Nghiêm túc thực hiện quy định về giãn cách xã hội

Qua ngày đầu thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg (Chỉ thị 16) của Thủ tướng Chính phủ, các tỉnh, thành phố phía nam thực hiện nghiêm túc các quy định về phòng, chống dịch Covid-19. Khắc phục khó khăn, người dân tại các địa phương chấp hành nghiêm các quy định, ở tại nhà, hợp tác, đồng lòng với cơ quan chức năng quyết tâm dập dịch.

Ðoàn viên thanh niên TP Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu) giao hàng miễn phí phục vụ người dân. Ảnh: Lê Anh Tuấn

Ðoàn viên thanh niên TP Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu) giao hàng miễn phí phục vụ người dân. Ảnh: Lê Anh Tuấn

Sáng 19/7, các tuyến phố ở trung tâm TP Cần Thơ rất ít người và xe cộ. Tại các điểm cách ly, phong tỏa tạm thời trên địa bàn đều có các chốt kiểm soát người ra vào, tiếp nhận hàng hóa tiếp tế, trao những mặt hàng từ thiện tặng người dân nghèo tại các khu phong tỏa và lực lượng làm nhiệm vụ. Do có gần hai ngày chuẩn bị, các cơ quan chức năng TP Cần Thơ đã chủ động xây dựng các giải pháp, điều hành, chuẩn bị nguồn cung hàng hóa, nhu yếu phẩm bảo đảm cung ứng kịp thời cho người dân trong thời gian giãn cách. Người dân cũng đã quen việc ở tại nhà, không ra đường khi không cần thiết, vì thành phố đã thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 từ 0 giờ ngày 12/7 đối với hai quận Ninh Kiều và Cái Răng.

Cũng như các tỉnh miền Tây Nam Bộ, sáng 19/7, các tuyến đường nông thôn hay ngay trung tâm TP Cao Lãnh (Ðồng Tháp) đều vắng vẻ. Bà Lê Thị Ðông ở ấp 1, xã Mỹ Trà cho biết: “Hôm qua tới nay, tôi và bà con trong xóm đều biết về thông tin thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, cảm giác yên tâm lắm. Trong xóm có ai ra đường, qua lại là người này nhắc người kia liền. Tự mỗi người phải ý thức chấp hành quy định về chống dịch thì tình hình dịch bệnh mới có thể kiểm soát, ổn định và trở lại cuộc sống bình thường”. Ðang xách lỉnh kỉnh các mặt hàng thiết yếu từ chợ Cái Nhúc đi ra, chị Nhi ở khu vực 2, phường 3, TP Vị Thanh (Hậu Giang) kể: “Tôi dự tính mua thêm thịt, cá, rau củ từ ngày hôm qua, nhưng người dân đi chợ đông quá, chen chúc nhau, tôi sợ lây bệnh nên ở nhà. Ðến sáng nay, tôi mới tranh thủ ra chợ mua một ít đồ để ăn dần khoảng hai, ba ngày”.

Người dân các tỉnh miền Ðông Nam Bộ (Tây Ninh, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu) cũng thực hiện nghiêm túc quy định về giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Chưa khi nào các tuyến đường tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu lại vắng lặng như sáng 19/7. Tại TP Vũng Tàu, dọc bãi biển Bãi Sau, các cửa hàng, quán ăn đều đóng cửa. Tuy nhiên, tại một số doanh nghiệp, do quy định của TP Vũng Tàu không cho phép người lao động đi xe gắn máy và đi bộ tới nơi làm việc nên xảy ra ùn ứ cục bộ tại một số điểm trên đường 30/4. Anh Nguyễn Văn Hoan ở phường Mỹ Xuân, thị xã Phú Mỹ (Bà Rịa - Vũng Tàu) không bận rộn như mọi ngày phải phụ vợ mở hàng ăn tại nhà. Anh Hoan cho biết: “Gia đình tôi thường xuyên theo dõi tình hình dịch Covid-19 trên các phương tiện truyền thông và biết được dịch bệnh đang diễn biến hết sức phức tạp. Khi Thủ tướng Chính phủ có quyết định giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 đối với 19 tỉnh, thành phố phía nam, tôi vận động gia đình dừng bán hàng và thực hiện nghiêm quy định”.

