Nghịch lý tăng an toàn, lãi suất khó giảm

Việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ấn định lộ trình giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, từ 2020 đến 2022, từ 40% về mức 30% nhằm để các ngân hàng thương mại (NHTM) có thể giảm áp lực cấp vốn đối với nền kinh tế, từ đó giảm lãi suất. Tuy nhiên, để làm được các nhà băng tăng cường huy động dài hạn để giảm chênh lệch đáo hạn huy động - cho vay, nhưng lại bị tác động không khả quan đến mặt bằng lãi suất.

NHNN liên tục điều chỉnh giảm

Đặc thù của thị trường tài chính Việt Nam lâu nay là sự mất cân đối giữa thị trường vốn và thị trường tiền tệ trong việc cung ứng vốn cho nền kinh tế. Điều này đặt gánh nặng cung ứng vốn dài hạn lên vai các NHTM suốt nhiều năm qua. Trong khi các NH lại chủ yếu huy động vốn ngắn hạn và cho vay vốn trung, dài hạn.

Đã vậy, các NH không thể tùy ý thu hồi các khoản cho vay trước hạn, trong khi người gửi tiền lại có quyền được rút tiền gửi bất cứ lúc nào. Chênh lệch đáo hạn đầu vào, đầu ra như vậy khiến NH luôn đứng trước rủi ro rơi vào tình trạng không đủ tiền mặt để chi trả cho nhu cầu rút vốn. Để cân bằng nhu cầu tín dụng, giảm thiểu rủi ro cho hệ thống, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn liên tục được NHNN điều chỉnh.

Lệch pha giữa thị trường vốn và thị trường tiền tệ nên ngân hàng vẫn gánh vốn chủ yếu cho nền kinh tế, do vậy để giảm lãi suất rất khó khăn.

Cụ thể, tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn từng được áp dụng ở mức 30% trong một thời gian dài trước đây, từ năm 2009 đến 2014. Nhưng từ năm 2014, đầu ra tín dụng gặp nhiều khó khăn và nhu cầu vay vốn trung và dài hạn cao, trước kiến nghị của các NH về việc nới tỷ lệ này, tháng 2-2015 NHNN đã nới rộng lên mức 60%.

Sau đó NHNN tiếp tục điều chỉnh tỷ lệ này về mức 50% trong năm 2017, 45% năm 2018 và 40% năm 2019. Và mới đây, NHNN ban hành Thông tư 22/2019, quy định các giới hạn, tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn sẽ giảm tiếp. Theo đó, từ 1-1 đến 30-9-2020 áp dụng tỷ lệ 40%; từ 1-10-2020 đến 30-9-2021 giảm còn 37%; từ 1-10-2021 đến 30-9-2022 còn 34% và từ 1-10-2022 áp dụng tỷ lệ 30%.

Theo giới chuyên gia, tỷ lệ giới hạn giảm theo lộ trình trên là cần thiết khi ngăn chặn được tình trạng nhà băng sử dụng nhiều nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn. Hiện nay, một phần áp lực cho vay trung và dài hạn đã được chuyển sang thị trường chứng khoán và kênh trái phiếu doanh nghiệp. Quy định trên kỳ vọng thúc đẩy việc kinh doanh bằng vốn chủ sở hữu, hoặc tìm vốn trung và dài hạn thông qua kênh trái phiếu, cổ phiếu, thay vì bằng tiền vay NH. Còn nếu các NH vẫn muốn cho vay dài hạn sẽ phải gia tăng nguồn vốn trung, dài hạn để giảm chênh lệch đáo hạn về mức thấp.

Nhưng vẫn hiệu ứng ngược với lãi suất

Về lý thuyết, nếu NH được giảm áp lực cho vay trung và dài hạn sẽ nâng cao an toàn trong hoạt động, cũng như giảm căng thẳng về nguồn vốn huy động. Như vậy, lộ trình giảm vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn được kéo dãn trong 3 năm cũng tạo điều kiện thuận lợi để thực thi mục tiêu giảm mặt bằng lãi suất, đặc biệt là lãi suất huy động các kỳ hạn trung và dài tại NH nhỏ gặp khó khăn về thanh khoản.

