng lực điều hành của chính quyền địa phương. Như vậy, có 4/5 giả thuyết đặt ra được chấp nhận.

5. Thảo luận kết quả nghiên cứu

Từ kết quả nghiên cứu cho thấy, đầu tư công trong lĩnh vực giao thông đường bộ tại Hà Nội ảnh hưởng bởi các yếu tố sau:

Thứ nhất, mô hình tổ chức bộ máy quản lý và năng lực điều hành của chính quyền có tác động mạnh nhất (0,530) trong phương trình hồi quy. Thực tế cho thấy, quá trình điều hành thực hiện hoạt động đầu tư công trong lĩnh vực giao thông đường bộ cần có sự kiên quyết, dứt khoát để chống thất thoát, lãng phí đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng. Sự vận hành của mô hình tổ chức bộ máy mặc dù được phân công, phân cấp hướng đến sự phối hợp nhịp nhàng từ trên xuống và phối hợp lẫn nhau. Tuy nhiên, chủ thể của bộ máy là con người, do đó trong quá trình vận hành còn phụ thuộc vào yếu tố chủ quan. Nếu đội ngũ các nhà quản lý đầu tư giỏi, trình độ chuyên môn cao, người lao động trực tiếp lành nghề, có phong cách làm việc tốt, có trách nhiệm sẽ là những tiền đề đem lại hiệu quả cao trong các hoạt động quản lý.

Thứ hai, hệ thống pháp luật và chính sách. Đây là yếu tố tác động thứ hai (0,425). Với hệ thống văn bản pháp luật đồng bộ, đầy đủ, hoàn chỉnh và không chồng chéo sẽ tạo điều kiện cho công tác quản lý đầu tư được thuận lợi và mang lại kết quả tốt. Ngoài ra, nó còn có tác dụng hạn chế, kiểm soát, phòng, chống thất thoát, lãng phí vốn đầu tư tại các dự án giao thông đường bộ, đảm bảo sử dụng vốn đầu tư ngày càng phù hợp với cơ chế thị trường và thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, nhiều văn bản pháp luật của nhà nước đối với hoạt động đầu tư công trong lĩnh vực giao thông đường bộ còn nhiều bất cập. Một mặt lạc hậu so với yêu cầu phát triển nhanh của thực tiễn. Mặt khác còn chồng chéo giữa nhiều văn bản do cơ quan quản lý cấp bộ như Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính,... làm cho cơ quan quản lý cấp dưới lúng túng khi thực hiện các quyết định quản lý.

Thứ ba, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội là yếu tố tác động thứ ba (0,317). Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội luôn phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội cho mỗi địa phương nói chung, cho sự phát triển của ngành Giao thông đường bộ nói riêng. Chính vì vậy, quá trình quản lý đầu tư công trong lĩnh vực giao thông đường bộ phải đáp ứng, theo sát các mục tiêu của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương cả về phạm vi, nội dung đầu tư nhằm đạt được các mục tiêu của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội phải có những “tầm nhìn” dài hạn, phải có những “cải cách” phù hợp để quản lý đầu tư công trong lĩnh vực giao thông đường bộ hiệu quả.

Thứ tư, các điều kiện tự nhiên, chính trị là yếu tố tác động yếu nhất (0,294). Tại những nơi có địa hình, địa chất thuận lợi, tài nguyên phong phú, dồi dào nhất là nguồn vật liệu xây dựng thì đây cũng là những tiền đề để thực hiện các dự án đầu tư công trong lĩnh vực giao thông đường bộ với tiến độ nhanh nhất. Tuy nhiên, khi một sự cố kỹ thuật thuộc điều kiện tự nhiên như kết cấu địa chất phức tạp phải xử lý ngoài dự báo làm tăng chi phí; điều kiện thời tiết thi công gặp thời kỳ mưa lũ kéo dài không thể thực hiện;... từ đó đặt ra vấn đề đảm bảo tiến độ, chất lượng công trình.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

Hoàng Cao Liêm (2018), Quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ từ ngân sách nhà nước tại Tỉnh Hà Nam, Luận án tiến sĩ Quản lý Kinh tế, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.
Nguyễn Tuấn Anh (2020), Nghiên cứu các yếu tố thành công then chốt đối với dự án xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ theo hình thức BOT ở Việt Nam, Luận án tiến sĩ Quản lý Kinh tế, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.
Nguyễn Thu Thủy (2017), Quản lý nhà nước đối với hình thức đối tác công tư trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ ở Việt Nam, Luận án tiến sĩ Quản lý công, Học viện Hành chính Quốc gia, Hà Nội.
Anand Rajaram và các cộng sự. (2010). Diagnostic Framework for Assessing Public Investment Management. Policy Research Working Papers.
Bernald Myers, Thomas Laursen. (2009). Public investment management in the new EU member states: strengthening planning andimplementation of transport infrastructure investments. World Bank, working paper no. 161.
Zac Mills, Annette J Kyobe, Jim Brumby, Chris Papageorgiou and Era Dabla-Norris. (2011). Investing in Public Investment: An Index of Public Investment Efficiency. IMF Working Papers, No. 11/37.

A study on the factors affecting Hanoi’s public investment

in the road transport

Pham Ha Phuong

Le Trong Nghia

Thuongmai University

ABSTRACT:

Analysis methods including EFA, CFA and SEM were used in this study. This study’s results show that the factors affecting Hanoi’s public investment in the road transport include natural conditions, local politics, legal systems and socio-economic development strategies, management system, operational capacity of local government, and regional and international integration.

Keywords: public investment, road transport, Hanoi.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 3, tháng 2 năm 2021]

Nguồn Tạp chí Công thương: http://tapchicongthuong.vn/bai-viet/nghien-cuu-cac-yeu-to-anh-huong-den-dau-tu-cong-trong-linh-vuc-giao-thong-duong-bo-tren-dia-ban-thanh-pho-ha-noi-79517.htm