Nghiêm trị thói côn đồ khi tham gia giao thông

Thời gian gần đây, một số đối tượng tham gia giao thông có hành vi sử dụng vũ lực, côn đồ hung hãn sau khi va chạm, tai nạn giao thông, thậm chí gây án mạng đang có xu hướng gia tăng, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Trước tình trạng này, nhiều chuyên gia khuyến cáo người dân trong quá trình tham gia giao thông cần giữ bình tĩnh, đề cao tính nhường nhịn; nhanh chóng tìm cách đề nghị cơ quan chức năng giúp đỡ, hỗ trợ, bảo đảm an toàn, tránh gây hậu quả đáng tiếc.

Thời gian gần đây, một số đối tượng tham gia giao thông có hành vi sử dụng vũ lực, côn đồ hung hãn sau khi va chạm, tai nạn giao thông, thậm chí gây án mạng đang có xu hướng gia tăng, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Trước tình trạng này, nhiều chuyên gia khuyến cáo người dân trong quá trình tham gia giao thông cần giữ bình tĩnh, đề cao tính nhường nhịn; nhanh chóng tìm cách đề nghị cơ quan chức năng giúp đỡ, hỗ trợ, bảo đảm an toàn, tránh gây hậu quả đáng tiếc.

Hành hung người từ những va chạm nhỏ

Cuối năm 2020, dư luận xã hội hết sức phẫn nộ trước hành vi côn đồ của một thanh niên sau va chạm giao thông ở Bình Dương. Thanh niên này (tên Lê Tấn Thành, 29 tuổi, trú tại Bình Dương) đi xe máy chở theo một cô gái trên đường Bùi Ngọc Thu, khi đến một ngã tư, bất ngờ điều khiển xe rẽ trái khiến hai nữ sinh đi xe đạp điện phía sau không kịp trở tay, tông vào đuôi xe. Tuy đây là va chạm nhỏ, không ai bị thương tích, xe không hư hỏng nhưng Thành đã xuống xe, đạp liên tiếp vào mặt nữ sinh điều khiển xe đạp điện. Khi em này đau đớn gục xuống đường, Thành tiếp tục dùng cây ba trắc đánh liên tiếp vào đầu của nạn nhân gây vết rách trên đỉnh đầu dài hơn 4 cm. Khi vi-đê-ô này xuất hiện trên mạng xã hội, nhiều người đã hết sức bức xúc, cho rằng hành vi đánh trọng thương nữ sinh của Lê Tấn Thành là “không thể chấp nhận được”. Bản thân thanh niên này đã vi phạm nghiêm trọng Luật Giao thông đường bộ (uống rượu say trước khi lái xe), ứng xử côn đồ hung hãn, vì vậy đòi hỏi các cơ quan chức năng cần trừng trị thật nghiêm khắc. Hành vi phạm tội của đối tượng đã gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương, có dấu hiệu phạm tội với trẻ em là người dưới 16 tuổi, cần phải xử lý nghiêm mới có tác dụng răn đe phòng ngừa tội phạm sử dụng bạo lực trong xã hội hiện nay.

Mới đây, trên mạng xã hội tiếp tục xuất hiện vi-đê-ô ghi lại cảnh hai lái xe khách 16 chỗ mâu thuẫn rồi đánh nhau trên đường. Theo đó, sự việc xảy ra vào sáng 3-3, trên tuyến đường thuộc xã Ea Pal (huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk), lái xe của nhà xe Thế Vĩnh BKS 47B-014.96 bất ngờ phanh gấp, khiến xe khách của nhà xe Nguyên Giáp BKS 47B-004.79 chạy phía sau đâm phải. Sau đó lái xe khách Thế Vĩnh xuống xe, cầm dao đuổi đánh lái xe Nguyên Giáp. Sự việc được phụ xe và hành khách kịp thời can ngăn, tuy nhiên, lái xe này vẫn liên tục đòi xông vào hành hung, bắt bồi thường xe cho mình. Trước đó, dư luận cũng hết sức thương cảm đối với anh Mai Xuân Lan ở Quảng Trị, đã bị kẻ vi phạm giao thông hành hung dẫn đến chết. Vào trưa 4-4-2019, anh Mai Xuân Lan đang dừng đèn đỏ ở ngã tư đường Nguyễn Huệ giao đường Hùng Vương (phường 1, TP Đông Hà, Quảng Trị) thì thấy Lê Văn Hoài (SN 2003, trú phường Đông Thanh, TP Đông Hà) vượt đèn đỏ cho nên nhắc nhở, hai bên xảy ra cự cãi. Bực tức, Hoài rút dao thủ sẵn trong người đâm anh Lan. Mặc dù được người dân đưa vào bệnh viện cấp cứu nhưng nạn nhân đã chết sau đó.

