Nghiêm trọng: 4 tiêm kích MiG-31 của Nga đồng loạt hạ cánh khẩn cấp, điều gì đã xảy ra?

Sự kiện 4 tiêm kích đánh chặn tầm xa MiG-31 của Không quân Nga phải cùng lúc hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay dự bị là điều vô cùng hiếm gặp, nguyên nhân nào dẫn tới tình trạng trên?

Theo hãng thông tấn Nga komiinform.ru, vào hôm qua ngày 16/11 ở Usinsk, 4 tiêm kích đánh chặn tầm xa tiên tiến MiG-31 của Không quân Nga đã phải hạ cánh khẩn cấp xuống một sân bay thay thế.

Căn cứ vào việc 4 máy bay đều là phiên bản hai chỗ ngồi thì chúng đã được xác định là biến thể MiG-31BM hoặc MiG-31K, đây là dòng tiêm kích đánh chặn số 1 của Không quân Nga vào thời điểm hiện tại.

Nguyên nhân khiến phi đội tiêm kích MiG-31 trên phải hạ cánh khẩn cấp chưa được công bố, chỉ biết rằng lực lượng Không quân - Vũ trụ Nga đã yêu cầu Công ty Cổ phần Komiaviatrans tiến hành tiếp nhiên liệu cho máy bay.

Tổng giám đốc của Công ty cổ phần Komiaviatrans, ông Alexander Ponomarev đã nói với giới truyền thông rằng sau khi nhận yêu cầu thì vấn đề này hiện đang được giải quyết.

Phi đội MiG-31 trên hiện vẫn nằm lại sân bay, ngay sau khi điều kiện thời tiết cho phép thì các máy bay chiến đấu này sẽ trở lại bầu trời để thực hiện nhiệm vụ chiến đấu của mình.

Theo phán đoán thì việc cả phi đội MiG-31 trên phải đồng loạt hạ cánh khẩn cấp rất có thể là do gặp phải một vấn đề nào đó đối với dự trữ nhiên liệu của máy bay, căn cứ vào yêu cầu tiếp dầu sau đó.

Nhưng cũng có nhận định khác cho rằng việc yêu cầu tiếp dầu để máy bay về được căn cứ là điều bình thường vì chúng đã hạ cánh xuống một sân bay dự bị vốn không có sẵn nhiên liệu phục vụ.

Không loại trừ khả năng phi đội MiG-31 này phải hạ cánh khẩn cấp vì tác động của thời tiết xấu, tuy nhiên lời giải thích trên cũng chưa hoàn toàn thỏa đáng vì MiG-31 có thể hoạt động trong mọi điều kiện khí tượng.

Nguyên nhân thực sự dẫn tới vụ việc trên sẽ cần lời giải thích chính thức của Bộ Quốc phòng Nga thông qua một cuộc họp báo, nhưng nhiều khả năng sẽ chẳng có gì được đưa ra.

MiG-31 Foxhound là một biến thể nâng cấp từ người tiền nhiệm MiG-25 Foxbat do Phòng thiết kế nổi tiếng Mikoyan tiến hành, mặc dù ra đời đã rất lâu nhưng MiG-31 vẫn giữ vai trò cực kỳ quan trọng trong Không quân Nga.

Ước tính đã có khoảng 500 chiếc MiG-31 được sản xuất cho đến đầu những năm 1990, trong đó có 349 máy bay là phiên bản cơ bản chỉ có năng lực tác chiến đối không.

Ước tính sau khi Liên Xô sụp đổ, trong biên chế Không quân Nga có khoảng 152 - 190 chiếc MiG-31/B/BM, họ được bổ sung 18 máy bay MiG-31BM vào năm 2014, nâng số tổng lên tới 80 chiếc ở thời điểm cuối 2016.

Ngoài ra còn 100 - 120 chiếc MiG-31 khác đang được gấp rút phục hồi và nâng cấp lên chuẩn mới tại Nhà máy công nghệ cao Sokol và Nhà máy sửa chữa máy bay Rzhevsky để bàn giao trong năm 2018.

Phiên bản MiG-31BM mà Nga đang tiến hành hiện đại hóa được trang bị radar mảng pha quét thụ động Zaslon-M có tầm hoạt động 300 - 400 km, theo dõi 24 mục tiêu và tiêu diệt 6 trong số đó cùng lúc.

Một biến thể sửa đổi từ MiG-31BM được Nga định danh là MiG-31K đã được giới thiệu vào đầu năm nay, về cơ bản thì máy bay được gia cường khung thân để mang theo tên lửa siêu thanh Kh-47M2 Kinzhal.

Bạch Dương

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/quan-su/anh-nghiem-trong-4-tiem-kich-mig31-cua-nga-dong-loat-ha-canh-khan-cap-dieu-gi-da-xay-ra/790287.antd