Nghịch lý sẵn sàng trả lương cao cũng không giữ được người tài

Một nghịch lý hiện nay tại nhiều doanh nghiệp nhất là trong lĩnh vực công nghệ chính là sẵn sàng trả lương cao cũng không giữ được những nhân sự ưu tú bởi 'môi trường làm việc, cách quản trị, hình ảnh công ty... không đẹp bằng các công ty quốc tế'.

Ông Bùi Hải An, CEO Silicon Straits Saigon

Sự phát triển của công nghệ, kỹ thuật, tự động hóa và trí tuệ nhân tạo tác động tích cực hay tiêu cực đến thị trường lao động? Làm thế nào để doanh nghiệp có thể tìm và giữ nhân tài trình độ cao trong sự phát triển bền vững của mình? Làm thế nào để xóa đi khoảng cách quá xa giữa đào tạo và tuyển dụng, để có được nguồn cung ứng lao động chất lượng, chuyên nghiệp cho một thành phố năng động và liên tục đổi mới như TP. HCM?

Cuộc đối thoại thẳng thắn giữa các chủ doanh nghiệp, chuyên gia giáo dục, chuyên gia thương hiệu trong buổi tọa đàm “Nhân lực trình độ cao trong nền kinh tế số: Nhận thức, năng lực và giải pháp” do TheLEADER tổ chức tại TP. HCM đã thực sự đụng chạm đến những vấn đề cốt tử của nguồn nhân lực và sự đổi mới sống còn của nền giáo dục Việt Nam.

“Tự nguyện bị bắt vì đủ giỏi để nước ngoài mời”

Theo ông Nguyễn Thái Việt Huy, CEO Mitek, công ty hàng đầu về cuộc cách mạng công nghệ trong chăm sóc khách hàng: “Khởi nghiệp năm 2012 với khát vọng xây dựng hệ sinh thái dịch vụ khách hàng, đầu tư hai startup, khó khăn nhất với tôi là nhân sự lập trình trong 4 năm trở lại đây rất khó tuyển dụng.

Học hỏi các tập đoàn công nghệ hàng đầu như FPT, tôi cũng đi vào các trường đại học như Khoa học tự nhiên, Công nghệ TP. HCM (HUTECH), tổ chức “Ngày việc làm”, những show để tuyển các bạn về làm, cũng lựa được từ đó khoảng 40% nhân sự, 20 bạn còn đang tiếp tục làm với mình.

Nhưng quả thực với Đại học Khoa học tự nhiên, lực lượng chất xám ưu tú nằm trong Top đầu mình không tuyển dụng được vì các bạn ấy đã chọn con đường ra nước ngoài gia công phần mềm cho các công ty đa quốc gia. Mình có sẵn sàng trả lương cao cũng giữ không được. Nhu cầu nhân lực của mình rất lớn, nhưng rõ ràng môi trường làm việc, cách quản trị, hình ảnh công ty trong nước … không đẹp bằng các công ty quốc tế, đó cũng là nguyên nhân chảy máu chất xám”.

Ông Nguyễn Thái Việt Huy (áo trắng)

Đồng quan điểm, ông Bùi Hải An, CEO Silicon Straits Saigon, một starup đầu tư phát triển phần mềm cũng nhìn nhận: “Nhìn chung, đào tạo của chúng ta đang lệch hướng. Công ty tôi có lúc số lượng cao nhất 100 bạn lập trình viên kỹ thuật cao, lương top thị trường. Về quỹ lương có thể thu hút bạn giỏi nhất. Chọn những bạn có tiềm năng thôi, hầu hết chỉ chọn về thái độ làm việc, vì kiểm tra chuyên môn thì chưa đạt được. Sau một thời gian huấn luyện thêm, các bạn tiến bộ rõ rệt, khác hẳn 4 năm học CNTT. Từ đó họ tự tìm dự án bên ngoài và được trả tiền để làm dự án đó, còn những người chỉ đào tạo từ thầy giáo đại học thì không xài được.

Hiện nay, nhóm IT của TP. HCM có khoảng vài ngàn người như vậy, dẫn đầu về lương bổng, phúc lợi. Tuy nhiên, với những bạn lương khoảng 1.000 USD thì ở lại, còn trên 1.000 USD thì rất ít, hầu hết “bắt” đi nước ngoài, các bạn tự nguyện bị “bắt”, vì đủ giỏi để nước ngoài mời.

