Nghịch lý thân nhân cán bộ xã được ưu tiên, hộ nghèo neo đơn mòn mỏi chờ chính sách

Bố của phó chủ tịch xã lương hưu 12 triệu đồng/tháng được ưu tiên nhận tiền hỗ trợ xây nhà, trong khi những hộ gia đình chính sách khác hoàn cảnh neo đơn, khó khăn phải mòn mỏi chờ đợi. Đây chỉ là một trong nhiều bất cập, vô lý đang diễn ra tại xã hồng việt, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình.

Là cán bộ, không thể ở nhà xập xệ được?

Theo tìm hiểu, thực hiện chính sách hỗ trợ người có công về nhà ở (theo QĐ số 22/2013/QĐ-TTg, ngày 26 tháng 04 năm 2013) tính đến hết năm 2018, tại xã Hồng Việt đã có hơn 70 trường hợp được hỗ trợ, còn lại hơn 40 hộ trong năm nay sẽ được giải ngân.

Căn nhà 2 tầng khang trang của bố ruột ông Nguyễn Duyên Hiệp – Phó Chủ tịch xã Hồng Việt.

Căn nhà 2 tầng khang trang của bố ruột ông Nguyễn Duyên Hiệp – Phó Chủ tịch xã Hồng Việt.

Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách này tại Hồng Việt tồn tại những bất cập, dấu hiệu ưu ái cho người nhà cán bộ xã. Điển hình là trường hợp bố ruột ông Nguyễn Duyên Hiệp – Phó chủ tịch xã Hồng Việt, ông Nguyễn Duyên Hóa cán bộ quân đội hưởng lương hưu 12 triệu đồng/tháng, nhưng vẫn được xét hỗ trợ 40 triệu đồng, hiện tại đã xây ngôi nhà vườn 2 tầng khang trang. Lý giải về trường hợp gia đình mình, ông Hiệp “nhẹ nhàng” cho biết: “Căn nhà bố tôi đã cũ, nứt tường, nên khi xã lập danh sách huyện đã về thẩm định.

Trong đợt kiểm tra có anh Mạnh - Phó Phòng Lao động -Thương binh và Xã hội huyện kiểm tra và đồng ý. Bố tôi là cán bộ, lương tháng 12 triệu nên không thể ở trong căn nhà xập xệ được”. Trường hợp “điển hình” thứ 2 là ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó bí thư Đảng ủy xã, đang ở căn nhà 2 tầng khang trang nhưng vẫn được ưu tiên xét duyệt nhận 20 triệu đồng để sửa nền nhà.

Điều đáng nói, thực tế trên hoàn toàn trái ngược với những gì người dân suy nghĩ. Tại địa phương vẫn còn rất nhiều trường hợp khác là thân nhân liệt sỹ, người có công khác… hoàn cảnh khó khăn hơn rất nhiều mà vẫn mòn mỏi chờ đợi tiền hỗ trợ chính sách của địa phương.

Điển hình như câu chuyện của bà Nguyễn Thị Thoán (SN 1946) là vợ liệt sỹ, hoàn cảnh có cậu con trai duy nhất thì đã qua đời, giờ neo đơn không nơi nương tựa. Căn nhà cấp 4 tuềnh toàng nằm sát bờ kênh nứt toác, ngày hè thì nóng, đông lạnh, những ngày mưa thì ẩm thấp, dột khắp nhà là của người thân cho ở nhờ.

Trao đổi với PV, bà Thoán cho biết đã nhiều lần làm đơn xin đề nghị được ưu tiên cấp đất, có căn nhà nhỏ làm chỗ thờ cúng chồng, hoặc ít nhất xin hỗ trợ sửa căn nhà đang sập xệ nhưng nhiều năm liền không được ủy ban xã Hồng Việt quan tâm. Cùng cảnh ngộ, ông Hà Đình Trắc (74 tuổi) có bố là liệt sĩ, bà nội là mẹ Việt Nam anh hùng.

“Được xã chỉ đạo làm hồ sơ, tôi đôn đáo ngược xuôi xin xác nhận giấy tờ hi vọng được hỗ trợ một phần nào đó để sửa lại căn nhà đã xuống cấp. Nhưng đợi chờ mòn mỏi vẫn không thấy đến lượt mình, vợ chồng tôi và các con phải vay mượn nhưng cũng chỉ đủ sửa lại căn nhà, còn cái bếp vẫn dột nát”, ông Trắc than thở.

Trên đây chỉ là 2 trường hợp điển hình thuộc diện được hỗ trợ theo chính sách nhưng nhận được sự quan tâm thiếu thực tiễn của chính quyền địa phương. Trao đổi với PV, ông Nguyễn Thanh Khuyến-Chủ tịch xã Hồng Việt cho hay, xã chỉ lập danh sách, còn trách nhiệm thẩm định thuộc về UBND huyện.

Ông Trắc bên căn bếp dột nát của gia đình.

Ưu ái tuyển dụng người thân?

Không chỉ bất cập, vô lý trong thực hiện chính sách, tại xã Hồng Việt còn có nhiều điều bất thường khác. Năm 2015, UBND xã Hồng Việt có tờ trình gửi UBND huyện Đông Hưng đề nghị xét tuyển công chức công an xã.

Sau đó, UBND huyện Đông Hưng có Thông báo số 121, ngày 22/9/2015, tuyển dụng công chứcTrưởng Công an xã Hồng Việt với anh Lê Quang Viên, là cháu họ ông Khuyến và chưa từng công tác hay có nghiệp vụ công an.

