Nghịch lý, nhưng vẫn hy vọng

Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân (TPNW) chính thức có hiệu lực vào ngày 22-1 trao cho thế giới cơ hội to lớn để hiện thực hóa mục tiêu xóa bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân.

Còn nhớ cách đây 76 năm, hai quả bom nguyên tử phát nổ trên bầu trời thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản không chỉ cướp đi sinh mạng của hàng trăm nghìn người mà còn để lại hậu quả nghiêm trọng cho nhiều thế hệ kế tiếp. Hiểu rõ những nỗi đau mà người dân thế giới phải hứng chịu do vũ khí hạt nhân, cộng đồng quốc tế thời gian qua đã không ngừng nỗ lực để giải trừ quân bị nói chung và vũ khí hạt nhân nói riêng, với mong muốn một thảm kịch tương tự không bao giờ tái diễn.

Tuy nhiên, trải qua hàng chục năm, nỗi ám ảnh Hiroshima-Nagasaki vẫn chưa được hóa giải mà thậm chí còn có nguy cơ tái diễn, khi ngày càng có nhiều quốc gia coi vũ khí hạt nhân như một phần của chiến lược chiến tranh, chứ không chỉ đơn thuần là biện pháp tự vệ hay răn đe. Thế giới tiếp tục đứng trước lằn ranh của những cuộc chạy đua vũ trang và nguy cơ chiến tranh hạt nhân, trở thành cụm từ quen thuộc của báo chí phương Tây cũng như phương Đông. Hơn bao giờ hết, cộng đồng quốc tế ngóng trông một công cụ pháp lý hữu hiệu có thể giúp ngăn chặn hoàn toàn việc sở hữu và sử dụng loại vũ khí hủy diệt này.

Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân của LHQ bắt đầu có hiệu lực vào ngày 22-1 sau khi 50 nước tham gia ký kết đã hoàn tất quá trình phê chuẩn vào tháng 10-2020. (Nguồn: Radiation Cinema)

Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân của LHQ bắt đầu có hiệu lực vào ngày 22-1 sau khi 50 nước tham gia ký kết đã hoàn tất quá trình phê chuẩn vào tháng 10-2020. (Nguồn: Radiation Cinema)

Tháng 7-2017, TPNW được Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) thông qua với sự ủng hộ của 122 quốc gia thành viên. TPNW có ý nghĩa lịch sử rất quan trọng bởi đây là hiệp ước quốc tế đầu tiên quy định cấm một cách toàn diện việc phát triển, thử nghiệm, sản xuất, chế tạo, tàng trữ, chuyển giao, sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân. Đặc biệt, hiệp ước quy định trách nhiệm của các nước tiến hành thử và sử dụng vũ khí hạt nhân phải hỗ trợ các nước bị ảnh hưởng trong việc giúp đỡ nạn nhân và khắc phục hậu quả về môi trường. Hiệp ước cũng có các điều khoản tạo điều kiện cho các nước có vũ khí hạt nhân sau này tham gia, nếu cam kết phá hủy vũ khí hạt nhân.

Ngày 22-1 vừa qua, TPNW hội đủ điều kiện cần thiết để được kích hoạt. Những người ủng hộ cho rằng, đây là chiến thắng chung cho toàn nhân loại hướng đến mục tiêu một thế giới không có vũ khí hạt nhân.

Bày tỏ vui mừng khi TPNW có hiệu lực, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres cho rằng, hiệp ước là một bước tiến quan trọng hướng tới mục tiêu một thế giới không có vũ khí hạt nhân và là một minh chứng mạnh mẽ về sự ủng hộ đối với các phương pháp tiếp cận đa phương về giải trừ hạt nhân.“Việc loại bỏ vũ khí hạt nhân vẫn là ưu tiên giải trừ vũ khí hạt nhân cao nhất của LHQ. Tôi kêu gọi tất cả các quốc gia cùng nhau thực hiện tham vọng này nhằm thúc đẩy an ninh chung và an toàn tập thể”, Tổng thư ký Antonio Guterres nêu rõ.

Về phần mình, Giám đốc điều hành tổ chức Chiến dịch quốc tế xóa bỏ vũ khí hạt nhân (ICAN) Beatrice Fihn nhấn mạnh: “Đây là một chương mới trong tiến trình giải trừ vũ khí hạt nhân. Cuộc vận động kéo dài hàng thập kỷ đã đạt được điều mà nhiều người nói là không thể, đó là cấm vũ khí hạt nhân".

Mặc dù vậy, hiện tại, toàn bộ 5 nước thành viên Hội đồng Bảo an LHQ và là những cường quốc hạt nhân, gồm: Mỹ, Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc, vẫn chưa tham gia hiệp ước này, với lập luận rằng TPNW không đề cập tới những vấn đề cần giải quyết trước tiên để đạt được mục tiêu giải trừ vũ khí hạt nhân bền vững trên phạm vi toàn cầu. Đáng chú ý, Nhật Bản-quốc gia duy nhất trên thế giới từng phải hứng chịu bom nguyên tử cũng từ chối ký kết TPNW.

Song, theo các chuyên gia, ngay cả khi TPNW vẫn chưa được các cường quốc hạt nhân phê chuẩn, việc hiệp ước chính thức có hiệu lực sẽ không dừng lại ở một bước tiến mang tính biểu tượng, mà nó sẽ mở ra tương lai chấm dứt việc sử dụng loại vũ khí này. Hiệp ước có thể không ngay lập tức loại trừ toàn bộ vũ khí hạt nhân, nhưng sẽ giúp tạo ra những chuẩn mực pháp lý mới có sức mạnh buộc các nước phải có hành động để giải trừ vũ khí hạt nhân, đồng thời khẳng định quyết tâm loại trừ hạt nhân của cộng đồng quốc tế, trang web của Ủy ban Chữ Thập đỏ quốc tế (ICRC) nhận định.

NGỌC HÂN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/nghich-ly-nhung-van-hy-vong-649995