Nghịch lý tuyển sinh: Thiếu thí sinh trường vẫn phải nâng điểm để đánh trượt?

Không phải chỉ trong mùa tuyển sinh năm nay, từ những năm trước, tại một số trường ĐH đã xảy ra nghịch lý, thí sinh đăng ký tuyển nguyện vọng 1 đã ít ỏi, nhưng khi công bố mức điểm chuẩn, nhà trường buộc phải tăng điểm, vì nếu để mức điểm chuẩn thông thường, thì cả ngành chỉ được 1 đến 3 thí sinh đỗ.

Năm 2019, có thông tin phản ánh tới báo chí rằng: Trường ĐH Đồng Nai đã nâng điểm một số ngành để đánh trượt thí sinh do số lượng thí sinh đăng ký quá ít, không đủ để mở lớp. Cụ thể một thí sinh được 22,3 điểm, đăng ký 3 nguyện vọng vào ngành sư phạm Vật lý của trường ĐH Sư phạm TPHCM (nguyện vọng 1), trường ĐH Sài Gòn (nguyện vọng 2) và trường ĐH Đồng Nai (nguyện vọng 3), trường ĐH Đồng Nai mọi năm với ngành sư phạm Vật lý lấy gần 20 điểm, năm nay điểm chuẩn đột ngột tăng cao trên 24 điểm, và số thí sinh đỗ vào ngành này của nhà trường là… 0 em.

TS Trần Minh Hùng- Hiệu trưởng trường ĐH Đồng Nai thừa nhận có việc nhà trường nâng điểm chuẩn một số ngành để đánh trượt thí sinh. Đây là điều rất đáng tiếc nhưng trường không còn cách nào khác vì số lượng thí sinh trúng tuyển các ngành trên quá ít, buộc lòng phải làm vậy để trao cơ hội khác cho các em ở các nguyện vọng khác.

Có những ngành học quá ít thí sinh đăng ký, một số trường phải tăng điểm chuẩn để thí sinh… trượt. Ảnh (minh họa): Khánh Huy

Có những ngành học quá ít thí sinh đăng ký, một số trường phải tăng điểm chuẩn để thí sinh… trượt. Ảnh (minh họa): Khánh Huy

Thực tế là chuyện này đã xảy ra từ những mùa tuyển sinh trước ở một số trường, đa phần là ĐH địa phương, với chỉ 1 đến 3 sinh viên thì theo quy định của Bộ GD&ĐT không đủ tiêu chuẩn mở lớp đào tạo.

Đây là vấn đề trăn trở của không ít nhà trường và các bậc phụ huynh, học sinh. Bởi thí sinh có thể đã mừng vì đỗ một nguyện vọng theo tính toán, nhưng thực tế, lại thành… trượt và phải đợi các đợt xét tuyển bổ sung. Cũng không có quy chế nào về việc, trường có thể gửi thí sinh đào tạo tại một ngành tương đương ở cơ sở giáo dục ĐH khác. Nên giải pháp hiện tại chỉ có thể là… tăng điểm chuẩn cho thí sinh... trượt.

Trường ĐH Hùng Vương TPHCM cũng diễn ra tình trạng trên khi ở các ngành của trường này đều lấy điểm chuẩn 14, song có 2 ngành lấy điểm chuẩn 20 và 22 điểm. Đó là Công nghệ sau thu hoạch 22 điểm và Công nghệ kỹ thuật xây dựng 20 điểm. Hai ngành này tuyệt nhiên không có thí sinh nào trúng tuyển.

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ GDĐH (Bộ GD&ĐT) cho biết, thực tế thì tất cả các trường đều mong muốn tuyển sinh được hết chỉ tiêu nhưng một số trường, trong điều kiện quá ít thí sinh trúng tuyển, không đủ số lượng để mở lớp và duy trì lớp học nên đã nâng điểm trúng tuyển lên cao để thí sinh được chuyển sang xét tuyển ở nguyện vọng tiếp theo hoặc tham gia xét tuyển đợt sau. Việc này không vi phạm quy chế.

Đối với các thí sinh nằm trong trường hợp nêu trên, Bộ GD&ĐT có thể hỗ trợ, tạo điều kiện cho thí sinh đến những trường đang đào tạo ngành đăng ký học mà thí sinh đủ điểm trúng tuyển, nếu thí sinh lựa chọn và có đơn đề nghị gửi Bộ và gửi trường xin được xét tuyển...

Đối với các trường, Bộ cũng quy định chế tài nếu vi phạm đối tượng, điều kiện, chỉ tiêu tuyển sinh sẽ bị xử lý theo quy định và không được tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh trong thời hạn 5 năm. Nếu 5 năm không tuyển sinh thì bị đóng ngành; trao quyền tự chủ cho trường để trường phải tính toán đến nguồn lực đảm bảo hoạt động của nhà trường khi không có sinh viên theo học…

Thực tế, việc minh bạch thông tin rất quan trọng, để thí sinh có thể theo dõi thường xuyên số lượng nguyện vọng đăng ký vào ngành đó, cân nhắc xem có nên nộp hồ sơ hay không? Nếu nộp vào mà chỉ có một hồ sơ thì rõ ràng cũng là phương án phải tính toán lại.

Vấn đề này còn tồn tại chính là “nghịch lý” của tuyển sinh, khi có những trường tỷ lệ chọi cao chót vót, trong khi đó, có những trường rất vắng bóng thí sinh nhưng vẫn duy trì tuyển sinh đều qua các mùa. Điều đáng nói là trường không có hướng dẫn trước cho thí sinh về việc: Nếu không đủ người học, thì không thể mở lớp, dẫn đến việc các em vẫn đăng ký.

Đại diện Vụ GDĐH, Bộ GD&ĐT cũng cho rằng, sắp tới có những giải pháp cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện, đổi mới để điều chỉnh pháp luật, chính sách liên quan đến tuyển sinh ngày càng hiệu quả hơn.

Việc đóng cửa ngành phải thực hiện theo quy định hiện hành: Sau 5 năm liên tiếp không tuyển sinh ngành đào tạo đã được cho phép, nếu muốn tuyển sinh và tổ chức đào tạo trở lại, cơ sở đào tạo phải đăng ký mở ngành đào tạo lại theo quy định (Thông tư 22 / 2017/TT-BGDĐT) hoặc thực hiện thủ tục tự mở ngành đối với cơ sở GDĐH được tự chủ mở ngành theo Luật mới. Quy định thời hạn 5 năm để tránh tình trạng buộc trường đóng ngành khi vẫn đang đào tạo ngành đó cho các sinh viên năm cuối.

Phan Thủy

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/nghich-ly-tuyen-sinh-thieu-thi-sinh-truong-van-phai-nang-diem-de-danh-truot-159190.html