Nghiêm cấm ngược đãi, phạt tiền, cắt lương của người giúp việc

Pháp luật lao động nghiêm cấm hành vi ngược đãi, xúc phạm người giúp việc.

 Chủ nhà không được tự ý lục soát, sử dụng đồ dùng cá nhân của người giúp việc (Ảnh minh họa: Vietnamnet)

Chủ nhà không được tự ý lục soát, sử dụng đồ dùng cá nhân của người giúp việc (Ảnh minh họa: Vietnamnet)

Bộ LĐ-TB-XH ban hành thông tư 19/2014/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 27/2014/NĐ-CP của Chính phủ (quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ Luật Lao động (BLLĐ) về lao động là người giúp việc gia đình).

Đặc biệt, thông tư quy định rõ những hành vi nghiêm cấm đối với người sử dụng lao động và các thành viên trong hộ gia đình, như: ngược đãi, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, quấy rối tình dục, cưỡng bức lao động; phạt tiền, cắt lương NLĐ; giao việc cho người lao động không theo HĐLĐ; giữ bản chính giấy tờ tùy thân của người lao động; tiết lộ thông tin cá nhân ảnh hưởng xấu đến NLĐ; tự ý lục soát, sử dụng đồ dùng cá nhân của người lao động và các hành vi khác do hai bên thỏa thuận.

Theo đó, người ký kết hợp đồng lao động (HĐLĐ) là bên phía người sử dụng lao động gồm: chủ hộ là người đại diện của hộ gia đình có thuê mướn, sử dụng lao động là người giúp việc gia đình theo quy định của pháp luật; người được chủ hộ hoặc các chủ hộ cùng thuê mướn, sử dụng lao động là người giúp việc gia đình ủy quyền bằng văn bản; người được các thành viên trong hộ gia đình hoặc được các thành viên của các hộ gia đình cùng thuê mướn, sử dụng lao động là người giúp việc gia đình ủy quyền bằng văn bản.

Người ký kết hợp đồng lao động bên phía người lao động là người lao động từ đủ 18 tuổi trở lên; Người lao động từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi có văn bản đồng ý của người đại diện theo pháp luật của người lao động. Người đại diện theo pháp luật của người lao động là cha đẻ hoặc mẹ đẻ, cha nuôi hoặc mẹ nuôi hoặc người giám hộ hợp pháp của người lao động. Thời gian thử việc (nếu có) không quá 06 ngày làm việc.

Trường hợp hai bên đã thỏa thuận được mức tiền lương đối với công việc sẽ làm thì mức tiền lương trong thời gian thử việc ít nhất bằng 85% mức tiền lương đã thỏa thuận. Nếu chưa thỏa thuận được mức tiền lương đối với công việc sẽ làm thì mức tiền lương trong thời gian thử việc ít nhất bằng 85% mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định áp dụng đối với địa bàn nơi người lao động làm việc;

Khi ký HĐLĐ, ngoài thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, người sử dụng lao động phải ghi rõ mức lương, điều kiện, thời gian điều chỉnh mức lương, phụ cấp, trợ cấp, tiền thưởng và các khoản bổ sung khác (nếu có); thực hiện nghĩa vụ trích nộp BHXH, BHYT…

Ngày nay, giúp việc gia đình đã trở thành một loại hình lao động phổ biến. Trên thế giới, cứ 13 lao động làm công ăn lương thì có 1 người là lao động giúp việc gia đình. Đến nay, toàn thế giới có 67 triệu lao động giúp việc gia đình, trong đó hơn 80% là phụ nữ.

Tại Việt Nam, nhu cầu giúp việc gia đình đang ngày càng gia tăng và là nghề phổ biến đối với lao động nữ di cư.

Tuy nhiên, gần 90% lao động giúp việc gia đình không ký kết hợp đồng lao động.

Dương Kha

Nguồn Thời Đại: https://thoidai.com.vn/nghiem-cam-nguoc-dai-phat-tien-cat-luong-cua-nguoi-giup-viec-100394.html