Nghịch lý triều cường ở Cần Thơ

Vì sao triều cường chỉ tập trung vào một số điểm ở quận Ninh Kiều, Bình Thủy, TP.Cần Thơ trong khi các quận, huyện vùng ven cách đó không xa thì không?

Ba năm liên tiếp nội ô TP.Cần Thơ hứng chịu triều cường đạt đỉnh, việc đi lại, kinh doanh, sinh hoạt của người dân bất đắc dĩ phải phụ thuộc vào con nước. Tuy vậy, việc ảnh hưởng bởi triều cường này chỉ tập trung vào một số điểm ở quận Ninh Kiều, Bình Thủy, TP.Cần Thơ. Trong khi đó các quận, huyện vùng ven cách đó không xa thì không bị triều cường ảnh hưởng.

Vì sao có nghịch lý này?

Nhìn thẳng những nguyên nhân gây ngập khi triều cường

Khi triều cường khiến mực nước ở sông Hậu dâng cao, một số tuyến đường như Cách Mạng Tháng Tám, ngã tư Mậu Thân - Nguyễn Văn Cừ, quanh khu vực hồ Búng Xáng và hồ Xáng Thổi… của quận trung tâm Ninh Kiều, nước tràn lên đường đi, ngập gần nửa bánh xe máy. Những ngày trong đợt triều cường, mỗi ngày 2 lần sáng chiều nước cứ thế đến “thăm”, vài tiếng đồng hồ sau lại rút dần.

Nước ngập khiến việc đi lại của người dân trong nội ô TP.Cần Thơ khá khó khăn - Ảnh: Thanh Nguyên">

Nước ngập khiến việc đi lại của người dân trong nội ô TP.Cần Thơ khá khó khăn. Ảnh: Thanh Nguyên

Ông Nguyễn Quý Ninh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Chánh Văn phòng Ban Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn TP.Cần Thơ, cho biết mực nước sông Hậu trong những ngày triều cường mới đây dâng cao ở mức 2,17m, cao trên mức báo động 3 là 0,17m. Ở một số điểm ngập sâu trong TP ngành chức năng đo được mực nước sâu 0,5m.

Nguyên nhân dẫn đến mực nước dâng cao, ông Ninh cho biết là do lũ thượng nguồn, triều cường kết hợp với mưa nội vùng. Mỗi đợt triều cường như vậy sẽ kéo dài khoảng 5 - 6 ngày. Từ thời điểm này đến cuối năm 2020, dự báo sẽ còn vài đợt triều cường như thế.

Có một thực tế là dù nội ô TP.Cần Thơ mấy ngày qua có một số điểm bì bõm lội nước thì ở một số quận huyện vùng ven gần như hoàn toàn khô ráo, không bị ảnh hưởng bởi triều cường. Như ở xã Nhơn Ái, huyện Phong Điền, người dân thảnh thơi nhìn mức nước ngoài sông dâng cao nhưng không tràn vào nhà, vườn tược. Nguyên do là phần lớn diện tích xã Nhơn Ái nằm trong đê bao Ô Môn - Xà No, có các cống chặn nước ngoài sông tràn vào. Điều này khiến người dân nơi đây bao năm qua không bị ảnh hưởng bởi con nước lớn, hay triều cường hằng năm.

Cuộc sống người dân TP.Cần Thơ xáo trộn trong đợt triều cường tháng 9 âm lịch năm nay. Ảnh: Thanh Nguyên

Thời điểm nội ô Cần Thơ bị ảnh hưởng bởi triều cường những ngày qua, PV đã đến một số khu vực ở xã Nhơn Ái để ghi nhận, những cống ngăn nước ở khu vực này đa số vẫn bị đóng, nước trong mương, rạch chỉ đạt mức xâm xấp.

Anh Nguyễn Văn Tùng, ngụ xã Nhơn Ái, khẳng định: “Tui ở trong đê bao, mùa nước hay không nước gì cũng khô ráo hết”. Tại cống Rạch Chùa (Nhơn Ái), mực nước bên ngoài cống và bên trong cống chênh nhau gần cả mét. Bên trong nước thấp, lờ đờ không chảy, đường sá khô ráo… Tình trạng khô ráo cũng xảy ra ở huyện Thới Lai, Ô Môn, Cờ Đỏ, Cái Răng.

Tìm chỗ cho nước tràn

Vấn đề đặt ra ở đây là chu kỳ nước của sông Hậu bao đời nay vẫn lên xuống theo ngày, tháng, năm. Nhưng tại sao chỉ ba năm nay, nội ô TP.Cần Thơ mới chịu tác động của triều cường? Tiến sĩ Dương Văn Ni - giảng viên Khoa Môi trường và tài nguyên thiên nhiên, Trường đại học Cần Thơ, cho biết có nhiều nguyên nhân dẫn đến triều cường như trên. Trong đó có những nguyên nhân chính như ĐBSCL mỗi năm đang lún xuống khoảng 2,5cm và Cần Thơ cũng không nằm ngoài tình trạng đó.

Cùng ngày - giờ nước lên, nhưng một mảnh vườn ở xã Nhơn Ái rất khô ráo. Ảnh: Thanh Ngọc

Ngoài ra, quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh khiến dân số tăng hằng năm, tạo áp lực nước thải lên các hệ thống xả. Ở một số quận, huyện vùng ven hệ thống đê bao khép kín khiến dòng nước lớn không còn nơi để tràn vào, buộc phải chảy dồn vào các nơi thấp là ở một số điểm trung tâm thành phố, gây nên các đợt ngập nặng khi triều cường.

Một số ý kiến khác cho rằng, nguyên nhân còn do nhiều kênh rạch ở TP.Cần Thơ bị lấp lấy đất ở, làm dự án, một số kênh rạch còn lại thì chưa được nạo vét, cải tạo tăng khả năng lưu thông dòng chảy nên khó tránh việc ngập nặng khi triều cường.

