Nghịch lý nước sạch về nông thôn

Để bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, thành phố đặt mục tiêu đến năm 2020, tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch đạt 100%. Đến nay, khu vực đô thị đã hoàn thành mục tiêu, song tại nhiều huyện, tỷ lệ người dân tiếp cận, sử dụng nước sạch mới đạt trên 75%. Nghịch lý là tại một số nơi, dự án cấp nước sạch đã hoàn thành, nhưng tỷ lệ hộ dân đấu nối, sử dụng nước lại rất thấp...

Thi công đường ống nước sạch tới xã Song Phương (huyện Hoài Đức). Ảnh: Phong Châu

Nơi cần không có, nơi có ít dùng

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, tỷ lệ cấp nước sạch tại khu vực nông thôn hiện đạt 75%, song tỷ lệ này giữa các huyện không đồng đều. Như tại huyện Phúc Thọ, 11/23 xã, thị trấn chưa có nước sạch nên nhiều người dân vẫn phải sử dụng giếng khoan, giếng đào hoặc nước mưa. Tỷ lệ người dân của địa phương được sử dụng nước sạch (từ Công ty cổ phần Cấp nước Sơn Tây và các trạm cấp nước tập trung) đến nay mới đạt khoảng 34,68%.

Hiện nay đang có nghịch lý là nơi cần thì chưa có nước, nơi có thì lại ít hộ sử dụng. Theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Hoàng Cao Thắng, hiện đã có 18/28 dự án cấp nước khu vực ngoại thành đã hoặc cơ bản hoàn thành, song nhiều nơi tỷ lệ hộ dân đấu nối, sử dụng rất thấp, do người dân vẫn giữ thói quen sử dụng nước giếng khoan.

“Dự án cấp nước cho 14 xã, thị trấn thuộc huyện Hoài Đức hoàn thành năm 2018, đến nay tỷ lệ hộ dân đăng ký đấu nối đạt 83%, do khu vực này vốn thiếu nguồn nước hoặc nguồn nước không bảo đảm. Trong khi đó, dự án cấp nước cho 2 xã Cổ Đông, Sơn Đông (thị xã Sơn Tây) hoàn thành năm 2019, nhưng tỷ lệ đăng ký sử dụng nước chỉ đạt 6%, với 100/1.500 hộ, do người dân chủ yếu sử dụng nước giếng khoan”, ông Hoàng Cao Thắng nêu ví dụ.

Theo Giám đốc Công ty TNHH Đồng Tiến Thành Hà Nam Vũ Kim Hà, công ty đầu tư dự án nối mạng, cấp nước tại 10/23 xã, thị trấn của huyện Thạch Thất với quy mô cấp nước cho 18.000 hộ. Dự án hoàn thành từ năm 2018, song hiện mới có 9.500 hộ đăng ký đấu nối (đạt tỷ lệ 55%). Trong đó, các xã Cần Kiệm, Kim Quan có tỷ lệ hộ dân đấu nối chỉ đạt 15%-25%. Đặc biệt, trong số các hộ đã đăng ký đấu nối, chỉ có 70% hộ sử dụng nước trên thực tế.

Anh Kiều Đình Thắng, thôn Yên Lạc 1, xã Cần Kiệm (huyện Thạch Thất) lý giải, xã thuộc vùng đồi gò, đá ong nước ngầm tự khai thác khá trong. Trong khi sử dụng nước máy phải trả tiền hằng tháng nên nhiều hộ dân vẫn sử dụng nước giếng mà chưa đấu nối sử dụng nước máy. Chủ tịch xã Cần Kiệm Đặng Văn Võ thông tin thêm: “Xã Cần Kiệm đã được đầu tư hệ thống nước sạch từ năm 2017. Chính quyền cũng đã vận động nhân dân sử dụng nước máy để bảo đảm vệ sinh, nâng cao chất lượng cuộc sống, nhưng nhiều hộ đời sống còn khó khăn, muốn tiết kiệm chi tiêu nên chưa sử dụng nước sạch”.

Tương tự, dự án nối mạng, cấp nước cho 2 xã An Thượng, Vân Côn (huyện Hoài Đức) do Công ty TNHH một thành viên Nước sạch Hà Đông làm chủ đầu tư, hoàn thành từ năm 2017, song đến nay tỷ lệ hộ dân đấu nối, sử dụng mới đạt 30% (2.300/7.463 hộ).

Thi công tuyến ống nước sạch tại xã Cự Khê (huyện Thanh Oai). Ảnh: Linh Ngọc

Nhà đầu tư gặp khó

Ông Vũ Kim Hà chia sẻ: “Bỏ ra hơn 500 tỷ đồng đầu tư 2 dự án cấp nước nông thôn (5 xã tại huyện Quốc Oai, 10 xã tại huyện Thạch Thất), thế nhưng số hộ đăng ký đấu nối và sử dụng nước sạch rất thấp nên chúng tôi đang bị thua lỗ...”.

Cho rằng giá bán nước sạch đang là vướng mắc lớn nhất, ông Nguyễn Đình Hà, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nước sạch Tây Hà Nội (nhà đầu tư dự án cấp nước cho 14 xã tại huyện Hoài Đức, 8 xã và vùng phụ cận huyện Đan Phượng) thông tin: “Người dân nông thôn vẫn giữ thói quen sử dụng nước mưa, nước giếng nên lượng nước máy sử dụng thường thấp hơn 10m3/tháng/hộ. Trong khi đó, suất đầu tư tại khu vực nông thôn lớn, có trường hợp kéo 100m đường ống mới được 1 nhà, dẫn đến giá thành cao...”.

Ở góc độ địa phương, ông Đặng Văn Võ cho biết, giảm giá nước sạch cũng là mong muốn của nhân dân. Nếu được thực hiện, tỷ lệ đấu nối và sử dụng nước sạch sẽ cao hơn.

Hiệu quả đầu tư thấp khiến nhiều doanh nghiệp không còn mặn mà với các dự án đầu tư nước sạch nông thôn. Vì vậy, theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hoàng Cao Thắng, Sở đã tham mưu UBND thành phố giao Sở Tài chính chủ trì xây dựng phương án giá bán nước phù hợp. Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, trình UBND thành phố ban hành cơ chế ưu đãi, hỗ trợ nhà đầu tư cấp nước nông thôn.

“Bên cạnh việc tiếp tục tuyên truyền để nhân dân hiểu về tầm quan trọng của nước sạch đối với sức khỏe, nên sử dụng nguồn nước bảo đảm chất lượng cho sinh hoạt, Sở Tài nguyên và Môi trường cần chủ trì phối hợp với Sở Xây dựng, UBND các địa phương báo cáo, tham mưu với thành phố việc đóng các giếng khoan để bảo vệ nguồn nước ngầm...”, ông Hoàng Cao Thắng nêu giải pháp.

Rõ ràng khi người dân thấy được lợi ích của việc sử dụng nước sạch, nghịch lý trong sử dụng nước sạch ở khu vực nông thôn mới sớm được giải quyết.

Dạ Khánh - Nguyễn Mai

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/doi-song/968218/nghich-ly-nuoc-sach-ve-nong-thon