Nghịch lý tuyển sinh - tuyển dụng ngành nông nghiệp

Điểm trúng tuyển 'đội sổ', ít thí sinh đăng ký, tuyển sinh không đủ chỉ tiêu là điều đang diễn ra đối với nhiều ngành đào tạo của nhiều trường đại học (ĐH) mặc dù nhu cầu nhân lực thực tế trong lĩnh vực này đang thiếu hụt rất lớn. Đây là bài toán khó đối với nhiều trường vào mỗi mùa tuyển sinh.

Sinh viên ngành Nông nghiệp Trường ĐH An Giang - ĐH Quốc gia TPHCM tìm hiểu về bệnh trên cây lúa

Sinh viên ngành Nông nghiệp Trường ĐH An Giang - ĐH Quốc gia TPHCM tìm hiểu về bệnh trên cây lúa

Điểm thấp vẫn không tuyển đủ chỉ tiêu

Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, năm 2022, tỷ lệ tuyển sinh giữa các nhóm ngành có sự chênh lệch khá lớn. Trong khi nhóm ngành Kinh doanh và Quản lý chiếm tỷ lệ 24,54%, thì những nhóm ngành như Khoa học tự nhiên chỉ chiếm 0,44%, Toán và Thống kê chiếm 0,4% tỷ lệ tuyển sinh. Có 45/220 ngành đào tạo ĐH tuyển sinh đạt tỷ lệ thấp. Cụ thể, Nông lâm nghiệp và Thủy sản, Khoa học sự sống, Khoa học tự nhiên và Dịch vụ xã hội tiếp tục đứng đầu danh sách các lĩnh vực tuyển sinh rất thấp trong 3 năm qua.

Theo thông tin từ Bộ NN-PTNT, giai đoạn 2016-2020, học sinh, sinh viên đăng ký các ngành, lĩnh vực Nông nghiệp, Lâm nghiệp, Thủy lợi và Thủy sản giảm trên 30% so với giai đoạn 2011-2015. Trong những năm gần đây, một số ngành nông nghiệp truyền thống có rất ít, hoặc thậm chí không có sinh viên đăng ký học. Chưa kể, điểm chuẩn của các khối ngành này trong 3 năm qua cũng thấp, chủ yếu dao động trong khoảng 15-16 điểm, tức chỉ ở mức hơn 5 điểm/môn.

PGS-TS Võ Văn Thắng, Hiệu trưởng Trường ĐH An Giang - ĐH Quốc gia TPHCM, cho biết, trong 3 năm gần đây, điểm đầu vào những ngành nông nghiệp của trường chỉ 14-16 điểm. Mặc dù điểm thấp nhưng nhiều ngành luôn trong tình trạng tuyển không đủ chỉ tiêu.

Trường ĐH Cần Thơ, được xem là trường có uy tín và thế mạnh về đào tạo ngành nông nghiệp cho vùng ĐBSCL, cũng chung cảnh ngộ. Điểm chuẩn các ngành Khoa học đất, Chăn nuôi, Nông học, Công nghệ rau quả và Cảnh quan, Kinh doanh nông nghiệp khá thấp. Tương tự, trong các kỳ tuyển sinh từ năm 2019-2021, Học viện Nông nghiệp Việt Nam có điểm chuẩn các ngành Bảo vệ thực vật, Bệnh học thủy sản, Chăn nuôi, Chăn nuôi thú y, Kinh tế nông nghiệp phát triển nông thôn, Thú y, Thủy sản… chỉ từ 15-18 điểm nhưng vẫn không tuyển đủ chỉ tiêu.

Năm 2022, ngành Địa chất học, Trường ĐH Khoa học tự nhiên - ĐH Quốc gia TPHCM tuyển được 11 sinh viên trong tổng số 100 chỉ tiêu. Hai năm trước, số sinh viên nhập học ở ngành này cao hơn, ở mức 20 người. Ngành Kỹ thuật Địa chất có chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm là 30, nhưng trong ba năm 2019, 2020 và 2022 chỉ tuyển được lần lượt 4, 9 và 10 sinh viên. Ở các ngành Khoa học môi trường, Công nghệ kỹ thuật môi trường, số lượng sinh viên giảm từ hơn 100 xuống trên 60. Tại Trường ĐH Mỏ - Địa chất, sau khi công bố điểm chuẩn đợt 1 năm 2022, nhiều ngành cho biết thiếu sinh viên thuộc nhóm ngành Kỹ thuật dầu khí, Địa chất, Trắc địa, Mỏ, Bảo vệ môi trường.