Nhưng chỉ 6 tháng sau, UBND huyện Đông Hưng lại ra Quyết định (3930/QĐ-UBND, ngày 14/7/2016) “Về việc điều động bố trí công chức xã” điều động anh Viên sang chức danh Tư Pháp - Hộ tịch đảm nhiệm công tác Phó Trưởng công an xã mà không có lý do. Còn Phó Công an xã Hồng Việt hoán đổi làm trưởng công an.

“Đồng chí Viên bị luân chuyển chức vụ là do xã đã đề nghị và được huyện đồng ý”, ông Khuyến thông tin về trường hợp nêu trên. Cùng đợt tuyển dụng năm 2016, anh Nguyễn Minh Hiếu - con trai ông Khuyến được tuyển dụng làm cán bộ văn thư, công việc chính là đánh máy nhưng phải luân phiên trực vì phải chia sẻ công việc với 3 người khác.

Trường hợp này, ông Khuyến cho biết: “Chúng tôi đã có tờ trình và báo cáo với huyện về việc tuyển dụng cán bộ văn phòng và được huyện phê duyệt. Vì là đợt tuyển cán bộ không chuyên trách nên không có tiêu chí đề ra”.

Theo người dân sinh sống tại địa phương, anh Hiếu có lối sống không lành mạnh, đặc biệt, có thời gian anh Hiếu nghỉ làm dài hạn. Với việc tuyển dụng 2 cán bộ, công chức xã đều là người thân của ông Khuyến như nêu trên khiến dư luận có quyền hồ nghi vấn về một “kịch bản” có sự ưu ái sắp đặt.

Tràn lan vi phạm do buông lỏng quản lý đất đai

Không chỉ có vậy, một trong những vi phạm điển hình là việc buông lỏng quản lý đất đai dẫn tới việc hàng loạt công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, hành lang an toàn thủy lợi, trong đó có cả cán bộ xã, đảng viên là người vi phạm đang tồn tại ở địa phương này.

Trước thực trạng nêu trên, ông Khuyến thừa nhận nguyên nhân từ việc buông lỏng quản lý nhưng không báo cáo kịp thời tới cấp thẩm quyền cao hơn để xử lý. Điển hình là trường hợp của ông Phạm Minh Tuấn - Kế toán xã Hồng Việt có nhà xây dựng trên đất nông nghiệp.

Tuy nhiên, trường hợp này, ông Khuyến “lái” sang việc nguồn gốc nhà và đất là ông Tuấn nhận chuyển nhượng từ một người họ hàng (nay đã mất). Vì vậy, ông Tuấn không phải là người trực tiếp vi phạm nên công trình không bị xử lý và được tồn tại.

Cách giải thích vòng vo, có phần bao che cho sai phạm của ông Khuyến là minh chứng rõ ràng nhất cho thấy trình độ, trách nhiệm của chính quyền trong việc buông lỏng quản lý đất đai và tiếp tay cho vi phạm đang diễn ra nhan nhản tại địa phương này.

Ban quản lý xã tự phát?

Nội dung phản ánh khác tố cáo cán bộ UBND xã Hồng Việt có dấu hiệu chi sử dụng tiền sai ngân sách hơn 200 triệu đồng, từ nguồn phí quản lý dự án các công trình xây dựng cơ bản tại địa phương.

Trao đổi về vấn đề này ông Khuyến cho biết, trong giai đoạn (2015- 2016) ở địa phương đã xây dựng các công trình cơ bản như: Trường mầm non (chi phí đầu tư hơn 6 tỷ đồng); Trạm y tế ( hơn 5 tỷ đồng); Trường tiểu học (hơn 5 tỷ đồng).

Theo đó, xã lập ra ban quản lý dự án các công trình nêu trên, chủ tịch xã đứng đầu chuyên trách, thành viên còn lại là các cán bộ khác và có gửi danh sách để UBND huyện thông qua. Ban quản lý dự án này có trách nhiệm giám sát tất cả các khâu trong quá trình xây dựng, nghiệm thu và quyết toán.

Theo quy định của pháp luật, (tại Khoản 8, Điều 1 Nghị định số 42/2017/NĐ-CP ngày 5/4/2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 59/2015/NĐ-CP về quản lý dự án đầu tư xây dựng) thì UBND cấp xã làm chủ đầu tư các công trình có tổng mức đầu tư dưới 15 tỷ đồng, được sử dụng tư cách pháp nhân và bộ máy chuyên môn của UBND cấp xã khi có đủ điều kiện, năng lực để trực tiếp quản lý dự án.

Các cá nhân tham gia quản lý dự án làm việc theo chế độ kiêm nhiệm phải có chuyên môn nghiệp vụ phù hợp với công việc đảm nhận (Khoản 2, Điều 21 Nghị định số 59/2015/NĐ-CP).

Đối với trường hợp không đủ điều kiện trực tiếp quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình, chủ đầu tư được thuê tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện năng lực theo quy định (Khoản 8, Điều 1 Nghị định số 42/2017/NĐ-CP). Tuy nhiên,trao đổi với PV, cá nhân ông Khuyến thừa nhận ban quản lý dự án do ông kiêm nhiệm đứng đầu không ai có chứng chỉ, kinh nghiệm chuyên môn về xây dựng cũng như quản lý dự án.

Vậy không biết căn cứ vào quy định nào Ban quản lý dự án của xã Hồng Việt vẫn có thế hoạt động và qua mắt các cơ quan quản lý khác. Trước những bất cập trong chính sách an sinh xã hội, buông lỏng quản lý đất đai và tuyển dụng cán bộ xã chúng tôi sẽ tiếp tục làm rõ.

Lê Vũ

Nguồn Pháp Luật Plus: https://www.phapluatplus.vn/phap-luat-plus/nghich-ly-than-nhan-can-bo-xa-duoc-uu-tien-ho-ngheo-neo-don-mon-moi-cho-chinh-sach-d97356.html