Nhằm bảo đảm hàng hóa thiết yếu cung ứng cho người dân kịp thời trong thời gian giãn cách, phòng, chống dịch, UBND các tỉnh, thành phố phía nam đã chủ động triển khai nhiều giải pháp cụ thể. Sở Công thương TP Cần Thơ đã dự trữ nguồn hàng có tổng giá trị lên đến 570 tỷ đồng. Ngoài siêu thị, cửa hàng tiện ích được phép mở cửa, các chợ truyền thống, chợ đầu mối, nếu bảo đảm các tiêu chí an toàn phòng, chống dịch thì được hoạt động theo cách thức giãn cách, có giám sát theo dõi, có ô cho người bán, người mua. Chợ lưu động được tổ chức ở Trường đại học Cần Thơ, Trường đại học Y dược Cần Thơ (quận Ninh Kiều) và tại phường Phú Thứ (quận Cái Răng) để đáp ứng nhu cầu mua sắm nhu yếu phẩm thiết yếu của người dân...

Sáng 19/7, Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang dẫn đầu đoàn công tác khảo sát việc cung ứng hàng hóa phục vụ người dân tại các chợ đầu mối, chợ truyền thống, siêu thị tại TP Long Xuyên. Tiểu thương và khách hàng đều tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch; các siêu thị có nguồn hàng dồi dào, giá cả không tăng cao. Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Cà Mau Dương Vũ Nam khuyến cáo người dân không nên đổ xô tích trữ hàng hóa quá mức cần thiết để tránh tập trung đông người dễ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng. Lượng hàng hóa mà ngành đã chuẩn bị sẽ đủ cung ứng cho nhân dân toàn tỉnh Cà Mau dùng trong ít nhất 25 ngày. Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Hậu Giang Nguyễn Văn Thậm cho biết, đã chỉ đạo 72 chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng bán lẻ tăng cường tối đa lượng hàng hóa, khai thác hết công suất hiện có và có thể thành lập các “chợ dã chiến” an toàn nếu cần thiết. Ðối với các chợ đã bị phong tỏa, Sở Công thương phối hợp UBND cấp huyện chỉ đạo các đơn vị liên quan tổ chức bán hàng đến tay người tiêu dùng bằng nhiều hình thức phù hợp. Các địa phương bố trí điểm bán hàng bình ổn giá tại trung tâm các xã, phường, thị trấn có chợ bị giãn cách hoặc phong tỏa; luôn nắm bắt tình hình cung cầu hàng hóa và diễn biến của dịch bệnh để kịp thời triển khai phương án cung ứng hàng hóa, phục vụ nhu cầu của nhân dân.

Bí thư Thành ủy Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu) Trần Ðình Khoa thông tin: “Ðến cuối giờ ngày 19/7, địa bàn thành phố không thiếu hàng hóa, nhu yếu phẩm. TP Vũng Tàu cam kết cung ứng đủ các trang thiết bị y tế, vật tư y tế, nguồn nhân lực để phục vụ xét nghiệm miễn phí trong toàn cộng đồng”. Trên cơ sở dự phòng và chuẩn bị trước đó, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tự tin cung ứng đầy đủ nhu yếu phẩm cho người dân trong thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16…

Các cửa hàng tại Trung tâm TP Bến Tre (Bến Tre) đóng cửa phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: HOÀNG TRUNG

Nhiệm vụ trọng tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp trong những ngày này là tích cực lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 bằng mọi giá. Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam, nhiệm vụ trước mắt của tỉnh là thực hiện tốt “bốn tại chỗ”, lấy cơ sở làm pháo đài trong công tác phòng, chống dịch. Trong thời gian giãn cách, tỉnh dừng tất cả các cuộc họp không cần thiết, tập trung công tác chỉ đạo phòng, chống dịch; quan tâm vấn đề tiêu thụ hàng hóa cho người dân; kịp thời phát hàng cứu trợ cho người nghèo, khó khăn; phát huy vai trò của các đơn vị, doanh nghiệp xung phong bình ổn giá; kiểm soát chặt chẽ các bến phà, bến đò ngang... Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền cho biết, tỉnh đã vận động các công ty có số lượng lớn công nhân không đáp ứng được yêu cầu “ba tại chỗ” cho người lao động tạm nghỉ việc trong 15 ngày. Tỉnh cũng rà soát và đã ban hành kế hoạch hỗ trợ cho gần 81 nghìn người bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với tổng số tiền hơn 116 tỷ đồng. Tỉnh đoàn đang phối hợp Hội Nông dân tỉnh Bình Phước tổ chức quyên góp rau, củ, quả để tiếp sức cho TP Hồ Chí Minh chống dịch. Trong ngày 19/7, 300 tình nguyện viên là y, bác sĩ của tỉnh Bình Phước lên đường chi viện cho hệ thống chống dịch tại tỉnh Bình Dương.

NHÓM PHÓNG VIÊN THƯỜNG TRÚ

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-xa-hoi/nghiem-tuc-thuc-hien-quy-dinh-ve-gian-cach-xa-hoi-655814/