Nghịch lý tại quốc gia đầu tiên cấm nhập khẩu xe xăng
Chính phủ Ethiopia cấm nhập khẩu xe xăng để khuyến khích xe điện, nhưng cơ sở hạ tầng chưa phát triển khiến chủ xe điện tại đây đang gặp không ít khó khăn.
Theo Rest of World, ôtô điện đang nhận được những ưu đãi lớn từ Chính phủ Ethiopia trong nỗ lực đẩy nhanh quá trình điện hóa giao thông tại quốc gia châu Phi. Một trong số đó là thuế nhập khẩu
Hồi tháng 2, Chính phủ Ethiopia đã ra lệnh cấm nhập khẩu đối với tất cả ôtô không vận hành bằng động cơ điện. Quyết định này được đưa ra nhằm cắt giảm chi phí nhập khẩu nhiên liệu của Ethiopia, vốn đã đạt mức 7,6 tỷ USD vào năm 2023.
Thiếu sự chuẩn bị
Quyết định nói trên cũng khiến Ethiopia trở thành quốc gia đầu tiên có động thái “cấm cửa” chính thức đối với ôtô nhập khẩu sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Dù vậy, động thái của Ethiopia được đánh giá là khá vội vàng bởi cơ sở hạ tầng tại quốc gia châu Phi hiện chưa đủ phát triển để phục vụ khách hàng sử dụng xe điện.
“Chính sách này có điểm tích cực là đã buộc cả nước phải chuyển sang xe điện. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng cũng như các quy định liên quan đến xe điện tại Ethiopia đều đang còn thiếu”, ông Yasaki Yuma - nhà sáng lập kiêm CEO của công ty vận tải Dodai ở Ethiopia - cho biết.
Ông Yizengaw Yitayih - chuyên gia cấp cao về biến đổi khí hậu tại Bộ Giao thông vận tải và Hậu cần của Ethiopia - cho biết quốc gia châu Phi này hiện chỉ có khoảng 50 trạm sạc.
Rest of World cho biết đã tìm thấy ít nhất 4 trạm sạc tại Ethiopia do Chính phủ sở hữu, và chỉ 2 trạm trong số này còn đang hoạt động.
Một vài công ty như TotalEnergies, Green Tech Africa và Haile Motors cũng đã thiết lập một số điểm sạc trên khắp lãnh thổ quốc gia châu Phi. Tuy nhiên, nỗ lực của các đơn vị tư nhân trong phát triển hạ tầng trạm sạc nhìn chung vẫn còn khá hạn chế.
Ethiopia được cho là đang phải vật lộn để thu hút các nhà đầu tư trạm sạc từ khắp nơi trên khắp thế giới. Một vài nhà đầu tư bày tỏ lo ngại cho rằng việc thiếu các điều luật rõ ràng cũng như cơ chế thực thi hiệu quả tại Ethiopia đang khiến các doanh nghiệp trạm sạc tư nhân khó hoạt động.
Phụ tùng không đủ đáp ứng
Chia sẻ với Rest of World, Adis Yohannes - người điều hành đại lý ôtô trực tuyến tại thủ đô Addis Ababa (Ethiopia) - xác nhận tình trạng thiếu phụ tùng thay thế cho ôtô điện trong trường hợp hư hỏng.
“Chính sách chuyển đổi sang ôtô điện được ban hành quá sớm. Chúng tôi có cảm giác khó chịu khi phải bán ôtô điện cho khách hàng bởi tình trạng thiếu hụt và đắt đỏ hiện tại của phụ tùng thay thế”, Adis Yohannes cho biết.
Bà Meklit Mussie, cư dân tại Addis Ababa, cho biết đã mua một chiếc Volkswagen ID.4 hồi tháng 12/2023 nhưng ít sử dụng vì thiếu phương án sạc.
