Nghịch lý - học càng cao, thất nghiệp càng nhiều

Sinh viên đại học sau khi tốt nghiệp có được việc làm đã khó, có được việc làm đúng chuyên ngành lại càng khó hơn. Hằng năm, số lượng sinh viên ra trường tìm kiếm việc làm khá cao, song số ứng viên đáp ứng được công việc của nhà tuyển dụng lại không nhiều. Điều này đòi hỏi các cơ sở giáo dục đại học cần nhìn nhận lại công tác đào tạo để các 'sản phẩm' đầu ra đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động.

Mơ hồ về ngành học

Không đủ điểm đỗ nguyện vọng 1 Học viện Cảnh sát nhân dân, em Lưu Thảo Trang buộc phải đăng ký nguyện vọng 2 Khoa Thông tin thư viện, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội). Sau 2 năm vừa học vừa lo lắng về việc làm, Trang đăng ký học thêm Khoa Báo chí và Truyền thông của trường. Trang chia sẻ, việc học kép cả hai chuyên ngành sẽ giúp em có thêm cơ hội tìm được công việc sau khi ra trường. Tuy nhiên, Trang cũng xác định khả năng có được việc làm như mong muốn không nhiều.

Tương tự như Trang, Mai Thủy Tiên, sinh viên K8, chuyên ngành Quản trị kinh doanh, Đại học Quốc tế Bắc Hà thi vào trường chỉ cốt để có tấm bằng đại học. Trả lời câu hỏi: “Sau khi ra trường sẽ làm việc gì?”, Thủy Tiên lúng túng đáp: “Chỉ còn vài tháng nữa em tốt nghiệp mà vẫn chưa biết sẽ làm gì. Em đang nghĩ đến công việc tổ chức sự kiện, nhưng không chắc có phù hợp với chuyên ngành em đang học hay không!”.

Ứng viên tham gia tuyển dụng tại phiên giao dịch việc làm tổ chức tháng 12-2017 tại Ký túc xá Mễ Trì, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Trường hợp của Thảo Trang và Thủy Tiên là một thực tế tồn tại của đại đa số cử nhân đại học hiện nay. Tâm lý phải vào được đại học, mơ hồ về ngành học dẫn đến tình trạng không ít sinh viên vừa học, vừa lo lắng về việc làm trong tương lai. Theo ghi nhận của phóng viên, ngoài những ngành học xác định rõ nghề nghiệp cụ thể, như báo chí, y dược, sư phạm, quân đội, công an... thì đối với các ngành đặc thù, điển hình như lĩnh vực lâm nghiệp, các em đều có chung suy nghĩ “học xong sẽ làm gì?”. GS, TS Trần Văn Chứ, Hiệu trưởng Trường Đại học Lâm nghiệp cho biết, từ trước đến nay, lĩnh vực lâm nghiệp vốn không hấp dẫn nên thường ít sinh viên định hướng theo học. Nguyên nhân dẫn tới thực tế đáng buồn này là do tâm lý mặc cảm với ngành nghề. Không ít người nghĩ, học lâm nghiệp thì khi ra trường sẽ làm trong rừng hoặc làm những việc nặng nhọc mà không hiểu rằng, Trường Đại học Lâm nghiệp là trường đào tạo đa ngành với 36 ngành ở bậc đại học, 10 ngành ở bậc cao học và 6 ngành bậc tiến sĩ.

Bước chuyển trong công tác đào tạo

Theo báo cáo thống kê thị trường lao động của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, lao động có trình độ đại học, cao đẳng tỷ lệ thất nghiệp cao hơn nhóm lao động khác. Trong quý III-2017, cả nước có 1.074,8 nghìn lao động trong độ tuổi thất nghiệp, giảm 6,8 nghìn người so với quý II-2017 và 42,9 nghìn người so với quý III-2016. Tuy nhiên, số người thất nghiệp có trình độ đại học trở lên là 237 nghìn người, tăng 53,9 nghìn người so với quý II-2017. Nhóm trình độ cao đẳng có 84,8 nghìn người thất nghiệp, tăng 2,2 nghìn người so với quý II-2017; tỷ lệ thất nghiệp nhóm này giảm nhẹ xuống còn 4,88%, nhưng vẫn đang ở mức có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất.