“Bao học” vẫn không có nguồn tuyển

TS Trần Đình Lý, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TPHCM, nhìn nhận: Hiện nay có một nghịch lý là một số ngành nghề dù nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp lớn nhưng tuyển sinh còn gặp khó khăn. Trong số những ngành đó, tập trung vào khối ngành Khoa học sự sống khá nhiều. Riêng nhóm ngành Lâm nghiệp vẫn luôn khó tuyển, mặc dù nhu cầu nguồn nhân lực rất cao, doanh nghiệp phải “đặt hàng” đào tạo. Có tập đoàn đã tuyên bố tài trợ toàn bộ học phí để thu hút sinh viên nhưng vẫn chưa tuyển đủ.

Nhìn vào nguyên nhân, TS Trần Đình Lý cho rằng: Việc thí sinh, phụ huynh chưa đánh giá đúng mức quan trọng của nhóm ngành Khoa học sự sống một phần do công tác truyền thông, phổ biến chưa đúng tầm. Hiện nay, khoa học công nghệ rất phát triển, thí sinh có xu hướng tập trung vào các ngành được tiếng là “hot” mà không quan tâm đến nhu cầu tuyển dụng, sự phù hợp và thu nhập sau khi ra trường. Công tác tư vấn hướng nghiệp chưa thật sự đáp ứng được nhu cầu của thí sinh và phụ huynh. Một số chuyên gia tư vấn hướng nghiệp được trưng dụng từ các nguồn khác nhau nên chưa hiểu hết về các ngành, nghề trong tương lai. Ngoài ra, một số video clip giới thiệu ngành nghề, hướng nghiệp được xây dựng sơ sài, không có số liệu cụ thể đã làm cho thí sinh hiểu sai về tình hình việc làm của các ngành thuộc nhóm ngành Khoa học sự sống. Thật ra, các ngành này hiện nay đang rất “hot”, các tập đoàn, công ty thường xuyên liên hệ với nhà trường để đặt hàng tuyển dụng từ khi sinh viên mới nhập học...

PGS-TS Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM, chia sẻ: “ĐH Quốc gia TPHCM vừa ký kết với UBND tỉnh An Giang về tăng cường hợp tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; hợp tác phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn... Tuy nhiên, qua khảo sát và tìm hiểu thực trạng đào tạo các ngành nông nghiệp, tôi thật sự băn khoăn bởi trong vài năm gần đây, điểm chuẩn đầu vào của những ngành này chỉ 14, 15 và 16 điểm, thấp nhất so với những ngành khác, nhưng lại không tuyển đủ chỉ tiêu. Chúng ta đặt mục tiêu phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp bền vững, nông nghiệp hiện đại mà nguồn nhân lực như vậy thì rất khó”.

Theo đại diện nhiều trường có đào tạo ngành nông nghiệp, điểm đầu vào thấp, tuyển không đủ chỉ tiêu, tổng chỉ tiêu luôn thấp hơn so với những nhóm ngành khác là thực tế đáng buồn. Để thực hiện được mục tiêu đề ra, cần phải có chính sách đặc thù cho đào tạo nhân lực của ngành nông nghiệp. Giải pháp trước tiên là phải có chính sách tuyển sinh để thu hút người học, sau đó là chế độ đãi ngộ để thu hút nguồn nhân lực cho ngành nông nghiệp.

Theo chuyên gia dự báo nhân lực Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TPHCM, điều quan trọng nhất là nghề nghiệp phải phù hợp với bản thân. Mỗi người phải chọn nghề, bậc học, chương trình học và trường đào tạo phù hợp cho chính mình. Phụ huynh chỉ nên đưa ra lời khuyên, định hướng chứ không nên áp đặt lựa chọn ngành nghề thay cho con; đồng thời tạo cho con có cơ hội được trải nghiệm nhiều hơn để tìm ra những lĩnh vực phù hợp với khả năng của mình.

THANH HÙNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/nghich-ly-tuyen-sinh-tuyen-dung-nganh-nong-nghiep-post683814.html