Nghịch lý 'việc cần người' của các doanh nghiệp thời Covid-19

Giữa cơn bão Covid-19, cắt giảm nhân sự, mất việc làm là những cụm từ nghe khá quen tai. Tuy nhiên, lại vẫn có những ngành nghề, những doanh nghiệp cần tuyển thêm lao động mà không được...

Dù dịch bệnh diễn biến căng thẳng, một số doanh nghiệp trở thành điểm sáng khi vẫn đảm bảo số lượng đơn hàng, tăng doanh thu trong năm 2021. Nhưng giãn cách, khoanh vùng cách ly... khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào cảnh thiếu hụt nhân sự dẫn đến không kịp tiến độ sản xuất hàng hóa để giao cho đối tác.

ĐƠN HÀNG TRỞ LẠI VÀ NỖI LO THIẾU LAO ĐỘNG

Sau một thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, các doanh nghiệp gỗ thuộc Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ Tp.HCM (HAWA) đã sử dụng nhiều phương thức giao thương mới và tìm được nhiều đơn hàng xuất khẩu đi Mỹ, EU… Tuy nhiên, các doanh nghiệp này trở nên thiếu nhân công trầm trọng. Ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng thư ký HAWA cho biết, nhiều doanh nghiệp trong ngành sản xuất đồ gỗ đang cấp tập tuyển thêm nhân công để kịp sản xuất nhằm đảm bảo đơn hàng xuất khẩu tăng cao trở lại.

Tương tự, các đơn hàng kéo dài đến quý 3, thậm chí đến hết năm 2021 cũng đang giúp các doanh nghiệp dệt may dần vượt qua giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, nỗi lo thiếu lao động cho sản xuất cũng khiến các doanh nghiệp của ngành này lao đao. Theo ông Nguyễn Văn Phong, Tổng Giám đốc Công ty CP Dệt May Huế, công ty này đã tiếp nhận đủ đơn hàng đến hết tháng 8 của khách hàng Kohl’s, Target, Perry Ellis… Tuy nhiên, doanh nghiệp lại không tuyển đủ lao động. “Nhiều khách hàng yêu cầu tăng sản lượng nhưng số lượng lao động tăng theo không kịp khiến doanh nghiệp khó khăn trong đáp ứng đơn hàng,” ông Nguyễn Văn Phong cho hay.

Nỗi lo thiếu lao động cho sản xuất khiến các doanh nghiệp của ngành dệt may gặp nhiều khó khăn.

Theo ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam (VITA), thống kê từ các Hiệp hội du lịch địa phương cho thấy, số người làm trong lĩnh vực du lịch được nhận gói hỗ trợ của Nhà nước rất ít, do vấn đề thủ tục chứng minh không có việc làm trong thời gian có dịch không dễ dàng. Một khảo sát mới đây của Hội đồng Tư vấn du lịch Việt Nam cho thấy hiện trên cả nước có 18% doanh nghiệp đã cho toàn bộ nhân viên nghỉ việc; 48% doanh nghiệp cho 50 - 80% nhân viên nghỉ việc… Do phải nghỉ việc quá lâu, không nhận được sự hỗ trợ, nhiều nhân sự vững tay nghề đã có xu hướng chuyển hẳn sang một ngành mới.

Thậm chí, có những doanh nghiệp có thể tuyển dụng thêm nhưng lại không dám. Tại Công ty TNHH XNK thực phẩm Duy Anh (Duy Anh Foods), trong 6 tháng đầu năm, lượng hàng xuất khẩu của công ty tăng 10% so với cùng kỳ năm trước, nhu cầu tuyển dụng tăng thêm hơn 10% nhưng đành phải lắc đầu cho những hồ sơ xin việc trực tiếp. “Chúng tôi đành chấp nhận phương án tăng ca sản xuất, hoặc làm việc khách hàng để có thể giao chậm sang tháng 8. Lúc này, công nhân chưa được tiêm vaccine, nếu nhận thêm người vào, không rõ thế nào. Chỉ cần có một ca F0 là cả nhà máy phải đóng cửa…”

Có thể nói, hiện những doanh nghiệp nào vượt qua được các rào cản của Covid-19 thì lại đều gặp khó khăn trong tuyển dụng lao động mới. Nguyên do, có thể là bởi người lao động sau khi nghỉ việc đã tìm được công việc mới ở địa phương hoặc quyết định chuyển nghề. Tâm lý e ngại dịch bệnh cũng khiến số đông lao động không muốn rời khỏi nơi sinh sống...

ĐÂU LÀ GIẢI PHÁP?