Tiến sĩ Ni cho biết, vấn đề ngập khi triều cường, hay thậm chí chỉ cần mưa lớn là ngập không chỉ xảy ra ở Cần Thơ mà các đô thị ở Vĩnh Long, An Giang cũng cùng chung tình cảnh. Vấn đề này nếu không bắt tay vào giải quyết thì tương lai sẽ còn diễn biến phức tạp nữa.

Để dễ hình dung nguyên nhân gây ngập cho nội ô TP.Cần Thơ khi triều cường, tiến sĩ Dương Văn Ni nói rằng: “Bây giờ nếu đóng hết tất cả các cống xả thải xuống sông trong 12 giờ đồng hồ thôi, tôi tin là Cần Thơ có thể bị ngập hết những con đường. Vì toàn bộ hệ thống xả của mình thẳng băng mà không có chỗ trữ tạm thời, tất cả chảy ra kênh rạch rồi xuống sông. Lúc đó, khi ngoài sông nước lớn thì nước thải này chẳng thể chảy ra được nữa. Ngày xưa, trong thành phố mình có rất nhiều kinh rạch, như ở cầu Rạch Ngỗng, Rạch Bần, Tham Tướng… Những rạch này đóng vai trò như hồ chứa tạm thời, bây giờ mình lấp hết rồi, nước không còn chỗ chảy nữa, nên phải chảy ra đường”.

Một cống dẫn, thoát nước ở xã Nhơn Ái, huyện Phong Điền, TP.Cần Thơ đóng kín khi triều cường. Ảnh: Thanh Nguyên

Vị tiến sĩ này cũng cho rằng, ngày xưa, nông dân Cần Thơ chỉ làm lúa từ 1 - 2 vụ. Hết mùa, nông dân xả cho nước vào đồng ruộng. Bây giờ hệ thống đê bao khắp nơi, khép kín để tăng vụ, không cho nước tràn vô nữa. “Như vậy nước tràn ở đâu? Nó sẽ tràn vào những chỗ thấp thôi, nội ô TP. Cần Thơ trở thành vùng trũng vì không được bồi đắp hằng năm, thay vào đó còn bị lún tự nhiên nhanh hơn vùng ven.

Năm nay dự báo lũ về không nhiều, nhưng khi triều cường nội ô TP.Cần Thơ vẫn bị ngập, đó là do không có không gian cho nước tràn. Hiểu nôm na, chừng đó lượng nước mình đổ trong 1 cái dĩa nó sẽ chỉ vài phân, nhưng đổ trong 1 cái ly thì nó sẽ cao 1 tấc. Năm nay nước lũ ít đã ngập như vậy, gặp năm lũ cao thì sẽ ngập tới đâu nữa? Việc này dần dần sẽ là việc bình thường”, tiến sĩ Ni nói.

Mở rộng ra khu vực ĐBSCL, tiến sĩ Ni cho biết 2 hồ chứa nước tự nhiên của đồng bằng là Đồng Tháp Mười và Tứ Giác Long Xuyên nếu trong mùa nước nổi hằng năm, mực nước ở 2 khu vực này sẽ dâng tầm khoảng 3m. Cả 2 khu vực này cộng lại sẽ rơi vào khoảng 1,5 triệu héc-ta, bằng 1/3 diện tích đồng bằng. Hai khu vực này sẽ trữ nước ở thượng nguồn đổ về, do đó không có áp lực nước đổ về các nơi. Nhưng do năm nay lũ ít, nước không chảy vào các “túi nước” này nhiều mà chảy xuống hạ lưu, gặp đợt triều cường trong năm và gây áp lực cho nội ô một số thành phố.

Mực nước trong và ngoài cống chênh nhau cả mét. Ảnh: Thanh Ngọc

Về vấn đề vùng ven vẫn khô ráo trong lúc nội ô chịu triều cường, tiến sĩ Ni cho biết rằng, một trong những nguyên nhân để các vùng lên đê bao là để tăng vụ, yên tâm sản xuất nông nghiệp. Do đó, nông dân không muốn tháo nước vào thời điểm này. Một số vùng hiện đang chuẩn bị trái cây, hoa màu vụ tết, họ ngại rủi ro khi tháo nước vào. Trong khi đó, một số ý kiến cho rằng với diện tích đê bao Ô Môn - Xà No là hơn 45.000 héc-ta, ôm trọn một vùng của 3 tỉnh thành là Cần Thơ - Hậu Giang - Kiên Giang thì nếu vào lúc triều cường đạt đỉnh nếu mở cống cho nước tràn thì mực nước không tăng đáng kể. Lượng nước này cũng nhanh chóng rút đi chỉ sau vài tiếng khi triều cường rút.

“Tôi nghĩ việc mở cống dẫn nước ở một số vùng ven để làm giảm áp lực nước lên nội ô TP.Cần Thơ là có thể khả thi nếu nghiên cứu kỹ các phương án và khảo sát cẩn thận. Thậm chí, có thể làm thử một lần để thấy được hiệu quả hay không. Vấn đề ở đây là người dân ở các vùng ven có chia sẻ với người dân ở đô thị hay không thôi. Việc một số điểm nội ô Cần Thơ ngập khi triều cường có thể chưa gây thiệt hại nặng, nhưng mỗi năm tình trạng này có thể diễn biến khác. Hơn nữa, một thành phố trung tâm đồng bằng thì nên khắc phục được chuyện này”, một người đàn ông ở quận Ninh Kiều bày tỏ ý kiến.

Thanh Nuyên

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/nghich-ly-trieu-cuong-o-can-tho-25903.html