Hơn nữa, Thông tư 22 còn tăng hệ số rủi ro kinh doanh và các khoản vay mua bất động sản. Theo đó, quy mô cho vay bất động sản sẽ hạn hẹp vì lãi suất cho vay lĩnh vực này sẽ tăng, giúp thị trường cân bằng hơn. Như vậy, đây là công cụ vĩ mô giúp thị trường tốt hơn.

Tuy nhiên, trên thực tế Thông tư 22 sẽ tác động đến lãi vay trung và dài hạn trong vài năm tới, do các NHTM vẫn chuộng cho vay trung và dài hạn. Báo cáo tài chính 9 tháng 2019 cho thấy, hiện 13 NH có dư nợ cho vay trung và dài hạn chiếm hơn 50% trong cơ cấu tổng dư nợ. Điển hình là dư nợ cho vay trung và dài hạn của VIB chiếm 82,32%/tổng dư nợ. Tỷ trọng này đạt 75% tại LienVietPostBank, 68,92% tại OCB, 68% tại TPBank, 64,91% tại VPBank, 63% tại Techcombank… Điều này không khó lý giải, bởi cho vay kỳ hạn dài luôn có biên lợi nhuận cao, đóng góp lớn vào thu nhập lãi của các NH.

Việc các NH vẫn chuộng cho vay trung và dài hạn, trong khi với quy định 100 đồng vốn huy động ngắn hạn chỉ dùng 40 đồng để cho vay và sắp tới sẽ giảm dần còn 30 đồng, chắc chắn các nhà băng sẽ tiếp tục tăng cường huy động kỳ hạn dài, phát hành chứng chỉ tiền gửi, trái phiếu để cơ cấu lại kỳ hạn, đáp ứng yêu cầu về tỷ lệ cũng như nguồn vốn để cho vay. Những loại hình huy động luôn cạnh tranh nên lãi suất cao hơn huy động thông thường và tương ứng với đầu vào, cùng với đó NH luôn giữ lãi suất cho vay ra chênh lệch 3-4% với lãi suất đầu vào để đảm bảo lợi nhuận. Do vậy, việc hạ lãi suất trong vòng xoáy huy động sẽ khó xảy ra.

Các nhà phân tích thị trường cho rằng, cho đến khi kênh vốn cung cấp cho vay trung và dài hạn của Việt Nam bắt kịp thông lệ quốc tế, tức doanh nghiệp chủ yếu tìm kiếm nguồn này từ thị trường trái phiếu và cổ phiếu, NH mới có thể thực sự buông tín dụng trung và dài hạn. Còn nếu 2 công cụ tài chính này chưa phát huy hết chức năng, NH vẫn tiếp tục tìm kiếm đầu vào dài hạn để cho vay ra, tức sẽ tiếp diễn tình trạng giảm lãi suất chỉ mang tính hưởng ứng nhỏ giọt như thời gian qua. Trong khi dự báo cho thấy, đã đến lúc xây dựng được thị trường vốn hoàn hảo sẽ mất thời gian tương đối dài. Và đây là thách thức không nhỏ đối với việc giảm lãi suất.

Việc NHNN kéo dãn lộ trình giảm vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn trong 3 năm, sẽ tạo điều kiện thuận lợi để thực thi mục tiêu giảm mặt bằng lãi suất. Tuy nhiên, nếu NH vẫn tìm kiếm đầu vào dài hạn để cho vay ra, việc giảm lãi suất chỉ mang tính hưởng ứng nhỏ giọt.

Đỗ Linh

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/kinh-te/nghich-ly-tang-an-toan-lai-suat-kho-giam-74955.html