Ông Cao Hữu Hiếu, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho rằng, sự ổn định của lao động rất quan trọng với sự sống còn của doanh nghiệp, nhất là trong thời điểm hiện tại ngành dệt may đang có cơ hội hồi phục sản xuất. Các doanh nghiệp cần tiếp tục thực hiện kết hợp nhiều biện pháp giữ chân người lao động. Trong đó, bảo đảm việc làm ổn định, duy trì lương thưởng và các quyền lợi về bảo hiểm y tế đầy đủ, không nợ lương, thưởng… là giải pháp tiên quyết.

Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP May Sài Gòn 3, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP. Hồ Chí Minh cũng nhận định, cần xây dựng được văn hóa doanh nghiệp bền vững, trong đó quan tâm chăm lo cho cuộc sống của người lao động là yếu tố hàng đầu giúp người lao động thấu hiểu và gắn bó lâu dài với doanh nghiệp. Cải tiến các khâu sản xuất, quản lý để nâng cao năng suất, tăng thu nhập cho người lao động. Về dài hơi, doanh nghiệp đầu tư trang thiết bị công nghệ tự động nhằm giảm số lao động thủ công, đồng thời nâng cao năng lực đáp ứng thời gian giao hàng ngày một ngắn và khắt khe của đối tác.

Hiện những doanh nghiệp nào vượt qua được các rào cản của Covid-19 thì lại đều gặp khó khăn trong tuyển dụng lao động mới. Nguyên do, có thể là bởi người lao động sau khi nghỉ việc đã tìm được công việc mới ở địa phương hoặc quyết định chuyển nghề...

Cũng chung nỗi lo khi dịch bệnh qua đi, du lịch phục hồi, ngành du lịch lại đứng trước nguy cơ thiếu hụt nhân lực để "tái thiết", ông Vũ Thế Bình khuyến cáo các hiệp hội cần động viên các doanh nghiệp cố gắng giữ lực lượng cốt cán để có thể sớm quy tụ lại sau dịch. Trong lúc khó khăn, các doanh nghiệp du lịch nên triển khai đào tạo nhân lực trực tuyến và từng bước thực hiện công tác chuyển đổi số.

Về phía địa phương, để giải bài toán về nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp, từ đầu năm đến nay, UBND các tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo các ngành chức năng cung cấp kịp thời các thông tin về cung - cầu lao động. Tại tỉnh Vĩnh Phúc, bên cạnh việc tổ chức khảo sát nhu cầu về lao động của các doanh nghiệp, tỉnh còn thực hiện hỗ trợ chỗ ở cho công nhân là người ngoại tỉnh ở lại Vĩnh Phúc làm việc; phối hợp tốt với các tỉnh không có dịch để tuyển dụng thêm nguồn lao động cho các doanh nghiệp; tổ chức thêm nhiều phiên giao dịch việc làm... Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp đảm bảo nguồn nhân lực, 6 tháng đầu năm, các ngành chức năng và tỉnh Vĩnh Phúc đã giải quyết việc làm cho gần 7.000 lao động.

Các doanh nghiệp cần chú trọng nâng cao chất lượng nguồn lao động và đào tạo các lao động có trình độ kỹ thuật cao.

Nhiều chuyên gia cho rằng, về lâu dài, các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa lớn của Việt Nam cần phải kết nối với các viện, trường để đào tạo lao động phổ thông lẫn tay nghề. Bởi nếu cứ đà thiếu hụt lao động như hiện nay, doanh nghiệp Việt Nam sẽ sớm mất khả năng cạnh tranh với các đối thủ trong nước và khu vực.

Đồng tình quan điểm, đại diện Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ Tp.HCM cho biết, hội sẽ bắt tay với các nhà cung ứng lao động chuyên nghiệp để mở rộng thị trường tuyển dụng. Song song với đó, sẽ chú trọng nâng cao chất lượng nguồn lao động và đào tạo các lao động có trình độ kỹ thuật cao, tâm huyết và gắn bó cho các doanh nghiệp thành viên.

Ông Nguyễn Xuân Ngọc - Phó Trưởng ban Quản lý Các khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang - cho biết, hiện các doanh nghiệp của tỉnh đang đối mặt với sự thiếu hụt lao động do các công nhân phải cách ly y tế, số khác về địa phương chưa thể trở lại... Thậm chí có những doanh nghiệp từng có 500 công nhân thì nay mới đón được 80 công nhân trở lại nhà máy làm việc.

Lưu Hà -

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/nghich-ly-viec-can-nguoi-cua-cac-doanh-nghiep-thoi-covid-19.htm