“Tôi không thể tìm được nơi bán cáp sạc nhanh ở Ethiopia, do đó chưa thể lắp đặt trạm sạc tại khu chung cư đang ở”, bà Meklit Mussie chia sẻ và cho biết đang phải dùng chung một chiếc xe chạy xăng của người bạn.
Một trong những rắc rối mà chủ xe điện Ethiopia đang phải đối mặt còn là quá trình bảo dưỡng.
Chia sẻ với Rest of World, Araya Belete - nhân viên tại một công ty vận tải - cho biết khi một trong số các xe điện thuộc đội xe công ty gặp sự cố, anh phải tham khảo video trên YouTube để tìm cách tự sửa xe. Các xưởng sửa chữa địa phương không biết cách sửa chữa xe điện, trong khi hướng dẫn sử dụng kèm theo xe được viết bằng tiếng Trung Quốc.
Araya Belete cũng cho biết chủ công ty vận tải nơi anh làm việc đã phải tự chi thêm tiền để lắp đặt các điểm sạc xe, nguyên nhân xuất phát từ tình trạng thiếu hụt hạ tầng trạm sạc công cộng tại thủ đô Addis Ababa.
“Các đơn vị kinh doanh xe nhập khẩu đang tìm đến bất kỳ xe điện Trung Quốc nào mà họ thấy rẻ, sau đó bán lại cho khách hàng Ethiopia mà không có thêm các hướng dẫn đầy đủ về bảo dưỡng”, anh Araya Belete nhận định.
Trước thực trạng nói trên, chuyên gia Yizengaw Yitayih thừa nhận những thách thức liên quan đến quá trình chuyển đổi sang xe điện tại quốc gia châu Phi và cho biết Chính phủ Ethiopia đang nỗ lực giải quyết.
“Chính phủ Ethiopia cam kết mở rộng triển khai cơ sở hạ tầng trạm sạc trên khắp cả nước, bao gồm thủ đô Addis Ababa và các thành phố lớn khác”, Yizengaw Yitayih chia sẻ với Rest of World.
Thiếu điện là tình trạng đáng quan ngại
Hồi năm 2022, Chính phủ Ethiopia từng đặt mục tiêu lăn bánh 150.000 ôtô điện trên đường phố nước này vào năm 2030.
Chia sẻ với Rest of World, chuyên gia Yizengaw Yitayih của Chính phủ Ethiopia cho biết lượng xe điện đang hoạt động tại quốc gia châu Phi này hiện ở mức khoảng 70.000 xe, còn Bộ trưởng Giao thông Vận tải và Hậu cần Ethiopia đã khẳng định mục tiêu đạt 500.000 xe điện trong 10 năm tiếp theo.
Tuy nhiên, một trong những trở ngại lớn nhất của Ethiopia trong nỗ lực điện hóa giao thông đang là tình trạng thiếu điện.
Theo thông tin từ EnergyPedia, sản lượng điện sản xuất thường niên của Ethiopia đạt xấp xỉ 9.000 GWh/năm, với 96% trong số đó từ các nhà máy thủy điện. Theo số liệu gần nhất, chỉ có khoảng 27% dân số nông thôn ở Ethiopia có quyền truy cập vào lưới điện quốc gia.
Các báo cáo địa phương cho biết tình hình thậm chí còn trở nên tồi tệ hơn trong những năm gần đây. Hồi tháng 3, nhiều vụ mất điện đã được ghi nhận trên khắp cả nước, bao gồm cả ở thủ đô Addis Ababa.
“Việc điều khiển một chiếc xe điện sẽ giúp chủ xe không phải lo lắng tình trạng thiếu nhiên liệu. Tuy nhiên, Ethiopia cũng đang không có được nguồn cung cấp điện ổn định và đáng tin cậy”, bà Meklit Mussie nhìn nhận.
Theo ghi nhận của Rest of World, không ít chủ xe điện tại Ethiopia đang tìm cách bán xe để chuyển sang xe hybrid hoặc các xe sử dụng nhiên liệu hóa thạch do những bất cập kể trên.