Nghịch lý tiền điện ở Đa Hội

Nếu không trực tiếp về Đa Hội sẽ không thể tin được nơi công xưởng sản xuất sắt thép sầm uất ấy lại tồn tại một hệ thống điện cũ kĩ, lạc hậu và nguy hiểm đến như vậy.

Những đường dây tải điện đoạn bọc nhựa, đoạn dây trần cũ kĩ đi sát nhà dân, những trạm biến áp dây dợ loằng ngoằng vô cùng nguy hiểm đã tồn tại súot 30 năm qua. Điều đáng nói là người dân đang phải mua điện sinh hoạt qua những ông chủ hay còn gọi là "cai đầu dài"…

Những hóa đơn tiền điện bất thường

Ông Phạm Đức Bình (xóm 3, thôn Đa Hội) cho phóng viên xem những hóa đơn điện lên tới 4-5 triệu đồng/tháng. Đó là những tờ giấy không có dấu đỏ, chỉ ghi số tiền điện mà gia đình phải nộp. Tờ hóa đơn gần nhất mà gia đình ông Bình phải đóng là vào tháng 7-2020 hơn 4 triệu đồng. Sang tháng 8-2020, số tiền phải đóng là 4,6 triệu đồng.

Theo giá điện "bậc thang" của Nhà nước thì 50 kWh (người dân vẫn gọi là "số") đầu tiên có giá 1.678 đồng/kWh; 50 số tiếp theo là 1.734 đồng, 100 số tiếp theo là 2.014 đồng. 100 số tiếp là 2.536 đồng; 100 số tiếp là 2.834 đồng. Trên 400 số trở lên theo giá 2.927 đồng. Thế nhưng người dân Đa Hội phải mua chênh hơn giá Nhà nước hơn từ 170 - 200 đồng/số.

Đặc biệt cứ 400 số trở lên là tính đồng giá 3.219 đồng/số, cao hơn 292 đồng/số so với giá điện Nhà nước. Điều này khiến hóa đơn điện của các hộ dân tăng cao bất thường. Điều đáng nói là theo phản ánh của các hộ dân, thì với những thiết bị điện sinh hoạt phổ biến như điều hòa, nồi cơm điện, quạt, đèn điện, máy bơm thì hóa đơn không thể lên tới 4-5 triệu, thậm chí 8-9 triệu/tháng.

Hóa đơn điện cao bất thường ở Đa Hội.

Hóa đơn điện cao bất thường ở Đa Hội.

Ông Bình cho biết: "Nhà tôi có 4 người lớn, 2 thằng con trai đi làm cả ngày, tối mới về và lúc đi ngủ mới dám dùng điều hòa. Hai vợ chồng già ở nhà thì cũng chỉ phe phẩy cái quạt, thiết bị điện trong nhà cũng không quá đặc biệt. Nhưng tháng nào vợ chồng tôi cũng giật mình khi nhìn hóa đơn tiền điện.

Nhiều lần gia đình tôi phải xin đóng tiền điện làm 2 đợt trong 1 tháng đó. Tôi cũng không hiểu vì lý do gì mà tiền điện tháng nào cũng cao vậy, có lẽ là do chất lượng của hệ thống đường dây tại đây quá cũ. Chúng tôi tha thiết mong cơ quan chức năng có phương án xử lý để nhân dân chúng tôi không phải thiệt thòi".

Cùng chung bức xúc với ông Bình là ông Lưu Quang Ánh (xóm Tây Trúc, khu phố Đa Hội). Theo như phản ánh của ông Ánh, gia đình ông có 3 phòng ngủ, 2 cháu nhỏ 5 người lớn. Thế nhưng tiền điện lên đến 4,6 triệu đồng/tháng.

Bà Nguyễn Thị M. (xin được giấu tên) là một trong những hộ gia đình phải đóng tiền điện cao kỷ lục ở Đa Hội. Hóa đơn điện nhà bà M. lúc nào cũng trong khoảng từ 8 đến 9 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, bà M cho hay: "Gần đây tôi không phải đóng đúng con số mà hóa đơn báo. Bởi tôi có thừa hiểu biết và lý lẽ để đấu tranh, buộc họ phải giảm tiền điện cho tôi".

Cách đây không lâu, trong khu phố Đa Hội đã xảy ra một vụ điện giật chết người. Nguyên nhân dẫn đến cái chết là do trong lúc làm việc, người thợ không may chọc thanh sắt vào đường dây trần. Nhiều người dân cho hay, khi đến mùa mưa bão là liên tục xảy ra mất điện, thậm chí cháy nổ tại một số cột điện.

Ông Bình cho biết: "Những ngày mưa bão, sấm chớp là người dân rất sợ và không dám ra khỏi nhà. Việc cháy, chập điện thường xuyên diễn ra. Còn chuyện mất điện là thường xuyên, có hôm mất từ sáng đến đêm mới có, khi có lại sáng choang lên rồi lại vụt tắt. Tôi nghĩ hệ thống điện ở khu vực này quá cũ nên mới xảy ra hiện tượng này".

Ông Bình bức xúc chia sẻ.

Giấy phép hết hạn nhưng vẫn được cấp điện

Để tìm hiểu nguồn gốc hệ thống điện của khu phố Đa Hội, chúng tôi đã trao đổi với ông Lưu Quang Toàn, người đặt tham gia xây dựng hệ thống điện từ những năm 90.