Ứng xử có văn hóa khi tham gia giao thông

Lãnh đạo Đội Cảnh sát Giao thông Công an TP Đông Hà (Quảng Trị) nhấn mạnh, việc làm của anh Mai Xuân Lan tuy nhỏ nhưng rất đáng nêu gương, dám đứng lên phản đối hành vi vi phạm giao thông, điều này không phải ai cũng làm được. “Đây là hành động đẹp vì an toàn giao thông (ATGT) và vì một cuộc sống văn minh, an toàn cho tất cả mọi người. Việc làm tốt cần được nhân rộng. Dù kết quả anh Lan nhận được thật đáng tiếc, nhưng không vì vậy mà chúng ta khuất phục trước cái xấu và cái ác”, lãnh đạo Đội Cảnh sát Giao thông TP Đông Hà chia sẻ.

Theo đại diện Ban ATGT tỉnh Quảng Trị, sau sự việc đáng tiếc xảy ra đối với anh Mai Xuân Lan, cùng với công tác giáo dục tuyên truyền pháp luật ATGT, lãnh đạo UBND tỉnh, Ban ATGT tỉnh Quảng Trị đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, nhất là trong lứa tuổi thanh, thiếu niên, học sinh... Qua sự việc này, Ban ATGT tỉnh mong mỏi mỗi người tham gia giao thông, hãy nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật, chấp hành ATGT, văn hóa giao thông, vì một cuộc sống văn minh, thân thiện, an toàn cho bản thân và tất cả mọi người.

Thực tế thời gian qua, đã có không ít vụ va chạm giao thông dù rất nhỏ nhưng do thiếu kiềm chế, nhiều người đã không xin lỗi nhau chân thành, hoặc thương lượng, mà chọn cách giải quyết bằng “tay chân, gậy gộc”. Cùng với sự bất chấp, coi thường pháp luật, hành vi bạo lực, côn đồ bộc phát diễn ra thường xuyên trên đường phố sau những va chạm giao thông cần phải được xã hội lên án mạnh mẽ, nhằm nâng cao văn hóa, chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông của mỗi cá nhân. Bằng việc kiềm chế, nhường nhịn, những hành động đẹp, có tình người khi tham gia giao thông trên đường phố là trách nhiệm của mỗi công dân. Pháp luật cần nghiêm trị, mạnh tay và kịp thời hơn đối với các hành vi bạo lực, thói côn đồ bằng những chế tài hành chính, nếu nghiêm trọng cần truy cứu trách nhiệm hình sự. Những hành vi nóng nảy, dẫn tới hành vi côn đồ có thể thay đổi được nếu như cá nhân có ý thức chấp hành tốt các quy định khi tham gia giao thông. Ở nước ngoài, khi xảy ra va chạm giao thông, hai bên thường đợi lực lượng chức năng đến giải quyết với thái độ ôn hòa, thân ái, không sa vào cãi vã đúng sai, có thể dẫn đến xung đột, mất trật tự xã hội, bản thân họ cũng có nguy cơ rơi vào rắc rối không cần thiết.

Để văn hóa giao thông ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người khi tham gia giao thông, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cần thường xuyên tuyên truyền, phổ biến Luật Giao thông đường bộ và các quy định về ATGT đến người dân, các tổ dân phố, thôn, xóm, đưa vào giảng dạy trong trường học. Chính quyền các vùng nông thôn cần huy động lực lượng thanh tra giao thông kiểm soát thường xuyên các tuyến tỉnh lộ, liên thôn, liên xóm, hạn chế vi phạm pháp luật về giao thông ở vùng nông thôn. Cơ quan thực thi pháp luật cần xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm luật và những trường hợp do va chạm, tai nạn giao thông mà hành hung người khác.

LƯƠNG TUẤN HÙNG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-xa-hoi/nghiem-tri-thoi-con-do-khi-tham-gia-giao-thong-638463/