Nghiêm cấm phân biệt đối xử, cưỡng bức lao động

Điều 8 Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR) cụ thể hóa quy định tại Điều 4 Tuyên ngôn toàn thế giới về nhân quyền (UDHR).

Theo đó, không ai bị bắt làm nô lệ; mọi hình thức nô lệ và buôn bán nô lệ đều bị cấm (khoản 1); không ai bị bắt làm nô dịch (khoản 2); không ai bị yêu cầu phải lao động bắt buộc hoặc cưỡng bức (khoản 3).

Điều 8 cũng có những quy định loại trừ, nhưng phải được áp dụng một cách bình đẳng, không phân biệt đối xử với bất kỳ chủ thể nào, phải phù hợp với các quy định khác của Công ước.

Có thể thấy rằng đây là những chuẩn mực mà Công ước đặt ra cho các quốc gia thành viên để bảo vệ nhóm quyền không bị nô lệ, lao động khổ sai hay lao động cưỡng bức. Các nước thành viên Công ước, dựa trên những nguyên tắc nền này và tùy thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh kinh tế, xã hội và văn hóa của nước mình có thể đưa ra những quy định riêng nhưng không được trái với các nguyên tắc cơ bản đã được quy định tại Điều 8 Công ước.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Nhóm quyền không bị nô lệ, lao động khổ sai hay lao động cưỡng bức và nghĩa vụ đặt ra cho các quốc gia thành viên về việc bảo đảm quyền này quy định tại Điều 8 ICCPR đã được ghi nhận, quy định khá đầy đủ trong hệ thống pháp luật Việt Nam, từ văn bản pháp luật có hiệu lực cao nhất là Hiến pháp Việt Nam cho đến các Bộ luật, các luật, pháp lệnh và các văn bản dưới luật, đáp ứng được các yêu cầu của Công ước.

Điều 35 Hiến pháp năm 2013 nêu rõ: Công dân có quyền làm việc, lựa chọn nghề nghiệp, việc làm và nơi làm việc; Người làm công ăn lương được bảo đảm các điều kiện làm việc công bằng, an toàn; được hưởng lương, chế độ nghỉ ngơi; Nghiêm cấm phân biệt đối xử, cưỡng bức lao động, sử dụng nhân công dưới độ tuổi lao động tối thiểu.

Pháp luật cũng qui định không được phân biệt đối xử trong tuyển dụng và sử dụng lao động. Nếu các doanh nghiệp có hành vi phân biệt đối xử, phân biệt vùng miền là vi phạm pháp luật Việt Nam. Theo Điều 5 của Bộ luật Lao động năm 2012 quy định, mọi người đều có quyền làm việc, tự do lựa chọn việc làm và nghề nghiệp, học nghề và nâng cao trình độ nghề nghiệp, không bị phân biệt đối xử về giới tính, dân tộc, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo.

Pháp luật Việt Nam cũng cấm ngược đãi người lao động, cấm cưỡng bức người lao động dưới bất kỳ hình thức nào. Mọi hoạt động tạo ra việc làm, tự tạo việc làm, dạy nghề và học nghề để có việc làm, mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh thu hút nhiều lao động đều được Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi hoặc giúp đỡ.

Tại Điều 8, Bộ luật Lao động năm 2012 cũng nêu rõ các hành vi bị cấm: “Phân biệt đối xử về giới tính, dân tộc, màu da, thành phần xã hội, tình trạng hôn nhân, tín ngưỡng, tôn giáo, nhiễm HIV, khuyết tật hoặc vì lý do thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn”. Vì vậy, dù giải thích với bất kỳ lý do gì, hành vi phân biệt đối xử với người lao động là không thể chấp nhận được.

Người lao động nếu muốn phản ánh những vấn đề bức xúc trong lao động phải đưa ra bằng chứng xác thực, thu thập chứng cứ để các cơ quan chức năng có căn cứ, dựa vào đó để có biện pháp xử lý doanh nghiệp có hành vi sai phạm. Bản thân là người lao động thì phải chấp hành nội quy, quy chế của doanh nghiệp, khi có vấn đề bức xúc thì phản ánh tới tổ chức công đoàn cơ sở hoặc cấp cao hơn. Tổ chức công đoàn cơ sở có biện pháp phối hợp với chính quyền địa phương, các công đoàn cấp trên giải quyết theo quy định của pháp luật.

Tổ chức công đoàn cơ sở cũng phải có trách nhiệm nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người lao động để có biện pháp tháo gỡ, giải quyết những bức xúc, hỗ trợ giải quyết khó khăn, khuyên bảo người lao động không được có hành vi phản ứng trái pháp luật. Nếu công đoàn cơ sở phát hiện sự việc phân biệt đối xử với người lao động, thì cũng phải có trách nhiệm báo cáo ngay cho công đoàn cấp trên để có biện pháp xử lý kịp thời.

Pháp luật cũng nghiêm cấm việc tuyển dụng lao động trẻ em dưới độ tuổi tối thiểu. Độ tuổi lao động tối thiểu là 15 tuổi. Người sử dụng lao động có thể thuê người dưới 15 tuổi (tối thiểu là 13 tuổi) để thực hiện các công việc nhẹ được quy định trong danh mục ban hành bởi Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.

Khi tuyển dụng lao động dưới 15 tuổi, người sử dụng lao động phải ký hợp đồng lao động với người đại diện pháp luật trong thỏa thuận với người lao động chưa thành niên; bố trí giờ làm việc không ảnh hưởng đến việc học tập ở trường của người lao động; đảm bảo điều kiện làm việc, an toàn và vệ sinh lao động phù hợp với lứa tuổi của lao động chưa thành niên.

Theo quy định của Bộ luật Hình sự, những người sử dụng trẻ em làm những công việc nặng nhọc, nguy hiểm hoặc tiếp xúc với các chất độc hại theo danh mục mà Nhà nước quy định, gây hậu quả nghiêm trọng; hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

Thế Vinh

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/nghiem-cam-phan-biet-doi-xu-cuong-buc-lao-dong-156196.html