Nghịch lý tăng trưởng và nghèo đói tại châu Phi

Nhiều nước châu Phi trong những năm qua chứng kiến tốc độ tăng trưởng kinh tế vượt bậc. Song, một nghiên cứu gần đây cho thấy tình trạng đói nghèo tại lục địa đen vẫn gia tăng. Vì sao có nghịch lý này?

Dân số gia tăng chính là nguyên nhân khiến các nước châu Phi không thoát được nghèo. Ảnh: DW

Dân số gia tăng chính là nguyên nhân khiến các nước châu Phi không thoát được nghèo. Ảnh: DW

Nhiều cuộc khảo sát cho thấy, một tỷ lệ lớn người dân ở châu Âu và Bắc Mỹ tin rằng trong những thập kỷ gần đây rất ít hoặc thậm chí không có bất kỳ nỗ lực nào được đưa ra nhằm chống lại tình trạng cực nghèo tại châu Phi. Nhưng trên thực tế, các số liệu thống kê cho thấy điều ngược lại, sự tiến bộ được thể hiện rõ rệt, ít nhất là về lượng người dân châu Phi phải sống dưới mức chưa tới 1,9 USD/ngày. “Nhìn chung, tỷ lệ người dân châu Phi sống trong cảnh nghèo đói đã giảm, từ mức 54% năm 1990 xuống còn 41% năm 2015” - nhà kinh tế Luc Christiaensen của Ngân hàng Thế giới cho biết. Đóng góp cho sự thay đổi này là việc hầu hết các quốc gia châu Phi tăng cường phát triển cơ sở hạ tầng ở khu vực nông thôn, gia tăng sản xuất nông nghiệp và chứng kiến kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ. Trong nhiều năm, các nền kinh tế ở châu Phi ghi nhận mức tăng trưởng cao nhất thế giới, với GDP trung bình tăng 4,7%/năm trong giai đoạn 2000-2018.

Tuy nhiên, chính sự gia tăng dân số nhanh chóng đã kéo theo lượng người nghèo ở châu Phi tăng, từ 278 triệu lên 413 triệu. Do đó, mục tiêu của Liên Hiệp Quốc nhằm chấm dứt tình trạng đói nghèo vào năm 2030 có thể bị thất bại ở châu Phi. Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, 20% số dân châu Phi ở vùng cận Sahara vẫn sẽ sống trong cảnh nghèo đói vào năm 2030 trừ khi chính phủ các nước đẩy mạnh đáng kể nỗ lực xóa đói giảm nghèo.

Nghiên cứu được công bố gần đây của Viện nghiên cứu châu Phi Afrobarometer cho thấy một sự thật “phũ phàng”. Trong giai đoạn 2014-2018, tình trạng đói nghèo ở châu Phi lần đầu tiên gia tăng nhẹ sau hơn một thập niên giảm. Ở nhiều nước như Nam Phi, Niger và Uganda, số lượng nghèo đói thậm chí gia tăng đáng kể. Dù cuộc sống người dân ở những nước này được cải thiện hơn so với 10 năm trước nhưng nhiều số liệu thống kê cho thấy cả 3 nước này gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc chiến chống đói nghèo. Tác giả nghiên cứu Robert Mattes, nhà khoa học chính trị tại Đại học Strathclyde (Scotland), cho biết nguyên nhân là do nền dân chủ của châu Phi vốn diễn ra trong nhiều thập kỷ qua đã đi vào bế tắc, dẫn đến sự xao lãng đối với nhu cầu của người dân nông thôn nói riêng, cũng như các sáng kiến giúp giảm đói nghèo nói chung. Dữ liệu từ nghiên cứu cho thấy, tình trạng đói nghèo ít xảy ra ở những nơi mạng lưới điện, hệ thống thoát nước, đường giao thông và điện thoại di động tương đối phát triển. Do đó, theo ông Mattes, để giảm đói nghèo, chính phủ các nước châu Phi nên ưu tiên đẩy mạnh đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng công cộng.

Còn Henry Ushie, chuyên gia tại Tổ chức chống nghèo đói Oxfam cho rằng nếu châu Phi muốn chống lại nghèo đói, lục địa này trước tiên phải chống lại sự bất bình đẳng, vốn là nguyên nhân lớn nhất gây ra tình trạng đói nghèo trên thế giới. Đặc biệt là ở Nigeria, nền kinh tế lớn nhất châu Phi, tình trạng bất bình đẳng diễn ra một cách rõ rệt. Do đó, Oxfam đang sử dụng cái gọi là “Cam kết giảm chỉ số bất bình đẳng” để đánh giá nỗ lực của chính phủ các nước trong cuộc chiến chống lại bất bình đẳng. Song song đó, tổ chức này cũng đánh giá tính công bằng thuế, sự đầu tư vào giáo dục và y tế cũng như bất bình đẳng giới giới tính. Kết quả một cuộc khảo sát gần đây cho thấy một thực tế đáng buồn là nhiều nước Tây Phi không mấy quan tâm đến cam kết trên, ngay cả tại nền kinh tế lớn nhất châu Phi là Nigeria bị xếp cuối bảng.

Dân số châu Phi hiện nay là 1,3 tỉ người, trong đó 56% nằm trong độ tuổi lao động và phần còn lại chủ yếu là trẻ em. Vì thế, trung bình khoảng 1,3 người lao động châu Phi phải chu cấp cho 1 người phụ thuộc. Trong khi đó, trung bình trên toàn cầu, cứ 2 người lao động nuôi dưỡng 1 người phụ thuộc.

TRÍ VĂN (Theo DW)

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/nghich-ly-tang-truong-va-ngheo-doi-tai-chau-phi-a119415.html