Nhiều sinh viên giỏi của Đại học Khoa học tự nhiên, HUTECH từ năm thứ ba đã biết tự tìm việc từ bên ngoài, quỹ đạo khác hẳn, còn mấy bạn đào tào trong trường thôi thì tiến chậm lắm. Lương trung bình của lập trình viên có kinh nghiệm làm 2 - 3 năm ở công ty tôi khoảng 1.400 đến 1.500 USD và các bạn có cả đống công việc khác để chọn, thậm chí nhiều bạn qua Singapore làm vì thích môi trường chuyên nghiệp bên đó. Còn làm gia công phần mềm như FPT, CMC, nghiêng về thợ nhiều hơn thì lương dao động trên dưới 800 USD, nếu so với nhóm chuyên đi xây dựng sản phẩm công nghệ thì lương có khác biệt lớn, cao hơn nhiều”.

Những nghịch lý giữa cung và cầu

Dựa trên kinh nghiệm nhiều năm đào tạo các kỹ năng nghề nghiệp cho doanh nghiệp, sinh viên, ông Đinh Duy Linh, CEO Trung tâm đào tạo Bưu chính Viễn thông II (Học viện công nghệ Bưu chính Viễn thông) cho biết: “Điều tôi quan tâm là làm sao đào tạo cung ứng nguồn nhân lực đáp ứng được cho doanh nghiệp, nhu cầu nhiều, thị trường nhiều, nhưng hai bên chưa gặp nhau. Thách thức lớn nhất với lao động chất lượng cao là cung cầu lao động thay đổi khi robot, tự động hóa, công nghệ số ập đến, buộc chúng ta nhận thức về thị trường lao động khác đi; đào tạo kiểu cũ như nền giáo dục của mình không đáng ứng được.

Thị trường lao động hàng năm ra trường khá lớn nhưng hàng trăm ngàn sinh viên thất nghiệp, không đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp, môi trường doanh nghiệp không thuận lợi… là thực tế đang diễn ra hàng ngày, chưa có lời giải”.

Gắn bó với ngành giáo dục đã lâu, PGS.TS Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu đời sống xã hội đã chỉ rõ những nghịch lý đang tồn tại giữa hệ thống giáo dục và các doanh nghiệp: "Tôi thấy trong định hướng chương trình phát triển của giáo dục, tầm lãnh đạo nhận thức khá tốt nhưng hệ thống giáo viên thì không chịu thay đổi, chỉ cần nói tăng thời gian thực tập thôi đã khó. Trong khi đó, một lần tham quan nhà máy giấy Sài Gòn, tôi thấy chỉ có vài nhân viên lao động, hỏi trình độ của họ thế nào, anh giám đốc cho biết: Chỉ cần nhân viên lao động bình thường!

Với nhà trường, cơ cấu đào tạo còn rất lúng túng, tỷ lệ dành cho môn chính trị Mác-Lê Nin còn khá cao so với chuyên môn, chưa quan tâm tới chuẩn đầu ra về kiến thức, kỹ năng lãnh đạo.

PGS.TS Nguyễn Đức Lộc

Trong khi sự chuyển động của doanh nghiệp rất nhanh, trường học lại chuyển động rất chậm, sinh viên rất khó thích nghi. Tôi đã có một công trình nghiên cứu về đời sống xã hội của công nhân các khu công nghiệp, phát hiện ra công nhân làm khu chế xuất có tỷ lệ đại học khá cao, rõ ràng nguồn đào tạo không khớp.

Cách đây vài năm, khu công nghệ cao thiếu người, đưa ra bài toán không tuyển lao động trực tiếp nữa mà thông qua nhà thầu thuê lao động. Rất tiếc mô hình đào tạo tập trung kỹ năng, thực việc như Đại học Hoa Sen sau khi phát triển tốt lại hòa và hệ thống chính, quên đi đào tạo ban đầu.

Dẫn đến thực tế sinh viên rất xấu hổ khi bước chân vào doanh nghiệp vì không đủ kỹ năng làm việc chuyên nghiệp, giảng viên chưa nói cho sinh viên biết doanh nghiệp cần gì? Ngược lại, một số lớn sinh viên chỉ sống trên mây, thái độ lao động có vấn đề”.

(*) Đón đọc bài tiếp cùng chuyên đề: "Cấp quản trị và CEO Việt Nam đang đuối, không thể vào công nghệ 4.0"

Kim Yến

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/nghich-ly-san-sang-tra-luong-cao-cung-khong-giu-duoc-nguoi-tai-1535336867875.htm