Nghiệm thu kết quả nghiên cứu giải pháp kết cấu lắp ghép sử dụng bê tông tính năng cao cho công trình xây dựng trên đảo

Chiều 17/7 tại Bộ Xây dựng, PGS.TS. Vũ Ngọc Anh - Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ & môi trường chủ trì Hội đồng tư vấn đánh giá nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ 'Nghiên cứu giải pháp kết cấu lắp ghép sử dụng bê tông tính năng cao cho công trình xây dựng trên đảo' do Viện Khoa học công nghệ xây dựng (IBST) thực hiện.

PGS.TS. Vũ Ngọc Anh - Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ & môi trường chủ trì hội đồng đánh giá, nghiệm thu.

PGS.TS. Vũ Ngọc Anh - Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ & môi trường chủ trì hội đồng đánh giá, nghiệm thu.

Cụ thể, theo Quyết định số 247/QĐ-BXD ngày 2/3/2020, quyết định thành lập Hội đồng tư vấn đánh giá nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ “Nghiên cứu giải pháp kết cấu lắp ghép sử dụng bê tông tính năng cao cho công trình xây dựng trên đảo”, mã số RD 87-16BĐ do Viện Khoa học công nghệ xây dựng (IBST) thực hiện.

Theo báo cáo của IBST, kết quả đạt được từ nghiên cứu là nghiên cứu cải tiến thành công giải pháp lắp ghép sử dụng UHPC (bê tông siêu tính năng), HSPC cho kết cấu chịu lực, đảm bảo chịu lực, chịu được tải trọng gió, chịu được ăn mòn, nâng cao tuổi thọ đến hơn 100 năm.

Đồng thời, thiết kế và cải tạo thành công nhà mẫu (tổng diện tích sàn 180m2) với đầy đủ hơn 350 cấu kiện đúc sẵn. Một số kết quả khác phải kể đến như: Mô đun hóa được cấu kiện về kiến trúc, kết cấu; Chế tạo và mô đun hóa thành công các kết cấu đúc sẵn hạ tầng kỹ thuật.

Thành công lớn nhất của nghiên cứu lần này là nghiên cứu và lựa chọn thành công vật liệu bê tông tiên tiến cho kết cấu công trình xây dựng phù hợp với môi trường biển đảo bao gồm: UHPC cho kết cấu chịu lực (cột, dầm, sàn tầng, sàn mái) và UHPC cho các cấu kiện đúc sẵn (bể chứa nước, bể phốt thành móng không cốt thép thanh); liên kết cho các mối nối khô, UHPC và vữa chèn để bảo vệ mối nối.

Có thể thấy, các sản phẩm của đề tài đều áp dụng được vào thực tế, những mô đun nhà mẫu được nghiên cứu phù hợp với nhiều kiểu dáng kiến trúc và loại công trình có chức năng khác nhau. Hơn hết, có thể tích hợp được với các thiết bị nội, ngoại thất có sẵn trên thị trường.

Thành viên đề tài khoa học trình bày kết quả nghiên cứu.

Như vậy, những vật liệu, kết cấu đã lựa chọn sẽ nâng cao chất lượng và khả năng chống ăn mòn, tuổi thọ cho kết cấu. Không chỉ vậy, những vật liệu, kết cấu này phù hợp với thi công thủ công hoặc bán thủ công nhanh chóng. Từ đó, giảm được chi phí bảo trì, có giá thành hợp lý so với kết cấu bê tông cốt thép truyền thống – vốn không phù hợp với điều kiện xâm thực trên đảo.

Sau khi nghe các thành viên Hội đồng góp ý và phản biện, PGS.TS. Vũ Ngọc Anh - Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ & môi trường khẳng định: Đề tài nghiên cứu này vô cùng có ý nghĩa đối với Việt Nam, nhất là khi chúng ta đang muốn khẳng định chủ quyền biển đảo, để người dân sinh sống trên biển đảo có thể an cư lập nghiệp và có một ngôi nhà vững chãi… Đề tài khoa học lần này đã nghiên cứu đầy đủ và cẩn thận lý thuyết, khảo sát thực tế và tiến hành thử nghiệm thành công công nghệ vật liệu tiên tiến, giải pháp kết cấu, vận chuyển, thi công, bảo trì cho công trình xây dựng trên đảo. Đề tài “Nghiên cứu giải pháp kết cấu lắp ghép sử dụng bê tông tính năng cao cho công trình xây dựng trên đảo” đã hoàn thành mục tiêu đề ra và đạt số điểm 35,22 – xếp loại xuất sắc.

Diệu Anh

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/nghiem-thu-ket-qua-nghien-cuu-giai-phap-ket-cau-lap-ghep-su-dung-be-tong-tinh-nang-cao-cho-cong-trinh-xay-dung-tren-dao-284414.html