TS Tôn Quang Cường, Phó chủ nhiệm phụ trách Khoa Sư phạm, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội phân tích nguyên nhân dẫn đến tình trạng này trước hết bắt đầu từ ý thức xã hội. Câu chuyện học đại học không còn là điều ghê gớm mà chỉ là bước đệm để các em có hành trang cơ bản bước vào đời. Tuy nhiên, các bậc phụ huynh lại không nghĩ như thế mà ép các em vào bằng được đại học.

TS Tôn Quang Cường cũng chỉ ra những bất cập trong công tác đào tạo của các cơ sở giáo dục. Hiện nay, một số trường đang đào tạo các chuyên ngành, môn học đã quá cũ không đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động. Tình trạng giáo viên lên lớp ngồi ở bàn đọc bài giảng vẫn đang tồn tại. Bên cạnh đó, sinh viên Việt Nam chủ yếu là học lý thuyết, ít được cọ xát thực tế dẫn đến thiếu kỹ năng để làm được việc sau khi ra trường. Theo khảo sát tại các đơn vị tuyển dụng cho thấy, nhiều sinh viên học ngân hàng, kế toán, thậm chí là kiểm toán nhưng khi làm việc tại doanh nghiệp lại lúng túng trong kỹ năng, nghiệp vụ.

Thực tế này đòi hỏi các trường, đặc biệt các trường đào tạo ngành đặc thù phải có những bước chuyển mình trong công tác đào tạo. GS, TS Trần Văn Chứ cho biết: "Trường Đại học Lâm nghiệp đang tích cực thay đổi chiến lược đào tạo, lấy chất lượng sinh viên làm mục tiêu phấn đấu. Trường cũng đang đẩy mạnh đào tạo về lâm nghiệp công nghệ cao, đẩy mạnh đào tạo thương mại lâm nghiệp trong nước và quốc tế, giúp sinh viên đủ tự tin khởi nghiệp, làm giàu từ những kiến thức mình học được. Theo khảo sát của nhà trường, có tới hơn 78% sinh viên khi ra trường làm đúng ngành, đúng nghề với mức thu nhập cao. Điều này minh chứng ở các phiên Ngày hội việc làm do Trường Đại học Lâm nghiệp tổ chức hay trên website của nhà trường liên tục đăng các thông tin tuyển dụng của các cơ quan, doanh nghiệp...".

Nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và tạo điều kiện cho sinh viên tìm được việc làm theo đúng nguyện vọng sau khi tốt nghiệp, nhiều trường đại học đã tìm ra được giải pháp hữu hiệu là liên kết đào tạo giữa nhà trường và doanh nghiệp. Trường Đại học Thủy lợi là một trong những trường triển khai tốt mô hình này. Theo kết quả thống kê, khoảng 90% sinh viên Trường Đại học Thủy lợi ra trường tìm được việc làm như mong muốn, phù hợp năng lực bản thân. Theo GS, TS Trịnh Minh Thụ, Phó hiệu trưởng nhà trường, mục đích của việc liên kết đào tạo cùng doanh nghiệp mang đến cho sinh viên cơ hội việc làm, đặc biệt là sinh viên năm cuối; đồng thời, giúp các em có thể tiếp cận gần hơn với môi trường làm việc thực tế; tăng sự cọ xát để hoàn thiện bản thân, khẳng định vị thế của sinh viên ngành thủy lợi trên thị trường lao động chất lượng cao.

NGUYỄN HÒA

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/nghich-ly-hoc-cang-cao-that-nghiep-cang-nhieu-529837