Ông Toàn cho hay: "Hệ thống điện tại đây là do HTX quản lý, khởi điểm chỉ có 1 biến thế 560KVA. Lúc đó chúng tôi bỏ tiền ra đầu tư và xin ý kiến của lãnh đạo đảng ủy và hợp tác xã. Do thấy tình hình phát triển kinh tế khó khăn và dân lại nghèo quá, khi ấy tôi với ông Việt có trong tay một số tiền vốn nhất định nên đã quyết định bỏ ra xây dựng 1 trạm biến áp với tinh thần "HTX và xã viên cùng làm".

Ngoài trạm biến thế mới 560KVA của chúng tôi thì Đa Hội còn thêm 1 trạm biến thế 190 KVA của ông chủ nhiệm cũ. Tuy nhiên, một thời gian sau khi nhân dân dùng nhiều, trạm biến thế 190KVA đã bị quá tải và cháy. Sau đó ông Nguyễn Thái Hòa cũng đã xin được thành lập thêm 1 tổ điện nữa".

Theo ông Toàn, sau khi làm một thời gian, nhận thấy có nhiều thứ bất đồng nên ông đã xin rút lui. Lúc này HTX có tất cả 3 trạm điện: 1 trạm của bà Lam và ông Hòa, 1 trạm của HTX và 1 trạm của ông Việt. Và cả 3 trạm điện này đều do HTX quản lý. Tuy nhiên quản lý dưới hình thức giá điện là do Ủy ban xã quyết định, trạm điện tư nhân phải nộp vào HTX 5%.

Ông Nguyễn Thanh Tuấn, Bí thư Đảng ủy phường Châu Khê, cho biết: "Thực tế chính quyền phường Châu Khê chưa từng nhận được lá đơn kiến nghị nào từ nhân dân. Tuy nhiên khi chúng tôi biết có thông tin về việc này thì lãnh đạo phường cũng đã cho người xuống kiểm tra, xác minh.

Đồng thời gọi cả những người bán điện lên để hỏi thì nhận được câu trả lời là giá điện không cao hơn giá điện nhà nước. Còn về chất lượng của hệ thống điện tại Đa Hội thì chúng tôi không thể biết được mà phải do ngành điện lực đánh giá".

Ông Toàn là một trong những người đầu tiên tham gia hợp tác xã Đa Hội.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngày 29-9-2010, HTX Dịch vụ nông nghiệp Đa Hội ký hợp đồng mua bán điện với Công ty Điện lực Bắc Ninh. Hiện nay, Công ty Điện lực Bắc Ninh bán điện tới công tơ tổng tại khu phố Đa Hội qua 12 trạm biến áp từ lưới điện cao thế, để đấu nối vào trạm hạ thế. 12 trạm biến áp kể trên đang được điều hành, quản lý bởi những cá nhân: bà Trần Thị Lam, ông Trần Thái Hòa (hộ khẩu tại khu phố Đa Hội), ông Trần Đại Việt (người làng Đa Hội cũ nay đã chuyển ra sinh sống tại phường Đình Bảng).

Thế nhưng giấy phép kinh doanh điện của HTX Đa Hội đã hết hạn theo quy định từ ngày 11-9-2015, nghĩa là từ 2015 đến nay, HTX Đa Hội vẫn kinh doanh điện không giấy phép và người dân vẫn phải chịu mua điện giá cao từ một HTX không có giấy phép cung cấp điện.

Nói về tình trạng tư nhân quản lý kinh doanh lưới điện tại Đa Hội, ông Lê Minh Hải -Trưởng phòng Thanh tra Công ty Điện lực Bắc Ninh cho biết: "Nhiều năm qua và nhiều lần Điện lực Bắc Ninh đã kiến nghị tiếp nhận, thu hồi lưới điện ở Đa Hội để ngành điện quản lý, trực tiếp bán điện cho người dân. Tuy nhiên, không thống nhất được giá đền bù đối với những tập thể, cá nhân đang đầu tư và sở hữu lưới điện ở đây. Nguyên nhân vì họ đòi giá quá cao, ngành điện không thể đáp ứng được giá đền bù như vậy".

Sau nhiều lần người dân gửi đơn phản ánh về tình trạng mua bán điện bất cập trên địa bàn phường Châu Khê thì UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp chính quyền sở ngành liên quan vào cuộc để giải quyết dứt điểm kiến nghị của người dân.

Ngày 4-9-2018, UBND tỉnh Bắc Ninh đã ban hành Quyết định phê duyệt Dự án để giao Ban Quản lý khu vực phát triển Đô thị Bắc Ninh làm chủ đầu tư để xây dựng hệ thống điện khu phố Trịnh Tháp - phường Châu Khê, với tổng mức đầu tư 19 tỷ đồng. Đến ngày 1-8-2020, đã thực hiện được 90% công việc xây lắp.

Đường dây điện cũ kĩ ở Đa Hội.

Tại cuộc họp ngày 25-8-2020 về việc giải quyết kiến nghị của nhân dân khu phố Đa Hội do Sở Công Thương tỉnh Bắc Ninh chủ trì đã thông qua phương án đề xuất UBND tỉnh Bắc Ninh giao Ban Quản lý khu vực phát triển đô thị Bắc Ninh lập dự án đầu tư xây dựng lưới điện khu phố Trịnh Xá và Đa Hội (giai đoạn 2) với tổng mức đầu tư 94 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành, UBND tỉnh sẽ bàn giao để Công ty Điện lực Bắc Ninh trực tiếp bán điện đến các hộ dân trong khu phố.

Người dân Đa Hội đang chờ đợi và hi vọng sớm được sử dụng điện với giá của Nhà nước.

N. Anh - N. Trâm

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/phong-su-tieu-diem/nghich-ly-tien-dien-o-da-hoi-613705/